- Giáo viên ngoại ngữ trong các trường chuyên nghiệp chỉ đạt gần 4,8% trong tổng số GV. Trung bình mỗi người phải “gánh” 288 học sinh.

Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết như vậy tại hội thảo nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường chuyên nghiệp thành phố theo đề án quốc gia về giảng dạy ngoại ngữ (đề án 2020)  do sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sáng 7/12.

Chất lượng giảng viên thấp là một khó khăn khi thực hiện đề án 2020. Ảnh: Lê Huyền

Nhà quản lý này cho biết thêm, trong số giáo viên này, có khoảng một nửa là hợp đồng hoặc thỉnh giảng. Bên cạnh dó, việc dạy học tiếng Anh trong các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ở thành phố trên thực tế chỉ đáp ứng được các mục đích nhỏ như trang bị kiến thức ngữ pháp cơ bản, cung cấp kiến thức cơ bản phục vụ giao tiếp hàng ngày, đọc những tài liệu chuyên môn đơn giản và đáp ứng cho yêu cầu thi tuyển công chức.

Bổ sung ý ông Quản, giảng viên Đặng Cao Đẳng, tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường Trung cấp Việt Khoa cho rằng việc dạy và học tiếng Anh kém hiện nay là do ngoài trình độ của phần đông GV còn hạn chế.

Thêm vào đó, các SV học ĐH- CĐ sau khi ra trường đi làm không sử dụng tiếng Anh thường xuyên. Học sinh trung cấp cũng không cần học tốt tiếng Anh, chủ yếu học cho qua, cho lấy có, vì đi làm cũng không hoặc rất ít sử dụng.

Các ý kiến tại hội thảo đề xuất để thực hiện đề án 2020 cần có một mô hình phù hợp với trình độ dạy - học tiếng Anh của TP.HCM.

Theo thạc sĩ Đỗ Thị Dung, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cần vận dụng “mô hình hướng dẫn người học tự học trong giảng dạy tiếng Anh theo định hướng TOEIC”. Nghĩa là để cho người học tự tổ chức hoạt động nhận thức cá nhân, nắm vững tri thức, hình thành kĩ năng nghề nghiệp dưới sự hướng dẫn của GV.

“Với mô hình này SV có thể trải qua các bước: Định hướng, Tự học, Đánh giá, Phản hồi. GV chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn và định hướng – thạc sĩ Dung phân tích.  

Đại diện của trường Trung cấp Ánh Sáng – TP.HCM cho rằng, để thay đổi chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay nên sử dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Đó là dạy từ từ - học từ từ, dạy ở mọi lúc - học ở mọi lúc, dạy ở mọi nơi- học ở mọi nơi và dạy học trong tất cả các bài giảng của thầy cô, không phân biệt có phải trong giờ dạy tiếng Anh hay không.

Có mặt tại buổi hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Bộ phận thường trực đề án quốc gia 2020 cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất để thực hiện đề án là năng lực tiếng Anh của đại bộ phận GV tiếng Anh thấp; GV chưa biết cách tiếp cận phù hợp và chưa có giải pháp tổng thể để đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học tiếng Anh.

Vì vậy, vấn đề hàng đầu là đào tạo GV; trong đó cần phải rà soát, đánh giá đội ngũ GV ngoại ngữ để xây dựng, quy hoạch, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng GV.

Ông Hùng nói, có thể tuyển dụng người VN ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài đang dạy ngoại ngữ trong các trường, nhất là các trường phổ thông chuyên ngữ, các chương trình đội ngoại ngữ tăng cường…

Lê Huyền