"Tiếc thì vô cùng lắm, nhiều điều lắm, nhưng mà có những cái tiếc mà đáng nhẽ mình làm được ngay thì...", Sỹ Khỏe.
Ném điện thoại trong trường quay chỉ là sự cố
Được biết trước khi nghỉ hưu, chú là phóng viên chuyên theo dõi mảng Nông nghiệp của VTV, sau đó chuyển sang chuyên mục Chào buổi sáng Bông lúa. Lý do gì khiến chú lựa chọn gắn bó với vấn đề nông nghiệp lâu như vậy?
- Thực ra mỗi người có một tạng, cũng là cái duyên, là sự tình cờ. Trước khi làm về nông nghiệp, VTV chưa có sự phân ngành rõ rệt, tôi đã làm đủ các vấn đề như: buôn bán phụ nữ qua biên giới, ném đá lên tàu, xây dựng trái phép, phòng chống ma túy… Nhưng đến khi, Đài nhận thấy cần phải chuyên môn hóa, phân bổ những ai thích hợp với ngành nghề nào, thì như dáng tôi đúng là thích hợp với nông dân rồi. Tôi cũng thấy thế là hợp lý, vì mình sinh ra từ làng quê, lớn lên từ hạt lúa củ khoai nên tôi thâm nhập với bà con nhanh lắm.
Từng gây 'bão mạng' với clip ném điện thoại trong trường quay khi đang phát sóng trực tiếp, thời điểm này đã về hưu, chú còn bận tâm gì sự việc đó nữa không?
- Thực ra cái đó được gọi là sự cố nghề nghiệp không mong muốn. Nguyên nhân xảy ra sự cố, bởi thời lượng cho phép trong cuộc nói chuyện chỉ ba phút. Đang nói thì chuông đổ, trong trường quay rất im ắng, mà tôi lại để chuông điện thoại cực to,. Tôi đưa tay chưa kịp tắt thì chuông lại đổ, không còn thời gian đâu để tắt theo quy trình, hay nghe điện. Vì vậy, tôi đã ném điện thoại ra như một phản xạ. Hóa ra là một người bạn làm nông ở Thái Bình, lâu không gặp, bất chợt nhìn thấy tôi trên truyền hình, nghĩ tôi phát băng, chỉ là người ta rất quý tôi thôi.
Phóng viên Sỹ Khỏe từng gây bão mạng, với clip ném điện thoại trong trường quay khi phát sóng trực tiếp |
Sau sự việc này, khán giả biết đến chú nhiều hơn, phần lớn đều ấn tượng về chú bởi sự chân chất, hiền lành, làm phóng sự giản dị mà hấp dẫn. Phải chăng, chính bản tính con người thật đã được chú đưa vào nghề nghiệp của mình?
- Thực ra nói như vậy cũng chỉ đúng một phần. Bản tính là một chuyện nhưng quan trọng mình phải có cái tâm với nhân dân, họ là tầng lớp dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất. Vì vậy, mình phải đưa cái tâm vào mỗi bài viết, đưa một tin dù nhỏ nhưng phải có ý thức trách nhiệm trong đó. Nếu đưa tin đưa thiệt hại cho bà con mình phải tránh ngay. Tôi đã từng biết có những người làm tin quả này quả kia, bị nhiễm này nhiễm kia nhưng không phải, chẳng qua họ điều tra không kĩ. Nhiều lắm, họ lấy cái hiện tượng để nói cái tổng thể rồi giật tít khiến người dân rất bức xúc. Như vậy là cái tâm họ đã không sáng.
Về hưu với tâm sự “nhiều nước mắt”
Hay tin chú về hưu, bà con nông dân, khán giả yêu mến, đồng nghiệp đều rất nuối tiếc, ngậm ngùi, chú có cảm xúc gì trước tình cảm đặc biệt mọi người dành cho?
- Ngày tôi về nghỉ hưu, nhiều đồng nghiệp đã làm clip với những khoảnh khắc ở bên tôi gửi tặng, khiến tôi vô cùng xúc động. Người ta sống ở đời không biết giàu nghèo thế nào, chứ được mọi người dành tình cảm cho như vậy tôi rất quý báu. Đã có lúc tôi phải quay mặt đi giấu nước mắt, nhất là lúc tôi đọc bài thơ chia tay trên Đài, thực sự đã phải quay đi cho nước mắt không rơi.
Bởi vì mười mấy năm gắn bó với cơ quan, bạn bè, anh em đồng nghiệp, vả lại không có lí gì người ta quý tôi đến vậy, tôi phải sống thế nào, là người thế nào mới được mọi người luyến tiếc ngậm ngùi khi tôi về hưu. Tình cảm ấy rất chân thành, và tôi hết sức trân trọng. Giá như còn thời gian, còn ở lại làm việc chắc chắn tôi sẽ làm tốt hơn, để không phụ lòng quý mến của anh em đồng nghiệp.
Tình cảm của đồng nghiệp trước ngày chia tay khiến phóng viên Sỹ Khỏe vô cùng xúc động |
Tình cảm ấy chắc hẳn đến từ con người, cách làm nghề có tâm của chú với đồng nghiệp, với bà con?
- Có lẽ cũng ít nhiều như vậy. Có những hôm tôi lên trường quay, chỉ nói về mấy cây rau lúa, rau màu nhưng vẫn hấp dẫn và người ta vẫn thích xem, bà con chia sẻ rất nhiều. Về phía mình, tôi nói bằng cái tâm, có sao cứ nói vậy. Bà con thấy được đây là công việc hằng ngày của họ và gắn với cuộc sống của họ, rất đơn giản nhưng chân thật, nên họ quý mến.
