Tuổi thơ nghèo khó không thể quên

- Xem clip Trà Ngọc Hằng dạy con, tôi tự hỏi chị có nghiêm khắc quá khi bé chưa được 2 tuổi?

Tôi truyền thống, nghiêm khắc với con, cháu như vốn nghiêm khắc với chính mình. Tôi chịu ảnh hưởng từ ba, một người đàn ông gốc Khmer sinh ra ở vùng quê nghèo. Ông gia trưởng, nghiêm khắc. Hồi nhỏ, có lần tôi đi ngang một nhóm những đứa trẻ đang bày biện đồ chơi với nhau. Tôi chỉ đứng nhìn, thèm thuồng có đồ chơi như vậy chúng chạy đến mách ba rằng tôi định ăn cắp đồ chơi của chúng. Ba tôi bắt tôi quỳ, đánh trước mặt bọn trẻ và ba mẹ chúng. Ba bắt tôi nhận lỗi nhưng tôi không ăn cắp thì có đánh chết tôi cũng không nhận. Khi hàng xóm về, ba nói: Ba biết con không ăn cắp đồ nhưng thà tự ba đánh con chứ không để người khác đánh chửi, sỉ nhục con. Ông là vậy đó, chưa kể đúng sai đã đánh con mình trước rồi.

Chiều hôm đó, tôi giận bỏ sang nhà dì, không thèm về. Ngoại tôi sang nhà nói chuyện với ba thì ông khóc. Ông dạy tôi: Thà chịu thiệt thòi còn hơn bị người ta chê cười. Quả thật, sau lần đó không ai dám nói tôi ăn cắp nữa. Một lần khác, anh Đan Trường xuống quê tôi diễn. Lúc đó đã hơn 6h chiều nhưng tôi mê anh Bo quá nên liều trốn đi xem ca nhạc. Khi về, tôi bị ba trói vào cột đèn đánh. Ba tôi nói con gái không được đi chơi khuya một mình như vậy. Nhà tôi 3 chị em gái, ai cũng bị ba đánh đòn chứ không riêng gì tôi. Chị tôi ngày xưa hay trốn nhà đi chơi, từng bị ba tôi cắt tóc cho khỏi đi chơi nữa.

{keywords}
Trà Ngọc Hằng lần đầu chia sẻ về quá khứ.

- Phải chăng vì nhà chị túng thiếu nên mới bị sinh sự?

Tuổi thơ tôi cũng dữ dội lắm. Hai năm từ 4 đến 6 tuổi, gia đình tôi kinh tế ổn định, đó cũng là quãng tuổi thơ đẹp nhất của tôi. Chị tôi đi làm nhiều năm, tích cóp, vay nợ để xây cho gia đình một căn nhà tường khang trang vì chúng tôi vốn ở nhà lá. Năm 1997, tôi lên 7 tuổi, bão số 5 quét vào Cà Mau. Cả đời tôi không quên cảnh cả nhà phải chui xuống gầm giường, tận mắt nhìn gió thổi bay nóc nhà rồi từng phần khác bị cuốn đi. Bão qua, căn nhà chỉ còn là một đống hoang tàn. Có mấy đoàn cứu trợ ở Sài Gòn xuống phát mì gạo, tôi bé xíu cũng phải xếp hàng để lấy một thùng mì về cho gia đình. Cả nhà tôi làm lại mọi thứ từ đầu.

Thời ấy, hễ trời mưa trong nhà cũng không khác gì ở ngoài vì nước mưa vẫn xối lên đầu, nền nhà ngập lênh láng. Ba tôi dẫn mấy mẹ con tôi vào mảnh vườn thuốc nhỏ trong rừng, trú trong một cái miếu hoang gần đó, hết mưa thì về nhà. Cuối năm lớp 9, gia đình tôi lại xảy ra biến cố nên khánh kiệt hoàn toàn. Lớp 10, tôi trốn lên Sài Gòn vừa đi làm vừa kiếm tiền học cho gia đình bớt gánh nặng. Tôi bưng bê cho một quán café ở Lái Thiêu, Bình Dương kiếm 1,1 triệu đồng/tháng. Không ngờ ba tìm tới tận quán café để bắt tôi về. Tôi bỏ chạy một lúc thì bị ba bắt được. Trong một con hẻm, tôi vừa khóc vừa nói: Ba ơi, nhà mình khổ quá, ba phải cho con đi làm. Con bưng bê café chứ có làm gì bậy bạ ô danh gia đình mình đâu! Thế là ba xuôi theo, cho tôi tiếp tục đi làm.

