- Chỉ vì vết xây xước trên người trẻ, cả nhà đến gặp “đòi xử” giáo viên mầm non. Khi trao đổi còn đang diễn ra phụ huynh mang bức xúc tung lên facebook với lời lẽ thậm tệ hoặc dọa sẽ đăng báo...
Tiền thay lời muốn nói?
Từng là giảng viên, chuyên gia và nhà tuyển dụng giáo viên mầm non TS Hồ Lam Hồng, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) không khỏi xót xa trước cách hành xử kiểu khinh miệt giáo viên của phụ huynh: “Nhất là ở trường tư. Họ cậy nhờ có chút tiền gửi con nên giáo viên bị coi thường”.
Nói như một giáo viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ là nghề vất vả và cả nguy hiểm. Giờ trả trẻ, phụ huynh thất một vết trầy xước trên người con dù chưa biết đúng sai nhưng nếu giáo viên không nhận họ sẵn sàng nổi xung lên”.
Bản thân giáo viên từng chứng kiến đồng nghiệp bị cả gia đình kéo đến trường với thái độ hung hăng “đòi xử theo luật rừng” nếu cô không nhận mình sai.
Phụ huynh nên thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình trên lớp của con (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet) |
Nói như GS.TS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm: “Giáo viên mầm non luôn rình rập những tai nạn mà chủ yếu từ nguyên nhân khách quan do trẻ nô đùa. Đã phải hi sinh hạnh phúc vì cả ngày quần quật trên lớp với trẻ, họ luôn đối mặt với sức ép từ không chỉ người cha, người mẹ mà là cả gia đình của bé”.
Một giáo viên dạy trẻ tự kỉ ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện của chính mình: “Thường những gia đình có con như vậy họ rất cảm thông cho giáo viên. Trẻ dạy cả năm mà nói được một câu đã mừng rớt nước mắt. Nhưng có lần vì quá nôn nóng, mong con tiến bộ một gia đình vợ chồng đều làm công chức mắng mình vì “cô chẳng làm gì nên hồn”.
Có bé bị tăng động nghịch quá, lúc cô vừa quay đi cháu vấp ngã chảy máu. Đúng khi bố mẹ cháu về, chị vợ vào xuýt xoa con vừa tức giận mắng mình. Anh chồng chắc vì xót con chạy tới tát mình một cái. Rồi sau vợ chồng lại quay ra xin lỗi, thiết tha ở lại giúp con họ”.
Ở khía cạnh, một giáo viên mầm non dạy giỏi ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Lớp tôi dạy, một cháu phụ huynh là người nổi tiếng. Nhưng họ ngại gặp giáo viên. Đầu năm họ nhờ con mang “quà” tặng (là tiền) cô. Tôi ân cần: “Con mang về nói với bố mẹ tình cảm bố mẹ dành cho cô cô đã nhận và cảm ơn con nhé”.
Hiệu trưởng Trường THPT DL Nguyễn Tùng Lâm tâm sự: “Phụ huynh gửi con vào trường không ít người có tiền rồi phó mặc trách nhiệm cho giáo viên. Khi trường thông báo tình hình các cháu hay phải kỉ luật cháu nào có phụ huynh chưa biết đúng sai sẵn sàng chửi bới hoặc cư xử thiếu văn hóa với giáo viên”.
Sai sót là...lên báo
Trả lời báo chí sau sự việc giáo viên dạy Văn một trường THCS tại Hà Nội sai sót dạy trẻ “canh gà Thọ Xương” là một món ăn sau đó được phụ huynh gửi thắc mắc lên cơ quan báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết bức xúc: “Một số thầy cô giáo có sai sót về chuyên môn, xã hội cũng nên có cái nhìn đúng mực. Đặc biệt là cơ quan truyền thông, cần có sự định hướng dư luận nhìn nhận vấn đề đúng đắn.
(...) Tôi cho rằng chuyện sai thời nào cũng có, ai cũng có. Nhất là chuyên môn, chữ nghĩa. Những trường hợp như vậy, chỉ nên góp ý với giáo viên, nhà trường một cách nhẹ nhàng, tế nhị. Không nên tung lên mạng, lên báo để chứng minh rằng giáo dục thời nay kém quá”.
Đối với một GS, lãnh đạo một trường sư phạm đã nghỉ hưu câu chuyện trên như một bức tranh buồn mà mỗi lần nhìn vào đó ông lại xót xa cho nghiệp trồng người ở VN hiện nay.
“Buồn nhất là cách cư xử của phụ huynh, một người có tri thức. Tôi hiểu chị bức xúc nhưng lên facebook bày tỏ bức xúc hay gửi lên báo chí (rồi báo đăng), phụ huynh vô tình đã hủy hoại danh dự cả một con người. Khổ đau hơn ở đây lại là giáo viên. Thử hỏi chị ấy sẽ tủi hổ như thế nào mỗi lần đứng trước trò hay bị ai đó nhắc về lỗi lầm trên” – Vị GS tâm sự.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội không khỏi bất ngờ khi sự việc một bé không hiểu do nghịch với bạn hay bị cô đánh được gia đình phụ huynh đưa lên mặt báo. Phụ huynh theo lời của giáo viên đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện chửi bới và đau khổ nhất là đem sự việc kể với bất kỳ phụ huynh nào họ gặp.
“Chưa bàn tới đúng sai ra sao nhưng giáo viên chúng tôi thực rất đau lòng bởi phụ huynh đều là trí thức, có học vấn cao song hành xử lại thiếu văn hóa” – giáo viên này rơm rớm nước mắt chia sẻ.
Thay đổi như thế nào?
Đồng cảm trước những bức xúc của phụ huynh nhưng hiệu phó Trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm (Hà Nội) Trần Thị Hoa Lư cho rằng: “Người giáo viên cần được rèn luyện và cần có bản lĩnh để đứng vững trước sức ép của phụ huynh. Chỉ cần bình tĩnh lý giải cho phụ huynh thấy mục đích thực sự của việc giáo viên làm là gì, tôi tin họ sẽ có cái nhìn chia sẻ”.
Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chỉ ra thực tế: “Thời xưa một giáo viên khi ra trường được những người đi trước dìu dắt từng bước rất chi tiết. Áp lực cần phải thuần thục nghề nghiệp không mạnh như bây giờ. Vì thế giáo sinh cứ "thong thả" mà rèn luyện.
Nếu có sức ép thì mọi người cũng dễ thông cảm, chỉ bảo cho nhau tận tình hơn như bây giờ... Hiện nay tôi cảm nhận thấy các nhà quản lí thả cho các em tự bơi mà lại đòi bơi nhanh và bơi giỏi thì khó lắm”.
TS Hồ Lam Hồng cũng thừa nhận bất cập trong việc đào tạo giáo viên bậc mầm non hiện nay không chỉ về giáo trình thiếu thực tế mà theo bà phải nâng thời gian đào tạo với sinh viên từ 4 lên thành 5 năm. “Phải làm sao để giáo viên sống được với nghề, yêu nghề thì xã hội mới có những mầm non tốt” – bà đúc kết.
Trong khi chờ thay đổi lớn từ chính sách, ý thức xã hội,...hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: “Giáo viên chúng tôi phải cất công gõ cửa từng nhà, thuyết phục phụ huynh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” với hi vọng họ chung tay với nhà trường giáo dục con cái”.
- Phong Đăng