- Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ có hiệu lực. Đồng ý với tinh thần siết chặt và nâng chất lượng đào tạo liên thông nhưng theo lãnh đạo một số ĐH, việc SV phải thi ĐH, CĐ như học sinh phổ thông là “vô vọng”, khó thực hiện.
Muốn học liên thông, nhiều SV sẽ phải thi ĐH như học sinh phổ thông (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung) |
Quy định gây khó cho người học
Trong 3 điểm quan trọng của thông tư mới của Bộ GD-ĐT yêu cầu những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng khi thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH hệ chính quy phải dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cùng với học sinh phổ thông.
Nguyễn Hồng, SV vừa tốt nghiệp hệ CĐ Trường ĐH Nội vụ Hà Nội cho biết: “Năm 2009 mình thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thiếu 0,5 điểm nên nguyện vọng sang Trường CĐ Nội vụ.
Giờ tốt nghiệp, muốn thi liên thông sang Trường ĐH Lao động Xã hội nhưng nếu phải thi “3 chung” với học sinh phổ thông quả thực rất khó vì 3 năm học CĐ, kiến thức phổ thông rơi rụng gần hết”.
Nhiều bạn của Hồng cùng chung tâm trạng lo lắng. Các em hoặc chưa có việc làm, làm trái nghề nên muốn tranh thủ thời gian thi lên liên thông song đành lắc đầu vì quy định phải thi kì thi ĐH,CĐ như học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12.
Đồng ý phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo liên thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất Lê Trọng Thắng bổ sung: “Quy định SV phải đủ thời gian 36 tháng tính từ khi tốt nghiệp đến nộp hồ sơ thi liên thông là quá dài, gây khó cho người muốn học”.
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực Bùi Đức Hiền thẳng thắn: “Sinh viên gần như vô vọng nếu muốn liên thông lên ĐH ngay sau tốt nghiệp. Hạn chế như vậy chỉ thiệt thòi cho người học”.
Cũng theo quy định mới, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục ĐH.
Bản thân ông Hiền, ông Thắng không lo ngại về số chỉ tiêu này bởi các trường khối kĩ thuật lượng SV liên thông lên không nhiều như khối ngành Tài chính-Ngân hàng hay Xã hội nhân văn. SV khối ngành kĩ thuật khi ra trường khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn.
Tuy nhiên thực tế vài năm nay, một số trường khi gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, không ít trường ĐH đã phải đề nghị Bộ cho chuyển chỉ tiêu chính quy sang chỉ tiêu liên thông hoặc vừa làm vừa học, sao cho tổng chỉ tiêu điều chỉnh không thay đổi so với chỉ tiêu đã xác định.
Nên để các trường tự chủ
TS Nguyễn Toàn - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM cho hay: “Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định này nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo liên thông. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo phụ thuộc cả quá trình đào tạo ở bậc thấp và cao hơn của các trường chứ không phụ thuộc việc thi môn nào, thi cái gì”.
Còn phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM Phạm Thái Sơn tỏ ra lo ngại năm nay các trường sẽ không tuyển sinh liên thông được do những người đã tốt nghiệp đủ 36 tháng thì đã dự thi liên thông các năm trước, người chưa tốt nghiệp đủ thì khả năng cao không qua nổi kỳ thi ĐH.
Nhiều ý kiến cho rằng thông tư vừa qua của Bộ chỉ là giải pháp tình thế. “Không thể đóng cửa đào tạo liên thông. Bộ cần có quy định tạo điều kiện cho các trường cũng như có giải pháp căn cơ quản lí chất lượng đào tạo liên thông, tại chức hiện nay” – ông Thắng nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng: “Nên để các trường tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo, các trường sẽ tự biết điều chỉnh mình để phát triển”.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam nêu ý kiến: “Bộ nên siết chặt quản lý đầu ra chứ không nên siết đầu vào như hiện nay”.
Trả lại 'mác' cho đào tạo liên thông
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Tất cả bất cập trước đây về đào tạo liên thông sẽ được xử lí trong Thông tư mới này như công tác tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh, chương trình đào tạo, quản lí chất lượng, chuẩn đầu ra,…
Phải trả lại đúng mục đích của việc dạy và học liên thông, tạo điều kiện cho người có bằng cấp thấp muốn học lên cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học.
Nếu học chính quy người học sẽ được cấp bằng chính quy, bảng điểm cũng đầy đủ các môn và học trình đã học. Làm như vậy người học và nhà tuyển dụng lao động sau này sẽ không có mặc cảm hay phân biệt giữa chính quy với liên thông. Khẩu kiểm soát, xử lí chặt chẽ hơn do đó uy tín của người học cũng được tăng cường”.
Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT Bùi Anh Tuấn cho hay: Khảo sát vừa qua của Bộ, chỉ có bảy trường ĐH đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm được chất lượng đào tạo liên thông chính quy.
Trên thực tế, có trường muốn đổi chỉ tiêu đào tạo chính quy sang liên thông chính quy. Mặt khác, chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH có giới hạn, nhưng nhiều trường liên thông “chui” khiến số liên thông chính quy lên ĐH đang rất cao, gây mất cân đối lớn trong cơ cấu đào tạo.
- Văn Chung - Nguyễn Thảo