- Nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, trước tiên chính là bởi rất nhiều người học và thậm chí là một bộ phận thầy cô giáo đã chọn sai mục tiêu hướng tới.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Đề bài: Có người cho rằng mục đích của dạy học là dạy cho học sinh thi đỗ, lại có người khẳng định mục đích của dạy học nên là dạy cho học sinh biết cách tư duy. Trình bày ý kiến của anh (chị).

Bài làm:


Trong mấy năm trở lại đây, giáo dục và chất lượng giáo dục đang là thỏi nam châm thu hút mối quan tâm của dư luận toàn xã hội bởi những bất cập cũng như những biến chuyển xung quanh nó. Bộ Giáo dục công bố dự án thay SGK. Nhà nghiên cứu chuyên môn yêu cầu thay đổi phương pháp giáo dục. Nhà báo khẳng định nền giáo dục đang mất phương hướng, tròng trành không lối thoát.

Cuối cùng, giữa một mê cung rối rắm, người ta truy tìm đến căn nguyên của vấn đề. Trước khi thay đổi phương pháp, trước khi cải cách chương trình giảng dạy, điều cần thiết nhất chính là xác định một cái đích đúng đắn, rõ ràng làm kim chỉ nam cho cả nền giáo dục. Và một vấn đề mới tiếp tục nảy sinh khi nhiều người cho rằng mục đích của dạy học là dạy cho học sinh thi đỗ, trong khi lại có người khẳng định mục đích của dạy học nên là dạy cho học sinh biết cách tư duy.

Thi cử là thước đo xác định chất lượng giáo dục. Tư duy lại là một hoạt động trí tuệ, là phương thức nhận thức ở trình độ cao. Dễ thấy, hai yếu tố trên thuộc về hai phương diện hoàn toàn khác nhau, nhưng đều là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục.

Bởi vậy, theo lẽ thường, hoàn toàn có thể lựa chọn bất kì một trong hai phương diện trên làm mục đích của việc giảng dạy. Nếu đã coi thi cử là thước đo đánh giá thì lấy kết quả đỗ - trượt trong một kì thi để phản ánh hiệu quả giáo dục là chuyện hết sức tự nhiên. Tương tự như vậy, khi biết cách tư duy chính là lúc con người đã có thể làm chủ được kiến thức của mình - giáo dục cần hướng tới cái đích đó là điều tất yếu.

Vậy... lẽ nào việc đặt ra vấn đề trên là vô nghĩa lí, là thừa, là không cần thiết?

Nhưng những cuộc tranh cãi nảy lửa để tìm ra câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi ấy trên các diễn đàn, báo chí, truyền hình gần đây đã khẳng định với ta đáp án là không. Vậy điều gì đã khiến một chuyện hiển nhiên trở thành một câu hỏi hóc búa, một cuộc bàn luận không hồi kết? Điều gì đã khiến 2 mục tiêu "biết cách tư duy" và "thi đỗ" không còn là 2 cái đích giao nhau?

Nếu ví quá trình học tập là một con đường, thì những kì thi chính là những chướng ngại vật trên con đường ấy, còn tư duy có thể so sánh với một cỗ xe do ta điều khiển, đồng hành cùng ta đến hết con đường.

Bạn có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để vượt qua một tảng đá chắn ngang đường? Chỉ đơn giản là dùng sức leo qua, khéo léo điều chỉnh cỗ xe của mình hay bạn sẽ đi nhờ xe khác, bạn sẽ đào một đường ngầm phía dưới hay bám víu vào một cành cây nào đó phía trên?

Vượt qua một kì thi cũng vậy. Trong tình hình công tác ra đề, chấm thi còn nhiều bất cập, trong khi chuộng thành tích vẫn còn là một căn bệnh trầm kha, trong thực tế người ta sẵn sàng tìm đủ mọi cách để chống trượt - hay thi đỗ, điểm 5 bạn đạt được có đủ để đảm bảo bạn đã hiểu vấn đề, hay đó chỉ là kết quả của kiểu học vẹt, học tủ, hay thậm chí là gian lận?

