- Bộ GD-ĐT dự kiến phạt nặng những cán bộ tuyển sinh gửi giấy triệu tập trúng tuyển thí sinh không có hồ sơ. Lãnh đạo các đại học cho rằng vẫn nhẹ, mà phải phạt người đứng đầu.

Ảnh: Lê Anh Dũng
Tại hội nghị tuyển sinh diễn ra ngày 18/2, theo Bộ GD-ĐT, một trong những nội dung gây bức xúc dư luận là tình trạng thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng vẫn nhận giấy triệu tập trúng tuyển, thậm chí nhận 5 - 6 giấy, có giấy theo hình thức "thư mời".

Theo quy định tuyển sinh hiện hành, mỗi thí sinh thi ĐH, CĐ, khi thi vào một trường mà không trúng tuyển thì được dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường khác đủ điều kiện (gọi là nguyện vọng 2, nguyện vọng 3). Để xét tuyển, thí sinh phải gửi hồ sơ - là giấy báo kết quả thi của mình tới trường có nhu cầu.

Trong thực tế, sau khi kết quả thi được công bố, khi nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1, các trường ĐH, CĐ và TCCN đã có được thông tin cụ thể của những thí sinh này và tự động gửi thư mời, thư thông báo đến tận từng em, như một hình thức chiêu sinh.

Cho rằng, đây là một hành vi vi phạm quy chế, mùa tuyển sinh năm 2011, Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng chế tài.

Theo đó, cán bộ tuyển sinh vi phạm một trong các lỗi như gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường; hạ điểm trúng tuyển các NV trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số" sẽ bị cảnh cáo.

Khi thảo luận tại cầu truyền hình ngày 18/2, lãnh đạo nhiều trường cho rằng, đề xuất cảnh cáo với lỗi "gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường" là hợp lí và chưa đủ răn đe.

Một đại biểu đến từ ĐH ở Thái Nguyên nói phải xử lý hiệu trưởng.

Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hồng Đức Hoàng Nam cũng cho rằng cần tăng hình phạt đối với hành vi này, nhưng thay vì phạt cán bộ, nên phạt chủ tịch hội đồng thi.

Gám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cũng nhất trí với những điểm sửa đổi, bổ sung đưa ra. Đồng thời cho rằng, để mùa tuyển sinh diễn ra đúng quy định cần tăng cường "hậu kiểm" - khâu thanh kiểm tra vẫn là vấn đề quan trọng.

Trường nói gì?

Hành vi gửi giấy báo triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trong năm 2010 chủ yếu của những trường mới thành lập, trường ngoài công lập như: ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, CĐ Công nghệ Bắc Hà...Lý do đưa ra là do khó khăn trong nguồn tuyển, dù hết cả ba đợt xét tuyển cũng không tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Theo GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, mấy năm gần đây, các trường mới thành lập rất khó khăn về nguồn tuyển. Do đó, nhà trường đã dùng cách: thí sinh vào đến đâu gọi hết đến đó "may ra mới đủ. Chứ đợi hết hạn thì rất bị động, sợ thí sinh...rút hồ sơ đi nộp trường khác".

Trường đã gửi "thư mời nhập học" chứ không gửi "giấy triệu tập trúng tuyển" nên sẽ không bị khép vào "hành vi vi phạm" - ông Vận nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, "thư mời" chỉ là thay đổi hình thức cho trân trọng hơn, chứ bản chất "mời" hay "triệu tập" vẫn là gọi thí sinh đến học.

Do đó, khi quy chế ban hành mà các trường vẫn gửi "thư mời" thì sẽ bị xử lí.

Cảnh cáo - chỉ là hình thức?

Hình thức xử lí cao nhất Bộ GD-ĐT đưa ra để "xử" lỗi nêu trên là cảnh cáo. Dù đã được các trường ủng hộ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, "động thái" này chỉ là hình thức.

Trong thực tế, đã có trường bị phạt đến cả trăm triệu vì tuyển vượt chỉ tiêu được giao nhưng tình trạng tuyển vượt vẫn tái diễn.

Cụ thể, danh sách các trường tuyển vượt trong mùa tuyển sinh năm 2010 bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền tùy theo mức độ tuyển vượt nhiều hay ít) gồm: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (tuyển vượt trên 32% chỉ tiêu được giao); Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương (tuyển vượt 25%); Trường ĐH Thăng Long (tuyển vượt trên 23%); Trường CĐ Kinh tế Công nghiệp Hà Nội (tuyển vượt 49%); Trường CĐ Viễn Đông (tuyển vượt 36,6%); CĐ Giao thông Vận tải II (tuyển vượt gần 31%)...

Một chuyên gia tuyển sinh phân tích, hình phạt cảnh cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh mắc lỗi gửi "thư mời" chỉ là hình thức không có tính răn đe. Như vậy e rằng, mùa tuyển sinh năm 2012, Bộ tiếp tục lại phải "nghiên cứu" để sửa đổi bổ sung quy chế.

  • Kiều Oanh