- Liên tiếp trong 2 ngày 19 và 20/12 ở Hà Nội và TP.HCM, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức hai hội thảo “bắn các tín hiệu” kêu cứu trước nguy cơ không tuyển được sinh viên. Đa số cho rằng sở dĩ các trường ngoài công lập đang chết dần, chết mòn là do sự phân biệt đối xử “công – tư” và cách thức tuyển sinh chưa hợp lý.

THÔNG TIN LIÊN QUAN


Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lê Na

Thiếu công bằng

Mở đầu hội thảo, TS Nguyễn Minh Châu, hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung (tỉnh Bình Định) cho rằng, sở dĩ các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có một mùa tuyển sinh có thể gọi là “bê bết”, “thảm hại”, “èo uột”, “cạn nguồn”, thậm chí có nhiều trường còn có nguy cơ phải đóng cửa là do các chính sách của Bộ GD-ĐT.

Ông phân tích: Bộ đang cho các trường công lập tự xác định chỉ tiêu TS, hơn nữa lại kéo dài thời gian xét tuyển hơn một tháng, tạo điều kiện cho các trường của nhà nước tha hồ đưa ra các chỉ tiêu đào tạo hết hoặc quá công suất, vơ vét hết thí sinh của trường tư.

Hơn nữa, việc xác định nguồn sinh tuyển không đúng. Khi xác định điểm sàn, hội đồng căn cứ vào tổng chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước (kể cả công và tư, không có một sự phân biệt nào); chất lượng đầu vào khoảng 13- 14 điểm và lấy dư 170% ( sai số 70% là rất lớn).

“Các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu hoặc cạn nguồn tuyển sinh như năm nay là do Hội đồng xác định điểm sàn và tổng số thí sinh trên sàn sai, hoàn toàn không khả thi” - TS Nguyễn Minh Châu khẳng định.

Ông gay gắt: “Khi cả một hệ thống GD- ĐH ngoài công lập tồn tại và phát triển theo chính sách của Đảng- Nhà nước đang có nguy cơ bị giải thể thì không nhận được một lời an ủi, bênh vực mà chỉ tiếp nhận thêm sự phê phán, lên án. Đến nay, chúng tôi chưa thấy có giải pháp nào cứu vãn tình thế một cách đồng bộ, hữu hiệu nhất”.

Đại điện Trường ĐH FPT đặt câu hỏi, tại sao mỗi năm có hơn 1 triệu HS tốt nghiệp THPT nhưng các trường ngoài công lập vẫn không thể tuyển được thí sinh là do đâu?

Theo vị này, hiện nay các trường công đang chiếm khoảng  86% SV, trường tư chỉ được khoảng 14% SV, việc các trường công tăng thêm 10% SV thì sẽ giảm 50% số SV vào học các trường tư. Vì vậy “miếng bánh” tuyển sinh dành cho các trường tư đang rất nhỏ, thậm chí không tuyển sinh được là do thí sinh vào học các trường công.

Ông Nguyễn Cao Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long

Ông Nguyễn Cao Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long phân trần, việc phân biệt, đối xử không công bằng giữa trường công và trường tư đang đẩy các trường tư vào tình trạng ngắc ngoải. “Trường công có học phí thấp, được hỗ trợ tài chính, lương, ưu tiên cơ sở vật chất trong khi đó các trường tư đang phải tự bươn chải lo cơ sở vật chất, tiền bạc, mời giáo viên...".

“Ngoài ra, việc cho các trường đại học phát triển một cách ồ ạt cũng làm cạn nguồn tuyển của trường tư. Đơn cử, một tỉnh nghèo và nhỏ như Vĩnh Long nhưng trong tương lai có tới 5 trường đại học, thử hỏi sinh viên ở đâu đến để học cho đủ”- theo lời ông Đạt

Theo các đại diện khác, ngoài vấn đề mất công bằng giữa các trường công - tư thì vấn đề bị phân biệt đối xử với các trường tư sau khi tốt nghiệp cũng làm cho thí sinh không mặn mà với trường tư. Thậm chí, nhiều tỉnh đã tuyên bố thẳng, không tuyển sinh viên tại chức, không chính quy sau khi tốt nghiệp….vào công chức đã làm ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập.

"Cần quan tâm hơn nữa"

Theo đại diện các trường ngoài công lập, ngoài vấn đề bị đối xử, phân biệt, các  trường ngoài công lập không tuyển được thí sinh là do các trường này làm công tác tuyển sinh kém, chưa tạo dựng được uy tín, thương hiệu và chậm thay đổi cơ cấu ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên để các trường ngoài công lập “sống” cần có sự quan tâm của Bộ hơn nữa.

Một ý kiến khác đề xuất, để cứu các trường ngoài công lập, trong các năm tiếp theo Bộ có thể bỏ kì thi ĐH- CĐ cho các trường thực hiện xét tuyển theo học bạ phổ thông, kỳ thi tốt nghiệp hoặc cho các trường tự tổ chức kì thi riêng.

Phương án ‘giảm chỉ tiêu của các trường ngoài công lập” cũng được nêu ra.

Còn ông Lê Đình Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM nêu ý kiến, Bộ nên xem chính sách xã hội hóa giáo dục cũng là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước để quan tâm đến các trường tư hơn nữa.

Trong khi đó, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho rằng, việc “kéo” chất lượng giáo dục đại học giảm xuống hiện một phần cũng do các trường công lập.

“Nhà nước cũng phải đối xử bình đẳng quyền lợi giữa các trường công- tư, kể cả trong chính sách như cho vay vốn đóng học phí…”, bà nói.

  • Lê Huyền