Tằn tiện được ít tiền tôi đem đi học người mẫu ở Nhà văn hóa Thanh niên. Một thời gian sau, có công ty đến mời tôi về ký hợp đồng hát nhóm nhạc nữ, trả lương 5 triệu/tháng. Anh quản lý của chúng tôi rất dễ thương, một mình lo cho hai nhóm nhạc nam, nữ. Thời đó, chúng tôi hát cát-sê vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu đồng chia đều ra các thành viên. Tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền, để dành lo cho ba. Chúng tôi cũng được mời chụp báo, tạp chí, nhiều lần lên trang bìa. Tôi mang những cuốn ấy về khoe ba. Ông rất lạnh lùng, tỏ ra không quan tâm nhưng sau đó lại lén cắt ảnh tôi ra, dán vào album. Ông còn mang album đó đi khoe khắp hàng xóm. Lần đầu tiên tôi chụp ảnh lịch, ông cũng mua cả chục cuốn tặng mỗi nhà một cuốn.

- Sự nghiệp ca hát đang thuận lợi như thế, sao chị không phát triển lên mà chuyển sang nghề người mẫu?

Chúng tôi hoạt động không lâu thì anh quản lý Việt kiều Úc phải về nước. Công ty trụ thêm một thời gian nữa thì giải thể. Vốn dĩ cả 3 chúng tôi đều còn đi học nên không được gia đình ủng hộ. Công ty giải thể, nhóm chúng tôi cứ thế tan rã theo, mỗi người tiếp tục con đường riêng. Tự thân tôi không đi hát được nên đi làm người mẫu. Tôi là mẫu mới, cát-sê thường chỉ có 100 – 200 nghìn, đôi khi cũng chẳng có.  

Người đẹp bật khóc khi nhắc về người cha đã khuất.

Ba nói: 'Nghèo cho sạch, rách cho thơm'

- Chị xinh đẹp như thế, khi ấy hẳn gặp nhiều cám dỗ?

Tôi giờ là gái có con còn bị cám dỗ, nói gì ngày xưa. Cứ ai nhắn mời tôi “đi ăn” 10 – 20 nghìn USD là tôi chặn tài khoản liền. Thời mới lên Sài Gòn, tôi chơi thân với một người anh, đi đâu tôi thấy không an toàn là tôi rủ anh ấy theo. Có lần, tôi được mời đi đóng quảng cáo, hẹn gặp trao đổi ở khách sạn Caravelle. Tiếp chuyện tôi và ông anh là người đàn ông ăn mặc lịch sự. Người này kêu tôi lên “quán café” trên tầng 20 sẽ có người khác tiếp. Tôi dẫn ông anh theo thì người kia không cho, bảo là chỉ tôi lên “nói chuyện riêng”. Tôi ngây thơ tưởng có quán café thật nhưng vẫn cảnh giác, dặn dò ông anh: Em lên đó, điện thoại để sẵn số anh, có gì em bấm gọi anh chạy lên liền nghe.

Lên đến nơi, tôi thấy đó là căn phòng đang mở toang cửa, không thấy “quán café” đâu. Người đàn ông ở trong phòng nằng nặc kêu tôi vào “uống café”, tim tôi muốn rớt ra ngoài! Tôi bấm gọi liền cho ông anh. Người đàn ông đó rút tờ séc ra ký xoẹt 50.000 USD, nói là tiền trả công tôi ngồi trò chuyện và hát cho hắn nghe. Thấy tôi lưỡng lự, hắn lấy tiếp một sợi dây chuyền hột xoàn ra tặng. Hồi ấy, tôi mới 16 – 17 tuổi, biết séc với hột xoàn là cái gì đâu. Tôi chết trân, hắn chực đến đóng cửa phòng thì tôi hét toáng lên, đạp cửa bỏ chạy. Tôi vừa chạy ra ông anh mình vừa lên tới.

{keywords}
Trà Ngọc Hằng chạnh lòng mỗi khi đến những danh lam thắng cảnh. 

- Hỏi thật, nếu là Trà Ngọc Hằng bây giờ, tôi có thể hiểu nhưng chị ngày xưa không có đồng nào trong tay, làm sao để thản nhiên bỏ qua món tiền hấp dẫn như thế? Các người đẹp thường sĩ diện, họ muốn có bằng được mức sống tương xứng với ngoại hình của mình, mới xảy ra chuyện tiêu cực trong nghề này chứ?

