Nữ sĩ duy nhất Việt Nam là khách mời bình luận bóng đá trên sóng VTV qua 3 mùa giải: World Cup 2014, Euro 2016, World Cup 2018 dành cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên và độc quyền cho Báo điện tử VietNamNet về công việc bình luận, chuyện bếp núc của Ban Thể thao VTV và bật mí về dự án lớn cuối năm nay của chị.

Sau những phản ứng gay gắt về việc VTV mời các hotgirl bình luận bóng đá có những phần chia sẻ ngô nghê, Vi Thuỳ Linh -  nhà thơ nữ đầu tiên và duy nhất đến nay ngồi vào hàng ‘ghế nóng’ bình luận World Cup 2018. Nhà thơ Vi Thuỳ Linh đã có những chia sẻ chân thành với VietNamNet.

 

{keywords}
Từ trái sang BLV Lê Kiên, nhà thơ Vi Thùy Linh, Thủy Tiên, BTV Quốc Khánh. Ảnh: Tạ Chí Hiển


Không sợ tên tuổi lẫn lộn với các hotgirl

Khi các hotgirl bình luận World Cup 2018 trên VTV, họ gánh chịu sự phản đối dữ dội từ đông đảo người xem. Là người ngồi ‘ghế nóng’ này qua 3 trận vòng bảng, chị có thấy mình can đảm?

- Cho tới nay tôi là nữ thi sĩ đầu tiền và duy nhất Việt Nam được mời từ World Cup 2014, Euro 2016, World Cup 2018. Tôi có kinh nghiệm, sự hiểu biết, xúc cảm và lòng trân trọng khán giả thành động lực để muốn đem đến người xem những bất ngờ. Như câu thơ của tôi hơn 20 năm trước: "Lần nào đến cũng đem theo bí mật" Trong các mùa trước, dư luận phản ứng về khách mời bình luận không dữ dội.

Bởi đến lần này mới có hotgirl được mời bình luận chăng? Format gồm 4 vị: Biên tập viên (người dẫn chương trình), bình luận viên (trực tiếp của trận đấu đó), chuyên gia (hoặc nhà báo) bóng đá, nghệ sĩ (diễn viên, ca sĩ, MC), hoặc hoa hậu, người mẫu, kiện tướng dance sport, hotgirl. Sự lây lan phản ứng của một bộ phận công chúng trong mùa giải này mạnh mẽ bởi theo tôi lần này có sự cộng hưởng và nhấn mạnh của hệ thống facebook.

Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, nhiều khi cái hay lại được khen một cách dè dặt, cần kiệm còn cái dở lại được bàn tán, ghê gớm, kiểu hiệu ứng "đánh hội đồng" không kiểm soát, không fairplay.

Mặt khác ý tưởng "Thể thao cho mọi người", "Thể thao thay đổi cuộc sống" của Ban Thể thao VTV chưa được hiểu thấu đáo và quảng đại. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng chưa và sẽ không bao giờ chỉ dành cho đàn ông.

Tôi lấy làm lạ khi ở thời đại 4.0 này vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, những cực đoan, cay nghiệt khi muốn cự tuyệt, phản bác sự xuất hiện của nữ giới với chương trình đồng hành cùng World Cup. Loáng thoáng biết vài dèm pha, nhưng tôi tin rằng lượng người thiện cảm với tôi rất đông.

Tôi nhận lời ngồi ‘ghế nóng’ bình luận World Cup 2018 không gọi là can đảm. Tôi có sự chuẩn bị và luôn yêu mến khán giả của mình, nên nhận lời tự tin, hào hứng. Tôi chứng kiến việc các cô được gọi là hotgirl (tôi không hiểu sao mọi người cứ gọi thế, hot ở chỗ nào không biết) thực sự nhạt, phông văn hóa hơi nông cạn, mặt nào đó hơi thiếu trách nhiệm với công việc mình nhận.

Không ai trên thế giới này có thể hoàn hảo, là bách khoa toàn thư sâu sắc, mọi mặt; song khi đã nhận lời mời tham dự, phải cố gắng một cách tối đa nhất. Bởi đâu chỉ trò chuyện với các BLV, mà còn nói cho hàng triệu khán giả nghe. Đấy là sự tôn trọng người xem - những "người phán xử" quyền năng nhất ở mọi lĩnh vực.

 

{keywords}
 

 

 Đã cùng 2 hot girl bình luận, chị có sợ khán giả sẽ có những so sánh của họ?

