Những đồng tiền chắt chiu của bố mẹ từ trái cà chua đã nuôi thầy nên người (Ảnh minh họa) |
Tôi còn nhớ đấy là hôm buổi học thứ hai, khi con số sinh viên của lớp gần đến 100 người nhưng chỉ một mình thầy đứng lớp. Thầy phải nói to hơn thường ngày để ai cũng có thể nghe lời thầy giảng. Nhưng chỉ cần mỗi người góp một tiếng ho, một từ nói vui đã làm cho lớp trở thành một cái chợ. Thầy đã nhắc nhở nhiều nhưng lớp vẫn vậy, vài cặp đôi vẫn thản nhiên nói chuyện trước mặt thầy.
Lần này, thầy quyết định ngừng giảng tới tận 20 phút để nói với chúng tôi về những buổi học ở trên giảng đường. Thầy bảo: “Các anh chị có biết để có được những buổi đi học ở trên giảng đường này thì hàng ngày ở quê nhà các bạn, bố mẹ của nhiều người vẫn đang đổ mồ hôi, chật vật để kiếm được đồng tiền cho các bạn ăn học. Hãy biết quý trọng những gì mà cha mẹ dành cho các bạn”.
Lời nói của thầy làm cả lớp phải im bặt lại và suy ngẫm về lời của thầy. Thầy tiếp tục câu chuyện về cuộc đời sinh viên của mình: “Tôi nghĩ các anh chị bây giờ sướng hơn tôi rất nhiều. Ngày trước, có lẽ tôi là người nghèo nhất khóa sinh viên lúc đó. Các bạn biết đấy, bố mẹ tôi là nông dân, mỗi lần chỉ bán được cân cà chua với giá 300 đồng, trong khi đó mỗi tháng phải gửi cho tôi 100 nghìn lên thành phố đi học. Vậy thì các bạn hiểu được phải cần tới bao nhiêu cân cà chua của bố mẹ để tôi có thể được đến trường đi học”.
Những trang kí ức khó khăn tiếp tục tuôn chảy trong mạch cảm xúc của thầy: “Thời sinh viên khi ấy, bạn tôi trung bình, mỗi người hằng tháng được cho 300 nghìn chỉ riêng tiền ăn, trong khi đó với tôi, mỗi tháng được chu cấp 100 nghìn, nhưng trong 100 nghìn ấy đã phải đóng 40 nghìn tiền học phí, 60 nghìn còn lại tôi vừa phải trang trải tiền ăn uống, tiền đi lại. Tất tần tật mọi sinh hoạt chỉ vỏn vẹn trong 60 nghìn đấy. Bởi vậy, mỗi ngày tôi chỉ dành 1 nghìn để mua thức ăn, chỉ mua được mớ rau muống. Các bạn có thể ăn được rau muống trong 4 năm đại học không, còn tôi 4 năm đại học ngày nào cũng ăn rau muống”.
Gần 100 gương mặt của lớp chăm chú lắng nghe lời thầy, nhiều bạn đã cúi xuống bàn, gương mặt có chút buồn.
Thầy cũng kể cho lớp nghe về chặng đường đi học của mình, về những gì mà thầy đạt được như ngày hôm nay đã phải trải qua một chặng đường khó khăn. Đó là thầy học chuyên ngành phát thanh những cũng phải vất vả đi viết bài gửi cho các báo, mỗi lần được nhận nhuận bút 15 nghìn và báo biếu là cảm thấy hạnh phúc lắm.
Hồi ấy, chưa có máy tính, phương tiện gửi email như bây giờ, chỉ cần “nhoáy” một chút là có thể gửi đến tòa soạn. Nhưng thầy cùng bạn bè đã phải “rồng rắn” đạp xe đến tận tòa soạn để gửi những bản viết tay trên giấy. Thầy bảo hồi đấy khổ mà vui.
Thầy cũng kể cho chúng tôi nghe về thành quả học tập của mình. Dù thiếu thốn đủ thứ nhưng lực học của thầy không bao giờ bị thua các bạn cùng lớp, vẫn vượt qua được những kì thi sát hạch của trường để được tiếp tục ở lại. Trong đợt thực tập năm cuối, thầy cùng với anh lớp trưởng đã có được số lượng tin bài nhiều nhất lớp.
Để có được việc làm lúc ấy không phải là điều đơn giản. Dù được hứa hẹn sẽ được làm việc ở nhiều nơi nhưng rồi cũng chỉ là những “lời nói gió bay”. Thầy đã cố gắng xin cộng tác tại một cơ quan báo chí, hồi đấy cũng có tiếng nhưng vẫn không được nhận, rồi lại xin cộng tác không lương hai năm trời nhưng câu trả lời nhận được vẫn là từ “không” tròn trĩnh.
Trải qua bao thăng trầm thì giờ đây thầy cũng đã có một công việc yên ổn tại ngôi trường mà chính thầy theo học. Điều đó dù không nói ra thành lời nhưng tôi hiểu thầy đã cố gắng đến cỡ nào để có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Dù chỉ được học thầy trong một môn của thời gian năm cuối ĐH nhưng với tôi, những gì mà thầy dạy không chỉ còn là về kiến thức chuyên ngành mà còn là những bài học sống quý báu. Bài học về sự kiên trì và nỗ lực – thứ sức mạnh vô hình giúp con người vượt qua tất cả khó khăn để đến được với thành công.
- Bùi Thủy (Viết về thầy Nguyễn Văn Trường, giảng viên trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền)