- “Bị tung tin đồn xấu, lên tiếng hay im lặng?” là câu hỏi được đặt ra trong chương trình 60 phút mở mới được phát sóng gần đây.

Với sự phát triển của mạng xã hội, con người ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và xác thực thông tin. Bối cảnh này tạo điều kiện tốt cho những tin đồn có dịp được lan rộng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính những người trong cuộc. 

Câu hỏi được đặt ra là “Bị tung tin đồn xấu, lên tiếng hay im lặng?”. Những khách mời trong chương trình 60 phút mở của MC Tạ Bích Loan đã có cuộc tranh luận sôi nổi, chia sẻ những quan điểm của họ xung quanh vấn đề này.

{keywords}
Vân Hugo và chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền

Thành phần khách mời trong chương trình bao gồm: chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, MC Thanh Vân Hugo, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, danh hài độc thoại Nguyễn Phúc Gia Uy.

Đính chính hay im lặng?

Mở đầu chương trình, MC Thanh Vân cho rằng: “Chưa cần biết thực hư thế nào nhưng rõ ràng khi đối mặt với tin đồn, tốt nhất mình nên bơ đi. Mình càng phản ứng thì mọi người sẽ càng tập trung vào câu chuyện đó. Tất nhiên là đối với những tin đồn quá vô căn cứ thì mình có thể đính chính một cách nhẹ nhàng. Nhưng rõ ràng, nếu trong những tin đồn đó có một phần là sự thật thì tốt nhất là nên im lặng.

Xã hội này luôn biến động, quay vòng và sẽ có nhiều tin tức 'hot' hơn, đè bẹp thông tin đó ngay lập tức. Chính vì vậy, không cần quá lo lắng về sự trường tồn của những tin đồn. Mình chỉ cần có một thái độ duy nhất thôi, đó là kệ”.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền không đồng tình. Chị bày tỏ quan điểm: “Im lặng không có nghĩa là bơ đi hay mặc kệ. Tôi thích sự im lặng, nhưng nhìn nhận, lý giải nguyên nhân hoặc những ngòi nổ mà từ đó tin đồn được phát tán. Nếu những tin đồn tiếp tục lan tràn và gây ra những bất cập lớn hơn, khi đó mình có thể lên tiếng”.

Chuyên gia xử lý khủng hoảng Nguyễn Đình Thành tiếp lời: “Bạn có thể tìm hiểu, suy xét lại mình. Nhưng nếu bạn thanh minh, thì bạn phải chắc chắn rằng những tin đồn đó tuyệt đối chính xác và người ta không thể cãi được nữa thì mới có thể lên tiếng được”.

Đối diện như thế nào là hợp lý?

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương giải thích: “Khi gặp rủi ro mà mình không tiên liệu trước, gọi là bất trắc. Khi gặp bất trắc mà có người thứ 3 biết thì gọi là khủng hoảng. Đối diện với khủng hoảng, giai đoạn đầu tiên là bất ngờ, nên giữ thái độ im lặng. Giai đoạn thứ hai là phòng vệ. Lúc này, anh chống trả quyết liệt nhất và phải lựa chọn giữa việc im lặng hay lên tiếng. Thông thường, đây là giai đoạn người ta sai lầm nhiều nhất.

Theo tôi, nếu đúng thì bảo là đúng, sai thì bảo là sai, tốt nhất là đừng nên nói thêm điều gì. Giai đoạn thứ ba là thích nghi. Nếu xác định được rằng mình sai, thì ở giai đoạn hai nên thừa nhận. Phải hiểu rõ sức mạnh kinh khủng của truyền thông và đưa ra thông điệp chính xác đến từng từ. Thẳng, thật và chân thành là vũ khí tối thượng”.

{keywords}
Các khách mời tham gia chương trình 60 phút mở

MC Thanh Vân Hugo vẫn giữ nguyên quan điểm: “Việc đính chính có vẻ không hợp lý. Mọi người không bao giờ nghĩ theo cái hướng của mình, kể cả thông tin có chính xác hay không. Mỗi người sẽ nghĩ theo cách mà họ muốn. Tôi đã quen với những tin đồn nên không còn cảm giác gì nữa, người ta càng nói về mình, mình càng thích. Nhưng dĩ nhiên, mình cũng phải sống chuẩn, sống để cho cái tin đồn đó là sai, khi đó mới có thể ngẩng cao đầu bước qua được”.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành lại có quan điểm khác: “Việc đầu tiên là chúng ta cần phải xác định ai là người đưa ra tin đồn, bởi khi thông tin được đưa ra, phải có một ai đó đứng đằng sau với một mục đích nào đó”.

Sức sống của tin đồn từ đâu?

Trước câu hỏi này, TS Lê Thẩm Dương nhận định: “Những thông tin liên quan đến cảm xúc thường lan tỏa rất nhanh, và gây bất bình. Chính vì vậy, những việc liên quan đến đúng và sai cần phải được biện chứng sang quả tim thì mới tạo phản ứng mạnh. Sức sống của tin đồn nằm ở cảm xúc. Bên cạnh đó, mỗi người có hệ giá trị riêng biệt, họ lấy hệ giá trị của mình, quy chiếu lên người khác và bắt họ phải giống mình. Những thứ đó tồn tại dai dẳng lắm!”.

Tiếp lời ông Lê Thẩm Dương, chuyên gia Nguyễn Đình Thành đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại share một thứ gì đó trên mạng xã hội?”.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho rằng sự tò mò chính là nguồn cơn khiến mọi người muốn chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Ông Nguyễn Đình Thành bổ sung rằng sự hấp dẫn về mặt nội dung, hình thức, tính cảnh báo của thông tin và việc xây dựng hình ảnh chính là những yếu tố then chốt, quyết định đến cách một người share thông tin.

Ông chia sẻ: “Bạn muốn tạo hình ảnh rằng mình là người tốt. Bạn muốn ve vuốt cái tôi của chính mình nên cảm thấy mình phải có nghĩa vụ chia sẻ những thông tin đó. Đây là điều rất vô thức và tự nhiên”.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cũng thể hiện quan điểm về đối tượng thiếu niên, nhi đồng, những người dễ bị cuốn theo các trào lưu trên mạng xã hội. Bà cho biết: “Thực ra, ở độ tuổi này, các bạn trẻ đang muốn khám phá, khẳng định sự hiểu biết cũng như cái tôi của mình. Chính vì vậy những cái gì mới, và mang sự công kích luôn có sức hút với các bạn, vì nó giúp các bạn ấy thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình, mặc dù những suy nghĩ đó non nớt, bốc đồng và đôi khi chỉ bắt chước”.

Kết thúc chương trình, ông Nguyễn Đình Thành gửi gắm một lời khuyên đến với những người dùng mạng xã hội. Ông chia sẻ: “Có 4 chữ T khi tôi nói về cuộc sống trên mạng. Thứ nhất, trung thực với con người thật của mình. Thứ hai, tôn trọng mọi người. Thứ ba, tỉnh táo.Thứ tư, trách nhiệm. Từng cái like, share của mình đều tác động đến một nhóm người nhất định nên mình phải có trách nhiệm”.

Dương Di