Câu chuyện buồn về những học sinh lớp 8 không thể đánh vần, những học sinh giỏi quốc gia bị hủy kết quả thi, những học sinh giỏi tốt nghiệp bị tước bằng... đã đánh mất niềm tin của rất nhiều người vào những tấm bằng khen, những tỉ lệ phần trăm học sinh khá giỏi. Các kì thi - cái thước đo chính thức mà ta vẫn đang công nhận đã không còn chính xác khách quan và đáng tin như nó cần phải có.

Hơn nữa, đúng là vượt qua một kì thi đôi khi không cần đến óc tư duy, nhưng nếu có một cỗ xe trong tay mà ta không biết cách vận hành thì thật là đáng tiếc. Hơn nữa, không phải lúc nào ta cũng có được cơ hội đi nhờ xe ai đó, cũng không phải chướng ngại vật nào cũng có thể vượt qua dễ dàng bằng hai bàn tay không.

Sẽ đến lúc thước đo đánh giá xếp loại ta không còn là một đề văn hay bài tập toán mà là một cuộc phỏng vấn, một bản hợp đồng… Nếu giáo dục không thể dạy cho mỗi người học thật, hiểu thật, những học sinh khi rời ghế nhà trường phải làm sao để đối mặt với những bài thi mà cuộc đời ra đề, chấm điểm?

Đó cũng chính là lí do vì sao ta cần quan tâm nhiều hơn đến cái thước đo ngầm phía sau mỗi kì thi, thậm chí, cần nâng nó lên vị trí là mục tiêu cốt yếu của việc dạy và học. Giáo dục phải dạy cho học sinh biết cách tư duy. Nghĩa là học sinh không cần nhớ đáp số của một bài toán, nhưng phải biết làm thế nào để tìm ra kết quả...

Dạy cho học sinh biết cách tư duy là con đường đúng đắn duy nhất để đào tạo được những thế hệ có thể nắm bắt, tiếp cận, và xử lí khối lượng thông tin khổng lồ - có thể bắt kịp với những bước tiến dài của nhân loại.

Nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, trước tiên chính là bởi rất nhiều người học và thậm chí là một bộ phận thầy cô giáo đã chọn sai mục tiêu hướng tới. Học trước tiên để thi đỗ, dạy trước tiên để học sinh thi đỗ. Bởi vậy mới có hiện tượng phao thi rải trắng sân trường sau mỗi buổi thi. Bởi vậy mới có em học sinh lớp 9 học thuộc lòng những bài văn 4, 5 trang giấy của thầy cô làm tư liệu bước vào kì thi chuyển cấp.

Đổi mới cách nhìn về mục tiêu của giáo dục đã trở thành một yêu cầu khẩn thiết, để rồi từ đó, ta mới có thể đề ra những phương pháp dạy và học mới, phù hợp hơn, đúng đắn hơn....

Như cách nói của nhà văn Nhật Kakura "con người là ngọn đèn cần được thắp sáng, chứ không phải là những cái bình nước cần được đổ đầy". Bên cạnh đó, ta cũng có thể giảm nhẹ áp lực thành tích trong thi cử bằng việc thay đổi hình thức xếp loại học sinh. Đừng để điểm thi tiếp tục trở thành chuẩn mực trong đánh giá.

Khi lựa chọn mục tiêu “học để biết cách tư duy” thay vì “thi đỗ”, ta sẽ có thể vượt qua một kì thi bằng chính sức của mình - thi đỗ, và hơn thế, là thi tốt.

Đừng coi những kì thi là vật cản hay là cái đích trên con đường của bạn, hãy cứ để nó trở về vẹn nguyên với ý nghĩa ban đầu của nó. Thi cử, đơn giản chỉ là một lần kiểm nghiệm trình độ tư duy!

  • Trần Thị Lý