- Xung quanh những
ý kiến trái chiều về việc thí điểm dạy các môn Toán và Khoa học tự nhiên (KHTN)
bằng tiếng Anh tại
10 trường THPT trong thành phố - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đã có trao
đổi với VietNamNet.
>> Học tiếng Anh phải như học võ
>> Trường phổ thông than khó dạy tiếng Anh Cambridge
Không phải để thu tiền
Ông Lê Hồng Sơn cho biết: Đây chỉ là việc áp dụng giáo trình, đội ngũ giáo viên (GV) của ĐH Cambridge để hỗ trợ cho các trường triển khai thí điểm việc dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh, chứ không phải áp dụng chương trình ĐH Cambridge vào để thu tiền.
Giáo trình của ĐH Cambridge đã được thế giới công nhận, nên sở áp dụng và đưa vào thực hiện đề án này để giảng dạy cho học sinh (HS) hai khối lớp 10 và 11 với thời lượng 2 tiết/ tuần.
ĐH Cambridge đã ủy nhiệm cho tổ chức EMG để chuyển tải giáo trình, tài liệu và GV được đào tạo chuẩn có thể giảng dạy tốt chương trình này.
- Nhưng sẽ khó cho trường vì không chuẩn bị kịp đội ngũ giáo viên?
Về nguồn GV- nếu GV của 10 trường THPT được chọn thí điểm có thể đáp ứng được chuẩn về trình độ thì sẽ tận dụng. Nếu chưa đủ các trường có thể gửi GV theo học các khóa bồi dưỡng có cấp bằng chứng nhận do tổ chức EMG thực hiện dưới sự ủy nhiệm của ĐH Cambridge.
Như vậy khi học theo chương trình này, HS được quyền lợi là tiếp cận được với giáo trình tiên tiến bên cạnh học chương trình Việt Nam bình thường...
- Trong trường hợp các trường thuê GV của EMG, Sở có quy định hay hỗ trợ mức kinh phí để chi trả cho GV và mức học phí HS sẽ phải đóng để theo học hay không?
Các trường sẽ thực hiện quy định này bắt đầu từ học kì hai năm học này. Thời gian đã được tính toán và bố trí hợp lý để sau hai năm học tại trường phổ thông HS được tham dự kì thi và lấy chứng chỉ của ĐH Cambridge. Và quan trọng nhất, HS được tiếp xúc với một giáo trình mang tính chất tiên tiến để có thể vận dụng, bổ sung thêm về năng khiếu phát huy tính sáng tạo khi học Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh.
HS cần biết vận dụng, ứng dụng như thế nào vào các môn tự nhiên chứ không phải học để ra kết quả như thế nào. Đơn cử, việc dạy Toán bằng tiếng Anh không phải để HS học để biết “2 x 2 = 4” mà quan trọng kết quả đó được ứng dụng như thế nào trong khoa học, cuộc sống…
Về kinh phí chi trả cho GV đó là một sự thỏa thuận giữa các trường và công ty EMG. Từ sự thỏa thuận đó tính ra là tiền bản quyền của giáo trình. HS muốn học phải mua theo bản quyền giáo trình. Mức học phí các trường sẽ tự tính toán. Nhưng lưu ý việc học là do sự tự nguyện của HS và phụ huynh.
HS được lựa chọn học hoặc không
- Ông nghĩ như thế nào khi có ý kiến cho rằng việc lựa chọn chương trình của ĐH Cambridge cho các trường là đang cho đơn vị EMG nắm độc quyền trong việc triển khai việc dạy học các môn Toán và KHTN bằng tiếng Anh của thành phố?
Không có chuyện độc quyền. Tôi xin nhắc lại đây chỉ là chương trình bổ trợ giúp cho các em phát huy khả năng học tiếng Anh của mình. Ngoài ra có rất nhiều các chương trình tiếng Anh đang thực hiện ở các trường tiểu học, trung học trong đó hệ thống tiếng Anh của Mỹ, của Anh.... Một số các chương trình khác Sở cũng đã triển khai thực hiện nên không có chuyện có Cambridge độc quyền.
- Trên thực tế, trước khi Sở có văn chỉ đạo các trường theo chương trình của ĐH Cambridge, các trường đã tiến hành tổ chức dạy theo các chương trình khác của Mỹ, Anh, Úc.... Việc chuyển giao chương trình này sẽ gây khó cho các trường và HS?
Chúng tôi thực hiện công việc này rất chặt chẽ. Trước khi ra văn bản chỉ đạo Sở đã mời 10 trường trong đó có ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn họp lấy ý kiến.
Theo báo cáo, chương trình đang được giảng dạy tại các trường hiện nay không mang tính thống nhất, dạy nhiều chương trình khác nhau, mục tiêu mới chỉ dừng lại ở mức làm quen, thậm chí có trường còn phiên dịch từ chương trình của Bộ ra để lấy tài liệu giảng dạy nên không có định hướng đúng. Vì vậy Sở đã đề nghị nên chọn một giáo trình tốt, có định hướng đúng.
- Việc triển khai cùng lúc nhiều chương trình tiếng Anh trong các trường học có làm cho học sinh thêm rối?
Có rất nhiều chương trình để chúng tôi đưa vào trong nhà trường. Trong đó có chương trình tiếng Anh theo lộ trình của Bộ GD-ĐT và một số chương trình khác như tiếng Anh tăng cường của thành phố… Nhưng đây là chương trình bổ trợ, HS chỉ lựa chọn một trong những chương trình đó để học chứ không phải học hết tất cả.
Ngoài 10 trường THPT sẽ dạy môn Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh theo chương trình của ĐH Cambridge theo chỉ đạo của sở, một số trường tiểu học tại TP.HCM cũng đã sử dụng chương trình của Cambridge. Trong tương lai việc sử dụng chương trình này có được Sở nhân rộng. Nhưng việc nhân rộng tại các trường thì phải theo nguyện vọng của phụ huynh, HS.
- Xin cảm ơn ông!
- Lê Huyền (thực hiện)