(Cười). Sao lại sợ? Ngay cả kẻ hiềm tị nhất cũng không thể xếp Vi Thùy Linh lẫn lộn vào những cô gái ấy. Tối 25/6, tôi cùng Đặng Ngân bình luận trận Nga - Uruguay, tối 28/6 tôi cùng Thủy Tiên bình luận trận Ba Lan - Nhật Bản. Hoàn toàn tôi không biết mình sẽ tham gia cùng các em ấy, cho tới khi tới trường quay. Bao năm nay tôi luôn áp lực với chính mình về tự trọng và danh dự của cái tên. Tôi thực ra còn áp lực hơn các cô hotgirl kia bởi các cô ấy chưa có danh vị nghề nghiệp, ngoài ưu thế trẻ và nhan sắc.

Đã 22 năm văn chương, câu chữ và diễn đạt của tôi đòi hỏi mình càng khắt khe hơn. Tôi luôn hà khắc với chính mình. Sự khắt khe này là của tôi với bản thân trước hết.

"Nhìn thấy Vi Thuỳ Linh bình luận chỉ muốn tắt ti vi", đọc comment này, chị suy nghĩ gì?

-Tôi tôn trọng vị khán giả nào bình luận như vậy. Xem, tắt hay chuyển kênh là quyền của khán giả. Nhưng, nếu cứ thấy Vi Thuỳ Linh mà tắt ti vi thì vị khán giả này thiệt đấy. Vì fomat chương trình đâu phải một mình tôi, mà còn 3 người khác nữa, lại thêm những phóng sự trực tiếp từ Nga gửi về đan xen, chẳng lẽ cứ bật - tắt ti vi liên tục, nhỡ chẳng may cháy ti vi thì thiệt. (Cười).

Thức lâu mới biết đêm dài, mới nghe Vi Thuỳ Linh bình luận vài câu mà đã định kiến phiến diện, quy chụp kết luận vội vàng thì khán giả đó chỉ có... thiệt, vì càng ngày Vi Thuỳ Linh sẽ càng bình luận hay. Ví như trận Nga - Tây Ban Nha đêm 1/7, nếu ai tắt ti vi sau trận đấu sẽ không nghe được tôi đọc bài thơ tôi nung nấu cảm xúc và ý tưởng từ đầu World Cup 2018 và hoàn tất 5 phút trước khi kết thúc hiệp 2.

Lúc đó, thế trận giằng co, tôi mong Nga sẽ thắng sau 2 hiệp phụ, tôi sáng tác trong cảm hứng ấy. Ơn Chúa, những chàng trai áo trắng như được truyền lửa từ thời những anh hùng Xô viết - những Hồng quân giải phóng châu Âu đã giành chiến thắng bất ngờ khi mà chính khán giả Nga cũng không nghĩ đội nhà có khả năng cao lọt vào tứ kết.

Vậy là, tôi đã có tác phẩm vừa hợp thời, vừa chuyển tải được mong ước đến nước Nga lại vừa có tính thời sự. 

{keywords}
Nhà thơ Vi Thùy Linh đang được chuyên viên Phạm Thanh Lâm làm tóc và Thanh Tú trang điểm trước giờ bình luận tối 25/6.

 

Bình luận vì khát khao hiểu biết và khám phá

Một số khán giả muốn “giải tán”luôn phần bình luận sau trận đấu vì cho rằng toàn những câu nói “vuốt đuôi”. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?

- Đó chỉ là ý kiến rất thiểu số, có phần "quá khích", bất công! Nhiều khán giả yêu bóng đá họ có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn nữa về đội bóng họ yêu mến, cầu thủ họ kỳ vọng. Ban Thể thao tổ chức bình luận trước, giữa và sau trận đấu không đơn thuần bình luận các tình huống, diễn biến mà họ còn cung cấp các thông tin về cầu thủ, về đội bóng,... và tạo cơ hội cho những người nổi tiếng đến gần khán giả và ngược lại.

Tôi nghĩ đây là điểm hấp dẫn ở VTV được nhiều khán giả yêu thích, chính vì đông đảo fan hâm mộ, nên VTV mới duy trì tới lúc này. Ngoài việc cung cấp thông tin, các BTV, BLV và khách mời bình luận có thể đưa ra chính kiến, quan điểm của họ. Sẽ thật nhàm chán, đơn điệu nếu cả tháng trời chỉ nói quanh chuyện trái bóng và các chiến thuật, đấu pháp.

Cuộc sống vốn đa dạng, sinh động, rộn rã sắc màu và các thang bậc xúc cảm. Không có định chế nào ép buộc, bó hẹp những khối óc say nghề, ham muốn đem đến nhiều thú vị cho người xem như những người làm thể thao của VTV. Tôi đã chứng kiến họ vất vả suốt ngày, thức thâu đêm, kể cả các BTV nữ chuyên làm đêm suốt mấy mùa giải như chị Minh Nguyệt, con gái mới 5 tuổi mà từ nhỏ đã phải ngủ vắng mẹ.