May mà tôi nghèo quen rồi nên sống sao cũng được. Bây giờ nếu bắt tôi sống thiếu thốn, cực khổ hơn tôi cũng không chết được. Tôi là con nhà nghèo chứ đâu phải tiểu thư mà sợ khổ. Lúc đó, tôi còn nhỏ quá, chưa hình dung “chuyện ấy” là như thế nào. Chưa kể, tôi kỹ tính, có cho hột xoàn để hôn đàn ông xa lạ tôi cũng không dám hôn.

Sống với ba từ nhỏ khiến tôi kiên định, không sa ngã trước cám dỗ. Tôi đi bưng bê café ở Bình Dương mà ba đuổi theo tới nơi, không cho tôi làm. Ba nói tôi có chết đói cũng không được đi bưng bê café vì sợ người ta “dê” con gái mình. Tôi quỳ, khóc nài nỉ ba cho mình đi làm. Rồi ba cũng khóc. Ba nói: Nghèo cho sạch, rách cho thơm. (khóc) Tôi nhớ câu ấy hoài. Lời dạy của ba ghim vào đầu mình nên dù có đói khổ đến mấy, tôi cũng không bán mình.

Tôi thích Boléro, trữ tình nhưng luôn tránh hát bài Tình cha. Bạn bè ai cũng khen tôi hát Tình cha hay nhưng tôi không thể mang bài đó đi diễn. Tôi thương ba rất nhiều, ông hy sinh quá lớn cho gia đình đến nỗi bị tai biến ngay trước mắt con gái. Ông là người kỹ tính, ưa sạch sẽ và nấu ăn ngon. Ngày xưa, ba tôi luôn dậy từ 4h sáng để quét nhà 1 tiếng rồi mới đi thu mua ve chai, phế liệu. Nhà tôi nền đất nhưng không có hạt bụi. Hôm đó, tôi dậy sớm để pha café cho ông như mọi ngày. Bỗng dưng tôi thấy miệng ông méo sang một bên. Ba cố nói gì đó nhưng tôi không thể nghe rõ. Sau đó, ông co giật rồi ngã xuống đất ngay trước mắt mình. Tôi ám ảnh cảnh đó tới giờ không lần nào nhắc mà kiềm được cảm xúc.

- Sau này, khi kiếm được nhiều tiền, chị bù đắp cho ba thế nào?

Tôi tự thấy chưa báo hiếu được gì cho ba dù tôi làm lụng kiếm được bao nhiêu tiền đều dành cho gia đình. Tôi có một mơ ước mãi mãi không thành hiện thực là dẫn ba đi du lịch nước ngoài. Hồi xưa, tôi không có tiền như bây giờ. Tiền lo trị bệnh suyễn, tai biến, cườm nước… của ba đã khó khăn rồi, nói chi đi du lịch. Tôi chưa kịp thực hiện thì ba đã mất rồi. Đến bây giờ, cứ mỗi một nước đi qua, tôi lại chạnh lòng nhớ ba, nhất là đi biển vì tôi ước được dẫn ba dạo biển. Lần khác, thấy ba đi cà nhắc, tôi cũng ước có tiền mua chiếc xe lăn cho ba đi lại nhưng rồi cũng không làm được.   

Suốt những năm tháng đi làm lụng kiếm tiền ở Sài Gòn, tôi ít khi gặp ông. Ba mất lúc tôi đang đi chụp hình ở Trà Vinh. Đêm trước, ba đã báo mộng tôi rồi. Tôi dừng công việc ngay để về quê nhưng vẫn không kịp nhìn mặt ba lần cuối. Từ đó, tôi luôn nói với mọi người rằng, dù hối hả ngược xuôi kiếm tiền thế nào thì vẫn phải dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Tôi không muốn họ phải hối tiếc như mình.

Gia Bảo 

Ảnh: Bảo Hòa

Trà Ngọc Hằng từng không dám về quê ăn Tết vì làm mẹ đơn thân

Trà Ngọc Hằng từng không dám về quê ăn Tết vì làm mẹ đơn thân

 - “Tết năm 2018, tôi đã đón Tết ở thành phố, đó là cái Tết buồn nhất vì tôi chỉ thích về quê. Tôi không muốn về quê vì sợ hàng xóm, họ hàng nói ra nói vào gia đình mình”, Trà Ngọc Hằng trải lòng.