- Chuyện nam sinh lớp 10 chém bạn gần lìa tay khiến vị hiệu phó giật mình thừa nhận “trường tôi nhiều trò hư”. Ông nội nạn nhân thở dài “các con nhờ tôi chăm cháu nhưng sức già này làm gì được?”. Còn bố của trò chém bạn lắc đầu: “em không dạy được cháu nữa”.

Hà Nội: Kinh hoàng học sinh chém nhau giữa sân trường

Hành động lạnh lùng                          

Kính gửi: Ban giám hiệu Trường THPT Ứng Hòa B

Tên em là: N.A.T, lớp 10A10.

Vào tiết thứ 2 giờ ra chơi hôm thứ 2, ngày 17 tháng 12 năm 2012 em và bạn N.V.H lớp 10A4 đã xảy ra mâu thuẫn đánh nhau vì lí do bạn gọi thanh niên D.C để chặn đánh em khi em đi ra ngoài. Em đã cầm phớ dài 40cm chém bạn 1 cái vào tay trái và chảy máu.

Bản tường trình lạnh lùng của học trò chém bạn kết thúc một cách ngắn gọn: “Hiện chưa biết bị làm sao. Em xin hứa và đảm bảo những thông tin trên là đúng sự thật và em đã khai hết” – Đồng Tân ngày thứ 2 ngày 17 tháng 12 năm 2012.


Tường trình lạnh lùng của học trò chém bạn.

Báo cáo của lãnh đạo Trường THPT Ứng Hòa B gửi Công an xã Đồng Tân cho biết: “Em H. đã bị đứt ở cổ tay trái khá nặng, hiện đã được giáo viên và nhà trường đưa lên bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tân sơ cứu, sau đó gia đình đã đưa em H. lên bệnh viện Đa khoa Vân Đình cấp cứu. Sự việc xảy ra quá nhanh…”

“Lúc H. và T. xảy ra xô xát tôi đứng cách đó chừng 25-30m. Đầu tiên H. giơ tay lên đấm T. Tôi thấy thế vội vã chạy tới nhưng không kịp ngăn hành động của T. Lúc tôi lao tới, em chỉ lạnh lùng bỏ phớ ” – Anh bảo vệ tên Quyết phân trần.

“Tôi nhìn thấy mà sợ quá. Hai đứa đuổi nhau rồi máu bật ra” – Một công nhân trực ở khu công trình phòng học đa năng của trường cho biết.

Hay tin, Hiệu phó Tạ Duy Hiển đang có việc ở xa ngập lập tức trở về trường. Không giấu được nỗi buồn, ông thở dài: “Khuôn mặt T. khi ấy lạnh tanh”.

32 năm gắn bó với nơi này nhưng ông cho hay “đây là lần đầu tiên học trò đánh nhau ngay trong khuôn viên của trường và đánh bạn đau như vậy”. Bất ngờ bị bạn chém cộng với máu ra nhiều, H. lịm đi trên đường ra bệnh viện đa khoa khu vực.

Chiều 18/12, ông nội của H.- nam sinh bị bạn chém thông báo: “Tình hình cháu còn căng lắm. Tất cả gân và mạch máu tay đứt hết. Ngày hôm qua các bác sĩ phải khâu 4 tiếng mới xong. Cháu giờ tỉnh rồi nhưng còn đau nhiều. Chắc còn phải nghỉ dài, thậm chí phải mổ lại”.

Bất lực nhìn con, nhìn trò hư

Nghe chuyện trò chém bạn, cô chủ nhiệm lớp 10A10 “giận ít mà thương trò nhiều”.

T. sớm để lại “ấn tượng” cho cô ngay buổi đầu tiên nhập trường với quần ngố, áo cộc thay vì đồng phục đã được phát. Bố mẹ T. đã li dị từ lâu. Em sống với bố (đã đi bước nữa). Nhà cách trường chỉ gần 1km. Mẹ ở huyện Phú Xuyên, xa con. Ấy vậy mà lần nào đi họp phụ huynh cũng chỉ thấy người mẹ.

“Chị buồn nhiều. Giờ cô giúp đỡ. Tôi khuyên chị phải thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên con sống tốt. Bản thân tôi cũng hay gần gũi, tỉ tê mong em thay đổi. Nhưng…” – giọng người giáo viên đứt quãng khi nhắc đến sự việc đau lòng vừa xảy ra vào chiều 17/12 vừa qua.