Chống lại quy luật nhịp sinh học thông thường, các BTV, phóng viên, Ban Thể thao thức đêm triền miên không cần café, trà. Họ tiếp sức bằng mì tôm cốc, cháo gà nóng hổi, xôi nhà hàng khênh đến một nồi nhôm to với chả, thịt ba chỉ, trứng kho và lượng nước thịt nửa nồi đủ để chan vào xôi chứ không chỉ rưới. Trường quay S14 dành riêng cho World Cup, phòng máy kề bên. Trong phòng máy có cabine bình luận.

Đến đây, khách mời mới được ngắm các chân dung của các nam BTV, BLV trong đời thực, trước khi họ... được đánh phấn (có thể kẻ lông mày cho đậm thêm và thoa chút son) để lên hình. Đấy là Biên Cương lịch lãm, giọng hay làm bao fan nữ ngẩn ngơ, lại khiêm tốn chân thành, nhũn nhặn hay mặc quần soóc khi "vật lộn" những trận hay và khó, mệt như bình luận trận Nga - Tây Ban Nha hơn 2 tiếng đồng hồ.

Là Lê Kiên đôn hậu, am hiểu văn thơ không kém một nhà phê bình văn học. Là Khắc Cường nhạy bén, hoạt ngôn đang lâng lâng vì mới có con trai đầu lòng. Là Việt Khuê người cha của một cặp sinh đôi nay má đã bớt bầu bĩnh. Là Tuấn Anh thức thời nhiệt huyết thường hay bận tâm mặt có vài nốt mụn chưa được mấy cậu make up phủ phấn kỹ, lo lên hình công nghệ HD sẽ xấu trai. Là Quốc Khánh mắt sâu, nhận định sắc sảo của chương trình Ấn tượng thể thao 7 ngày, tôi chưa thấy thời trang gì khác ngoài vest và ít cười...

Quy định của Đài không được mang đồ ăn lên các phòng làm việc cần nạp năng lượng thì phải xuống phòng ăn ở tầng 1. Ở đây nhiệt độ để lạnh như "ướp cá", khói thuốc lá có quyền phả tự do và muốn chuyển kênh ti vi trên tường thì rất khó vì nhiệt độ điều hòa tổng và remote không để ở đó. Đồ uống là nước khoáng, bò húc, trái cây là quýt, vải. Nhưng cũng có một số anh chị mải làm cũng chẳng ăn được chút gì.

 

{keywords}
 Nhà thơ Vi Thùy Linh bên mô hình Điện Kremlin trong trường quay S14


Điều gì khiến một người phụ nữ có 2 con nhỏ như chị lại chịu ra khỏi nhà suốt tối và trở về lúc nửa đêm để bình luận bóng đá. Vì quá yêu bóng đá hay vì cát- sê bình luận cũng ‘nóng’ không kém các trận túc cầu?

- Tôi trọng ân tình với Ban Thể thao của VTV, câu chuyện rất dài nhưng tôi cảm phục trí tuệ sáng tạo, sự liên tài của nhà báo Phan Ngọc Tiến, sự chu đáo, cầu thị của anh em trong Ban Thể thao.

Bản thân tôi, 2 lần được mời bình luận bóng đá trước đây đều lúc mang thai những vẫn nhận lời với niềm đam mê, chỉ muốn góp chút gì đó cho cuộc sống này tốt đẹp, lãng mạn và thăng hoa hơn. Khi World Cup 2014 tổ chức ở Brazil, ngược hẳn múi giờ, tôi có nói khi bình luận: "Khó người phụ nữ nào ở Việt Nam yêu và nhiệt tình bóng đá như tôi, khi bụng bầu lại đưa con nhỏ 1 tuổi lên Đài,cháu ngủ sofa còn mẹ thức cả đêm".

Câu này và một số lời bình luận, kể cả thơ của tôi bị một số người thiếu trung thực và thiện chí đã biến báo, cắt ghép để lan truyền sự sai lệch. Nhưng tôi vẫn vững tin bởi coi mỗi lần lên sóng Đài Quốc gia là cơ hội để chinh phục khán giả chân chính, độc giả gần xa mà tôi luôn yêu mến, mắc nợ sự tin tưởng và đợi chờ của họ dành cho tôi mỗi lần xuất hiện bằng con người tôi lẫn tác phẩm.

Điều kiện thuận lợi quan trọng cho sự an toàn của lúc trở về và thời gian về nhanh với các con là nhà tôi cách Đài chỉ hơn 2km. Con tôi gửi trường tư thục, được cô hiệu trưởng rất quan tâm. Cô giáo Phạm Oanh thuê nhà để ở và làm trường mầm non, cùng một cô giáo trẻ nhận trông con giúp tôi dù cô Oanh cũng mang bầu lớn và sinh con nhưng vẫn cố gắng giúp tôi đi bình luận tôi 3 trận rồi mới sinh con chiều 3/7 (chậm 1 tuần so với dự sinh).

