"Ông trời cho con người ta ham muốn, nhìn thấy gái mà như nhìn thấy cột đèn thì sao có thể viết nhạc, đánh đàn" - tác giả "Ngẫu hứng sông Hồng" hài hước chia sẻ.

Nhạc sĩ Trần Tiến trò chuyện với phóng viên nhân dịp từ Vũng Tàu ra Hà Nội để chuẩn bị cho đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến. Tác giả Mẹ tôi vẫn giữ nguyên tinh thần du ca thuở nào, tưng tửng, bụi bặm và đầy nam tính dù gần 70 tuổi. Ông vừa trò chuyện vừa "nhâm nhi" cốc bia Hà thành, thỉnh thoảng lại cười khà khà khi tiết lộ thông tin thú vị.

{keywords}

Nhạc sĩ Trần Tiến. 

"Ai tìm tôi, cứ về với biển"

- Nhiều người đồn rằng tìm nhạc sĩ Trần Tiến bây giờ khó lắm vì ông lui về ở ẩn và không thích xuất hiện chỗ đông người. Thực hư thế nào, thưa ông?

- Tôi ở ngay cạnh biển Vũng Tàu. Tìm tôi ý à? Ai tìm tôi, cứ về với biển. Các bạn đứng trên bãi biển, trước những con sóng. Các bạn hãy cất tiếng hỏi “ông Trần Tiến ở đâu ý nhỉ?”. Và những con sóng sẽ trở lại cho các bạn. Tôi nói thật đấy!

Bây giờ, tôi ít đi hơn trước vì biết mình có tuổi rồi, không như ngày xưa được. Tất nhiên, lâu lâu vẫn phải ra ngõ để gặp một cô gái xinh đẹp nào đó và lại sáng tác. Tôi đang viết nhạc hip hop để thể hiện mình còn trẻ trung, khao khát và mạnh mẽ. Thú thực, tôi rất ghét tuổi già.

- Nghe nói ông sắp ra một cuốn sách. Cơ duyên nào đưa Trần Tiến đến với công việc của một nhà văn?

- Tôi không có ý định làm nhà văn. Mỗi nghề có một đặc thù riêng, tôi biết mình không thể làm nhà văn được dù có muốn đi chăng nữa. Ai nói tôi viết báo tôi còn sợ huống hồ là viết văn. Cuốn sách sắp ra mắt của tôi chỉ là những bài viết ngẫu hứng về các thứ lung tung, từ con người đến cuộc đời.

Đó là một thể loại của riêng Trần Tiến, không phải tự truyện cũng chẳng phải hồi ký. Người ta bảo đó là những "bài hát trong bóng tối". Tôi thấy đúng vì tôi viết văn như viết lời bài hát. Cuốn sách này không phải văn chương và cũng không đề cập cuộc tình nào. Chán nhỉ! Kể ra nếu có cuộc tình nào, tôi cũng viết vào đấy nhưng nào có ai nhòm ngó.

- Sau cuốn sách này, ông có nghĩ mình sẽ viết hồi ký để tổng kết chặng đường cuộc đời như nhiều nghệ sĩ Việt khác?

- Tôi rất sợ tổng kết cuộc đời mình. Tôi sợ cả ra album, tuyển tập vì đó là dấu hiệu của sự kết thúc. Tôi chưa kết thúc, tôi vẫn ở đây. Có thể tôi còn viết hay hơn trước, không biết được. Hơn nữa, tôi không thích nghĩ đến quá khứ hay tương lai. Tôi chỉ thích hiện tại và quan tâm đến những giây phút vừa qua, xem mình có hạnh phúc hay không.

- Vậy ông có nhớ mình đã làm bao nhiêu đêm nhạc tính đến thời điểm hiện tại?

- 200 đến 300 đêm nhạc. Và cũng có thể lên tới con số 500. Tôi không đếm nhưng ước tính như vậy. Từ khi nổi tiếng là khoảng những năm 1980, một mình tôi hát đến cả trăm buổi. Tôi lấy cát-sê rẻ nên các đơn vị tổ chức hay mời, mà đâu chỉ có rẻ, đúng ra phải là ngon - bổ - rẻ (cười).

