- Một học giả nước ngoài sâu sát với Việt Nam được đi cùng với các Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam xem bảo tàng Thành cổ nhân dịp kỷ niệm ‘Điện Biên Phủ trên không'.

Hàng chục chuyến đi các nước tìm tư liệu về Nguyễn Ái Quốc của Lady Borton đã không “mò kim đáy bể”, khi bản đồ giao liên này do Người vẽ năm 1931 được bà tìm thấy tại Lưu trữ quốc gia Anh. Nguồn: sách “Hồ Chí Minh một hành trình”, 2012, trang 65.

“Chỉ thấy những chiếc ghế”


Tướng Nguyễn Văn Ninh, người lính từng đi một mạch từ mác búp tre lên tên lửa SAM – 2, tràn trề xúc động nhớ lại ngày mình là Trợ lý Cục tác chiến, đã cảm thấy trách nhiệm nặng như “núi đá đè lên vai” khi báo cáo với Tổng tư lệnh tin B – 52 bay vào đánh Hà Nội tối 18/12 ấy. Ông chạm tay vào tường Hầm chỉ huy tác chiến chiến dịch, tìm lại cảm giác 40 năm trước đã kéo hồi còi báo động B – 52 đánh Hà Nội, lần đầu tiên. Vị học giả nước ngoài như san sẻ cảm xúc với ông, liên tục bấm máy ảnh ghi lại giờ phút hội ngộ với lịch sử của con người từng tham gia từ phút đầu cuộc đấu trí trong một chiến dịch ác liệt nhất.

Nhưng cuộc đi này còn chứa những cảm tưởng khá đa chiều, gây tranh cãi, và gây tự vấn. “Trợ lý ngôn ngữ” của đoàn là tôi bức bối, vì cách dùng tùy tiện các thuật ngữ quân sự trong bản dịch sang tiếng Anh của Lời giới thiệu công trình Hầm chỉ huy tác chiến – chiến dịch, và cách nói, ngọng lờ - nờ... của hướng dẫn viên bảo tàng. Một CCB nữa trong đoàn, cũng từng làm việc ở cơ quan chiến lược “thời đánh B - 52”, phàn nàn: “Nói là công trình kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không. Nhưng chưa rõ hình ảnh Tổng hành dinh của tướng Giáp trong ‘12 ngày đêm’”. Ông cho đại diện Ban quản lý di tích này hay, chính mình đã “phỏng vấn” các sinh viên đi tham quan, về cảm tưởng của Chỉ huy cấp chiến lược trong “Điện Biên Phủ trên không”. Câu trả lời là: “Thưa bác Tướng, chúng cháu chỉ thấy những chiếc ghế”.

Trên đường về trong tâm trạng mừng vui, lẫn thất vọng, của đoàn, đau đáu những câu hỏi như: Bảo tàng này có hấp dẫn được thế hệ sau không, có đạt hiệu quả giáo dục không, các công trình, di tích lịch sử mà nhà nước bỏ nhiều tiền của xây dựng đang đóng vai trò đến đâu trong giáo dục tình yêu nước?

Học giả nước ngoài nói gì?

Giáo sư William Logan trong sách: “Hà Nội: tiểu sử một thành phố”, (Hanoi: Biography of a City) bình các giá trị vật thể và phi vật thể của các công trình kiến trúc cổ ở Hà Nội. Ông cho rằng “hương xưa” của Hà Nội còn lại mang tính hình tượng hơn là sát với chính sử, nhưng “cả các truyền thuyết, truyện cổ, truyện dân gian, lẫn những ‘huyền thoại’ của thời hiện đại (ý nói cuộc phòng thủ Hà Nội 1946, chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm 1972...) đã biến Hà Nội thành một thành phố đặc biệt. Tầm quan trọng của các di sản có được nhờ các di tích trên thành phố Hà nội cổ thuộc về niềm tin vào giá trị lịch sử của nó, hơn là vào hình hài hiện có. Điều thiết yếu là người Hà Nội phải duy trì được niềm tin đó, vì đây chính là một phần tài sản phi vật thể mà họ được thừa kế, cũng chính là chìa khoá mở kho báu văn hoá của ‘người Tràng An’”.

Học giả nước ngoài đi cùng với các CCB Việt Nam thăm công trình Hoàng Thành trong dịp kỷ niệm “Điện Biên Phủ trên không, Lady Borton, nhấn mạnh chất lượng nội dung giới thiệu trong các bảo tàng, cả những bản viết, lẫn kiến thức của hướng dẫn viên bảo tàng. Chị từng mang sang Việt Nam để tặng, những catalog của những bảo tàng ở Mỹ, nước có lịch sử hơn 200 năm. Từng biên dịch cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” sang tiếng Anh, Lady cho rằng trẻ em học sử không chỉ ở trên lớp...

“Vun trồng” tình yêu nước?

“Dạy sử chính là dạy lòng yêu nước” là tên bài viết của nhà nghiên cứu Nguyên Cần. Ông viết: “Học sử là học để yêu dân tộc và dạy sử chính là dạy lòng yêu nước. Dạy sử một cách khách quan không thiên kiến, tạo cho học sinh phát triển tư duy lý luận thì môn lịch sử sẽ trở thành hấp dẫn”.

Tướng Vũ Anh Thố, một CCB tên lửa khác, đúc kết một công nghệ vun trồng tình yêu lịch sử. “Lịch sử có hiện tượng, có sự kiện nhưng cũng nên chọn lọc kỹ... Lịch sử rất là sống động từ chiến tranh đến xây dựng, song chúng ta đang quá đơn giản hóa, khiến lịch sử thiếu hấp dẫn”.

“Niềm tin” mà William Logan đề cập chắc là cơ sở cho “tình yêu môn sử” mà học giả Nguyên Cần kiến giải. Còn cách thu thập thật nhiều chi tiết (của sự kiện lịch sử) để chọn lọc kỹ, lấy những “cái” hay hơn, đưa vào văn học sử là phương pháp nghiên cứu của Lady Borton. Chị còn làm các nhà xuất bản mệt nhoài, vì mỗi lần tái bản lại thay vào những chi tiết mới tìm được (của sự kiện lịch sử), để làm cho sách về lịch sử Việt Nam của chị viết được “sống động hơn”, theo cách dùng từ của ông Thố.

  • Lê Thành