Bỗng chốc thiếu thốn tình thương của mẹ (có lẽ thiếu luôn sự quan tâm kịp thời của bố) khiến T. như lạc lõng, sống bất cần. Tổng số buổi em nghỉ từ khi vào lớp 10 tới nay đã hơn con số 45. Tức nếu đi học tiếp em cũng sẽ bị lưu ban. Chiều 18/12, nhà trường thông báo T. tiếp tục nghỉ học không lí do.


Trường THPT Ứng Hòa B, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nơi vừa xảy ra vụ việc nam sinh lớp 10 chém bạn nam cùng khối ngay ở sân trường.

Buổi chiều 17/12, theo lời một số bạn, T. cũng không phải tới trường để học mà chỉ “vô tình tạt ngang” rồi xảy ra xô xát. T. trước đó cũng đã nhận cảnh cáo của trường vì xảy ra xô xát với bạn khác.

Ông S., bố của T. nghe tin con chém bạn, bỏ việc sửa xe ở nhà hộc tốc tới trường lo đưa H. đi bệnh viện trước tiên. Trước khi xin phép nhà trường đưa trò bị con mình chém đi, ông nhìn thầy hiệu phó nói chầm chậm như đứt từng khúc ruột: “Tôi hết bảo được cháu rồi, thầy ạ”.

Còn người bị đánh thì sao? H. qua lời giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Khang “thường xuyên nhận hạnh kiểm trung bình mà đáng ra chỉ xếp loại yếu”. Đầu năm, H. nói năng lấc cấc. Cậu sẵn sàng nói xấc với các giáo viên, kể cả cô chủ nhiệm. Tóc H. cắt gần như sạch ở hai bên tai, phần đỉnh đầu vuốt keo dựng ngược.

Cô Khang cho biết: “Bố mẹ H. ra Hà Nội hơn 10 năm nay. H. học THCS ở đó rồi lên lớp 10 mới chuyển về quê học. Phong cách ấy có lẽ em mang từ thành phố về”.

Qua nhắc nhở và động viên của cô “H. đã ngoan hơn”. Nhưng cái “ngoan” ấy chưa được bao lâu thì H. đấm bạn rồi bị bạn cầm phớ chém lại.

Ông nội cậu thương cháu song đành bất lực: “Bố mẹ nhờ ông chăm cháu giúp để chúng nó làm ăn. Cháu ở nhà ông nhắc nhở chứ ra ngoài thì chịu, làm sao được bây giờ?” Đến tuổi nghỉ ngơi, giờ ông phải quay ra chăm “quý tử” của con mình.

Không kiểm soát được

Thầy Hiển mái đầu tóc đã bạc nhiều, trăn trở: “Không nói nhưng ai cũng biết, trường tôi thuộc tốp yếu trong huyện. Học sinh thi vào 10, đỗ hết các trường sau rơi rớt vì điểm thấp hay không chọn được trường nào mới vào trường tôi. Anh cũng biết các cháu không chỉ học kém mà thường cũng không ngoan”.

Các cô giáo không giấu được nỗi buồn. Mọi việc cần và có thể làm các chị đã làm.

Vị hiệu phó cũng chẳng giấu diếm: “Đầu năm lớp 10 năm nào cũng vậy vẫn xảy ra xô xát giữa học sinh của 6 xã về đây học là Trần Lộng, Hòa Lâm, Trung Tú, Minh Đức, Kim Đường và Đồng Tân. Đánh vì nhiều lí do lắm: đầu tóc rườm rà, nhìn đểu, va chạm xe đạp, yêu đương…Nhưng chỉ nhẹ thôi. Sau đâu lại vào đó”.

Trường thậm chí đã kí hợp đồng trách nhiệm với Công an xã Đồng Tân để mỗi ngày vào các thời điểm sáng, trưa, chiều, tối lúc đông học sinh phía công an sẽ bố trí 2-3 cán bộ giúp ổn định tình hình. Nhưng xô xát vẫn chẳng thể dứt.

Ông Hiển nhận trách nhiệm về việc “khó kiểm soát, để học trò mang cả dao phớ vào trường”. Chuyện đau lòng xảy ra khiến ông giật mình trước thực tế “nhiều học sinh bây giờ hư quá. Gia đình buông lỏng, xã hội ngập tràn phim ảnh, Internet. Các em như con ngựa, ông kìm được dây cương và đã chạy sai đường”.

Theo hiệu phó Hiển: “Hình thức cuối cùng và cực chẳng đã mới đành đuổi học 1 năm các em. Chúng tôi chỉ mong sau sự việc lần này cả hai gia đình cùng nhìn ra lỗ hổng để lấp đầy và rèn các em sống tốt hơn”

Phong Đăng