Nói chung, tôi không quan tâm chuyện cát-sê, tôi chỉ thích gặp công chúng, nhất là sinh viên, bộ đội và giới trí thức. Hồi đó, có những đêm, tôi hát tới 33 bài. Tôi không chỉ hát mà còn trò chuyện với khán giả. Các ca sĩ có thể hát hay hơn nhiều nhưng họ vẫn muốn mời tôi để tìm về với nguyên gốc của tác phẩm. Đó là lý do, đến tận bây giờ, tôi vẫn còn được mời.

- Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ hát cho sinh viên như ngày xưa?

- Từ xưa đến nay, tôi vẫn hát cho sinh viên. Nhưng có thể sinh viên bây giờ họ không cần mình nên không mời. Và cũng có thể các trường cho rằng tôi nổi tiếng sẽ lấy cát-sê cao nên không có tiền trả mà sinh viên thì làm gì có tiền. Ngày xưa đến bây giờ cũng vậy, bồi dưỡng bao nhiêu thì bồi dưỡng, tôi đâu nghĩ đến chuyện tiền.

{keywords}

Tác giả Mẹ tôi quan tâm đến giây phút hiện tại thay vì quá khứ hay tương lai.

"Thấy gái như cột đèn thì sao viết nhạc"

- Ông là nhạc sĩ trong nhóm “tứ quái sông Hồng” cùng Dương Thụ, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương. Các ông có dự định tổ chức đêm nhạc chung?

- Không có "tứ quái" nào đâu, chẳng qua là thế này. Hôm ấy, trước khi vào nhậu, thi sĩ Thụy Kha chụp cho bốn anh em chúng tôi một tấm hình ngẫu nhiên ở Hồ Tây. Thế rồi không biết ai giật tít cho bức ảnh ấy, thành ra chúng tôi là nhóm "tứ quái" (cười). 

Thế hệ của chúng tôi còn nhiều nhạc sĩ tài năng không kém cạnh gì. Nhưng đúng là bốn chúng tôi thân nhau nhất. Hôm trước, Dương Thụ bảo sẽ làm đêm nhạc chung, tôi thấy cũng hợp lý vì mỗi người có một phong cách khác nhau. Nếu phải chọn màu trong bốn người đó, tôi thích màu vàng vì tôi mạng thổ, hợp với màu này.

- Trong “tứ quái sông Hồng”, ông có lẽ là người có nhiều đêm nhạc nhất. Ông có nghĩ mình là người may mắn?

- Tôi đúng là người có nhiều may mắn. Trời cho tôi nhiều bài hát hay. Tôi lại có người vợ hiền cùng 2 đứa con ngoan và học giỏi. Ca khúc của mình lại được nhiều người yêu mến và thể hiện.

Ngoài các giọng ca trước đây, sau lại có thêm Trần Thu Hà, Tùng Dương. Gần đây các chương trình truyền hình cũng nhiều người hát, thế là mình sướng. Hôm trước, có cậu bé hát bài Mặt trời bé con, rồi lại có cậu hát bài Mẹ tôi rất hay, hay hơn cả Tùng Dương hay Hà Trần. Hạnh phúc của người nhạc sĩ chỉ đơn giản như thế.

- Nhạc sĩ Nguyễn Cường bảo “tôi không còn là chàng trai 17, 18 tuổi thấy một cô gái nở nụ cười đi ngang qua cũng sáng tác ngay được một bài hát”. Ông thì sao?

- Tôi nhìn thấy gái đẹp vẫn có cảm xúc như xưa, không thay đổi. Ông trời cho con người ta ham muốn, nhìn thấy gái mà như nhìn thấy cột đèn thì sao có thể viết nhạc, đánh đàn. Tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của một con gái. Tất nhiên, không phải vẻ đẹp bên ngoài mà là bên trong.

Nhưng tôi không phải người lăng nhăng dù có đầy đủ tính xấu của một thằng đàn ông. Tôi rất mê gái vì không mê thì sao viết được nhạc. Tôi ham muốn nhưng tôi không làm bậy vì ông trời cho tôi khả năng viết nhạc và dặn tôi phải tập trung làm công việc của mình.

Theo Zing