- Cảm quan hiện thực đầy tinh tế về cuộc sống đời thường cộng vốn hiểu biết giàu có về phong tục và đời viết không ngừng nghỉ đưa nhà văn Tô Hoài lên vị trí không thể nhầm lẫn trong dòng chảy văn học Việt Nam thế kỷ 20.
Nhà văn Tô Hoài qua đời ở tuổi 95
Ông gần như là nhà văn cuối cùng thuộc thế hệ những người cầm bút sinh ra và lớn lên trong quãng thời gian dân tộc chuyển mình giành lấy độc lập, chống đế quốc, và xây dựng lại đất nước trải dài trong suốt thế kỷ 20. Như tất cả những đồng nghiệp cùng trang lứa, ông lập tức đối diện với một hiện thực lịch sử “ngoại cỡ” đối với các quy mô tự sự theo cung cách truyền thống, khiến sự lựa chọn về đề tài và bút pháp phải là quyết liệt và dứt khoát ngay từ đầu.
Chuyện ven đô Hà Nội
Ông tên thật Nguyễn Sen, sinh năm 1920 trong một gia đình làm nghề dệt lụa thủ công ở huyện Thanh Oai thuộc Hà Nội ngày nay nhưng phần lớn thời gian trưởng thành của ông là ở làng Nghĩa Đô, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông yêu thành phố đến mức “nhắm mắt đi cũng biết đây là chỗ nào”, như có lần ông chia sẻ. Bút danh Tô Hoài của ông cũng là sự ghép lại của sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
Thời trẻ, ông kiếm sống bằng nhiều nghề, từ gia sư, thư ký cho tới bán hàng, làm chân kế toán cho một hiệu buôn… Không ngoài tâm thế sục sôi với thời cuộc của lớp thanh niên đương thời, năm 1938, ông hoạt động trong tổ chức ái hữu thợ dệt và Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Đông. 5 năm sau, ông hoạt động bí mật trong Hội văn hoá cứu quốc.
Đây chính là quãng thời gian ông bắt đầu khơi mạch cho vốn sống ngồn ngộn của mình tuôn trào trên những trang văn. Hai trong số những truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm dành cho thiếu nhi “Dế mèn phiêu lưu ký” (1941) và “O chuột” (1942). Trí lực tưởng tượng và bút pháp nhân cách hoá đầy sinh động, gần gũi, đưa hai câu chuyện viết về loài vật này băng qua được thời gian để đến tay nhiều thế hệ bạn đọc.
Đặc biệt với tác phẩm để đời "Dế mèn phiêu lưu ký", ông đã đi vào trí nhớ của hàng triệu người Việt Nam như nhà văn xuất sắc nhất trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi. Trong số những truyện đồng thoại và sinh hoạt hay nhất của ông được tái bản rất nhiều lần có: "Võ Sĩ bọ ngựa", "Đám cưới chuột", "Mụ Ngan", "Cá đi ăn thề", "Dê và lợn", "Bốn con gà", "Mực tàu giấy bản"...Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, những truyện ngắn của ông toàn những con vật ai cũng thấy trong nhà, trong sân, trong vườn, nhưng chỉ có con mắt tinh quái của ông mới phát hiện ra bao nhiêu chuyện ngộ nghĩnh, lạ lùng.
Nhưng được ông dụng công nhất vẫn là những câu chuyện ký họa lại nếp sinh hoạt ở một khu vực ven đô của Hà Nội, chảy êm ả qua những trang văn rồi để khi khép lại, người đọc đã có riêng mình bức chân dung đời thường lắng đọng trong một khoảnh khắc lịch sử.
Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay, “Quê người”, ông đưa đến bức tranh sinh hoạt hàng ngày của mấy gia đình ở một vùng ngoại thành có nghề thủ công với những câu chuyện làm ăn, đám giỗ, hội hè, với đủ các cung bậc cảm xúc từ buồn vui, sum vầy hay chia ly, yêu thương hay ghét bỏ…
Sự ra mắt đã báo hiệu ông là nhà văn giàu vốn am hiểu về phong tục, tập quán của nhân dân. Cùng với các tác phẩm như hai tập truyện ngắn “Giăng thề” (1941), “Nhà nghèo” (1944), hồi ký “Cỏ dại” (1944), ông hoàn tất một dòng tự sự về cuộc sống buồn thảm, quẩn quanh và bế tắc của lớp người ven đô, đồng thời dự cảm cho những thay đổi dẫn tới, trước khi chuyển mình đi vào kể những câu chuyện lớn lao hơn của dân tộc.
Chuyện núi rừng Tây Bắc
Nhà văn Tô Hoài có sự nghiệp trải dài hơn bảy thập niên với hàng trăm tác phẩm từ truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký cho tới chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cho tới khi kết thúc bằng cuốn tiểu thuyết “Ba người khác” (2006). Câu chuyện khiến người ta không thể không tự hỏi cách nào để ông làm được chừng ấy, khi mà trải nghiệm sống của một người, dù có phong phú đến mấy, cũng chỉ nằm trong hữu hạn của một đời người.
Tô Hoài kể lại cách ông tích luỹ và mở rộng vốn sống cho mình: “Tôi không phải chỉ chăm chăm ních tài liệu để dành về nhà sáng tác. Một nhà văn Pháp nói: “Muốn thành người viết tiểu thuyết, trước nhất phải là một phóng viên”. Tôi rất trân trọng câu nói ấy vì tôi đã hiểu nó qua hơn năm năm làm phóng viên của báo Cứu quốc”.
Công việc phóng viên đưa ông đi nhiều, biết nhiều việc, tiếp xúc nhiều cái mới trên nhiều mặt khác nhau. Để từ đấy ông tập “có một nhận định thính trước mọi việc xảy đến. Chất chứa một bề mặt hiểu biết rộng rãi, chính là cái nền chắc chắn nhất, không có không xong, để tạo cơ hội đi sâu”.
Sự kiện quan trọng trong nghiệp viết của ông xảy đến vào năm 1952 khi ông theo bộ đội chủ lực tiến quân vào giải phóng Tây Bắc. Chuyến đi nhanh chóng trở thành cơ hội để ông chiếm lĩnh một hiện thực vô cùng mới mẻ, để đến khi trở về, tâm trí ông vẫn còn lưu lại hình ảnh và tiếng gọi của vợ chồng A Phủ trên dốc núi Tà Sùa “Chéo lù! Chéo lù!” (Trở lại! Trở lại!).
“Truyện Tây Bắc” ra đời năm 1953 khơi mạch cho một dòng chảy sáng tác khác, mang lại nhiều thành công hơn cho ông. Núi rừng Tây Bắc từ đấy đã trở thành đề tài mà ông gắn bó lâu dài, nặng tình và nặng nghĩa. Một loạt tiểu thuyết ra đời như “Miền Tây”, Họ Dàng ở Phìn Sa, Nhớ Mai Châu… cho thấy ông có vốn hiểu biết kỹ càng về các dân tộc Tây Bắc trong quá trình dựng lại những chuyển động lịch sử của họ từ thời đầu cách mạng với đầy những biến động, rối ren và tăm tối cho tới ngày phấn khởi với công cuộc dựng xây.
Một mảng sáng tác khác đưa Tô Hoài trở về với những tự sự về cội nguồn dân tộc. Đáng kể nhất là bộ ba truyện “Nỏ thần”, “Đảo hoang”, “Nhà Chứ” được ông lấy chất liệu từ các truyền thuyết, cổ tích dân gian, dùng trí tưởng tượng thổi thêm vào chúng sức sống của một tác phẩm văn chương kiểu hiện đại.
Chỉ riêng cách nuôi dưỡng sự trường vốn cho mình trong nghiệp viết thôi, Tô Hoài đã trở thành một bậc thầy đáng ngưỡng mộ. Dĩ nhiên, điều này không nằm ngoài tâm niệm của ông về thiên chức nghề nghiệp, vốn khiến ông có thể viết không ngừng nghỉ mà không bị cạn kiệt trong tất cả những hư vinh của một đời.
Khải Trí