Tôi đã nhận lời là cố gắng tối đa dù lúc sát giờ lên Đài, con hơi sốt, sau phần bình luận đầu trận đấu 28/6, thì cô giáo báo con trai 15 tháng tôi bị sốt 39,50 nhưng cô cho cháu uống hạ sốt và động viên tôi cứ yên tâm hoàn thành công việc.

Chị dự đoán kết quả 2 trận cuối vòng 1/8 sẽ như thế nào?

-Trong tâm lý của rất đông khán giả, tôi nói vui cả những người cá độ nữa, hay chọn cửa trên. Như tôi chẳng hạn, hay các độ với chồng, thắng thì tôi đòi mà thua thì tôi "xù". Là người yêu văn chương tôi mong muốn chiến thắng cho Thụy Điển và Columbia.

Chị sẽ tiếp tục lên VTV bình luận ở vòng bán kết và chung kết chứ?

- Tất nhiên, rất hứng thú nếu được mời. Và chắc chắn sẽ lại có quà cho khán giả. Mới, riêng biệt và không khách mời nào kỳ công như tôi. Tôi cho rằng giải vô địch bóng đá thế giới không chỉ là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh của bộ môn "thể thao Vua" đông người xem nhất, mà đây là một festival văn hóa khổng lồ. Văn hóa của các quốc gia mang đến đất nước tổ chức giải đấu: trang phục, màu cờ, dân ca dân vũ, ngôn ngữ văn hóa cổ vũ và thi đấu; di sản tâm hồn trong quá khứ và hiện hữu của mỗi quốc gia được bộc lộ và thể hiện sống động, đồng thời với một hiệu ứng chưa từng có.

Không bao giờ tôi chùn bước, nhụt chí chỉ vì vài lời chê thiếu hiểu biết, hẹp hòi, "áp đặt lối chơi" cho tôi và VTV rằng phải thế này thế kia. Hiệu quả cuối cùng chính là xúc cảm bổ ích cho người xem. Xem World Cup không chỉ là du lịch qua màn ảnh nhỏ mà còn được bay bổng thỏa mãn khát vọng chu du bằng tưởng tượng. Tôi mới chỉ đến được dưới 10 nước trên thế giới, còn ít ỏi lắm.

Mỗi dịp World Cup, khát vọng hiểu biết của tôi càng "bùng cháy". Thật quý báu khi nhận được lời mời khen, ghi nhận sau những lần bình luận từ dịch giả Tạ Minh Châu (đã sống 15 năm ở Ba Lan, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn VN, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Lê Chí Hiếu, nhà thơ Thi Hoàng,  đạo diễn Vương Đức có 10 năm du học Trường Điện ảnh VGIK (Nga), nhạc sĩ Nguyễn Cường, NSƯT Tấn Minh, NSND Đào Bá Sơn, diễn viên Hiền Mai (TP. Hồ Chí Minh), NSND Hoàng Cúc, họa sĩ Đặng Tiến, nhạc sỹ Duy Thái, Thế Vinh (Hải Phòng), NSND Trần Quốc Chiêm...

Đặc biệt, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng (Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ) và nhà khảo cổ học PGS.TS Lân Cường cùng chung ý tưởng khi nhắn tin cho tôi sau khi nghe tác phẩm viết trong đêm có đội Nga chiến thắng: Nếu Đại sứ và truyền thông Nga mà biết bài thơ này thì thế nào Linh cũng được tặng vé khứ hồi sang Nga. Chẳng biết khi nào điều ấy xảy ra, nhưng tôi vui vì thơ được đón nhận nồng nhiệt.

Ngay các phóng viên thể thao lẫn các chuyên gia Trịnh Minh Huế, Phan Anh Tú cũng khen ngợi và thích thú với hiểu biết của người ngoại đạo như tôi. Tôi hào hứng còn vì khán giả tinh hoa là những tên tuổi mà tôi yêu quý các lĩnh vực đã nhắn tin, gọi điện ủng hộ tôi.

Sau Bay cùng ViLi, chị chưa có dự án nghệ thuật nào tương tự như thế?

- Cuối năm nay tôi sẽ làm dự án này sẽ độc đáo và chưa từng có ở Việt Nam. Sẽ có nhiều NSND: Hoàng Dũng, 2 NSND Lan Hương (mẹ chồng) và Lan Hương "Em bé Hà Nội", Trung Hiếu, Trung Anh,..họ sẽ làm những màn trình diễn mà trong đời diễn xuất của họ, họ chưa từng làm. Tôi muốn giữ bí mật và chờ tới họp báo tôi sẽ công bố. Tôi tiết lộ rằng, sẽ có 1 tập thơ và 1 tuỳ bút. Tôi đã có “Hộ chiếu tâm hồn” và cuối năm sẽ là “Visa của ViLi”. 

Tình Lê