Chú từng chia sẻ, từ khi gắn bó với truyền hình chú đã đi lội ruộng với bà con. Sinh ra từ làng quê, đồng cảm với với nỗi vất vả của bà con, chắc hẳn là lí do khiến chú không nề hà khó khăn đến vậy?
- Đúng vậy, tôi lớn lên từ củ khoai củ sắn nên tôi không ngại khó. Tôi lội nhiều chứ bà con có người còn lội không bằng tôi. Vùng sâu vùng xa, đèo núi tôi đã trải nghiệm hết. Riêng về lũ lụt, có năm tôi cùng một cậu quay phim về đồng bằng sông Cửu Long. Mùa lũ ấy, tôi làm đạt đến nỗi Đài yêu cầu ở thêm vài ngày. Hay mùa lũ lụt ở Thanh Hóa, một mình tôi tác nghiệp, thuê một cái xuồng của dân, tóm dây điện đi vào vùng lũ. Hình ảnh ấy khiến chủ tịch tỉnh Thanh Hóa phải thốt lên phóng viên VTV quá nhiệt tình và năng nổ.
Không chỉ chất phác, giản dị, phóng viên "Bạn của nhà nông" còn là người có tâm hồn nghệ sỹ. |
Điều còn nuối tiếc khi chia tay nghề
Nhiều năm gắn bó với nghề, chắc hẳn chú có nhiều kỉ niệm buồn vui, kỉ niệm đặc biệt nào khiến chú nhớ nhất?
- Chẳng có kỷ niệm nào tôi không nhớ, bởi tôi hoạt động thật tâm với nghề nên dù kỷ niệm lớn nhỏ tôi đều nhớ. Những kỷ niệm lơ mơ thì dân họ đã nhắc rồi, họ nhắc lại kỷ niệm khiến tôi phải giật mình. Có một kỉ niệm khiến tôi rất ấn tượng, đó là sự việc xảy ra ở vùng trồng rau Đông Anh. Có bài đưa tin, rau vùng đó phun thuốc chỉ trong một đêm lớn như thổi, người tiêu dùng sợ, rau bán ế. Khi đó, tôi đang công tác tại Thanh Hóa, nhận được tin của Đài, tôi trở về luôn Đông Anh, một mình tác nghiệp.
Tại hiện trường, tôi có mời Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cùng đoàn công tác. Nhận được khẳng định rau đảm bảo, tôi đã yêu cầu Cục trưởng ăn rau sống ngay tại chỗ trồng và ông ấy không ngần ngại. Sự việc được sáng tỏ, sau hôm ấy rau bán chạy như bình thường, bà con cảm ơn tôi nhiều lắm.
Đến thời điểm này, chú còn điều gì nuối tiếc nữa không, hay vẫn mang tâm sự gì?
- Tiếc thì vô cùng lắm, nhiều điều lắm nhưng mà có những cái tiếc mà đáng nhẽ mình làm được ngay thì mình không làm, mà chính xác là chưa kịp làm. Nhiều bà con các vùng miền trong cả nước, đến tận nơi mời tôi về phản ánh tình hình của bà con nhưng kế hoạch tôi đã lên rồi không thể nhận lời được, hoặc bận việc cơ quan chưa kịp đi. Tôi thấy tiếc, bởi cũng nhiều người ở Ban tôi giỏi giang lắm, làm phóng sự rất hay nhưng có lẽ do cách tiếp cận của tôi bà con thấy phù hợp với họ thì nhờ tôi phản ánh, nhưng tôi chưa kịp làm, cảm thấy rất thương bà con.
Hình ảnh tác nghiệp vô cùng gần gũi của phóng viên Sỹ Khỏe với bà con |
Thấu hiểu nỗi cực nhọc của bà con, vậy có khi nào chú trăn trở, liệu sau khi mình về hưu, bà con có tìm được người để sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng, gửi gắm tâm sự cũng như phản ánh khó khăn trong nghề nông của họ?
- Tôi cũng không trăn trở lắm. Bởi vì, lớp trẻ bây giờ nhiều người có tâm lắm, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của bà con. Tuy nhiên có thể do cách nói năng khi giao tiếp chưa nhuyễn hoặc có cách tiếp cận riêng, mà người dân có cách nhìn nhận đánh giá riêng, điều đó không thể cầu toàn được. Ví dụ, có người thích tôi chân chất hiền lành, nhưng có người lại nghĩ phóng viên phải hình thức, bóng bẩy, làm phóng sự phải khoa học chẳng hạn. Tất cả đều do cách tiếp cận của phóng viên và cách nhìn nhận của bà con.
Sau khi nghỉ công việc ở Đài, thời gian tới chú có dự định gì tiếp theo?
- Sau khi nghỉ công việc ở Đài, tôi sẽ nghỉ ngơi ít hôm, sau đó có thể tôi sẽ tìm kiếm một công việc để làm, xoay quanh vấn đề nông nghiệp nông dân. Nếu tiếp tục được bà con tin tưởng, phản ánh, tôi sẽ giúp đỡ bằng cách gửi những phản ánh đó về Ban, để họ điều động phóng viên hợp lý. Về phần mình, vì đã nghỉ hưu nên tôi chỉ có thể cố gắng giúp được đến vậy. Tôi cũng nhận được nhiều lời mời từ các Đài nhưng vẫn còn suy nghĩ, bởi điều quan trọng với tôi vẫn là sự phù hợp về tính chất công việc.
Cảm ơn chú về cuộc trò chuyện!
Quỳnh Anh