- Mới đây, một cô gái đã lỡ miệng “vơ đũa cả nắm” với những người có sinh quán ở một tỉnh, phải “chào” diễn đàn để xin lỗi, nhưng tự xưng mình là “cháu”! Có một cách nào cất lời chào trước, như lời tự giới thiệu: vừa đủ thân mật để tranh thủ, mà vẫn giữ được khoảng cách, vẫn đầy tự trọng?
Gần cuối đời nhìn lại, U60 tôi thấy mỗi năm qua đi như một cú lướt qua mình trên cầu thang khu tập thể của một vị hàng xóm hoặc “sành điệu” mà xưng xỉa trong mùi thơm của nước hoa ngoại, hoặc sự gườm gườm của một đầu gấu nửa chí phèo. Họ hầu như chẳng “thèm” chào hỏi gì bạn.
Một đặc tính của thời buổi @ là khan hiếm tiếng chào. Tuy nhiên điều này đã có những căn nguyên thâm căn cố đế, dẫn tới một nguyện vọng tột bậc hôm nay là phải cách mạng hóa văn hóa chào hỏi?
Khủng hoảng “tiếng chào”
Một di sản của văn hóa Việt là câu “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, rất đắc dụng trong vai trò cân bằng những câu kiểu như “một miếng giữa làng”. Câu này đến nay sức thuyết phục dường như giảm sút, chắc vì hoạt động văn hóa của người Việt ngày một phong phú hơn là văn hóa ẩm thực kiểu làng xã.
Nhưng “cao hơn mâm cỗ” tuyệt ở chỗ nó nhấn mạnh giá trị tinh thần, chống những cuộc chơi số lượng, duy vật tầm thường, kiểu cưới vợ mấy trăm mâm…
Thời bao cấp có bài “Chim vành khuyên” để dạy trẻ con cách chào hỏi từ nhỏ. Chắc có một chút Khổng giáo trong bài qua câu “gọi dạ bảo vâng”, nhưng vấn đề ở chỗ khác.
Có một bạn nước ngoài dự ăn cỗ ở Việt Nam rất kinh ngạc về thể thức chào của Việt Nam. Nó như một nghi lễ. Cha hoặc mẹ dẫn đứa bé đi một vòng, chỉ vào từng người, (giống như trong bài hát về chim vành khuyên), rồi nói: chào bác đi, hoặc chào anh, chào cô đi, căn cứ theo thứ bậc, tôn ti trong “họ hàng hang hốc”.
Đặc thù văn hóa của riêng Việt Nam này gây xáo động cho nhân sinh quan của trẻ em. Có những người đã già lại chỉ chào là anh/chị (!), trong khi có những “anh chích chòe” lại phải chào, phải gọi là bác, thậm chí là ông.
Bọn trẻ khi lớn dần lên (mà không có tập tiếp theo của bài ‘Chim vành khuyên” để dạy văn hóa chào hỏi), trở nên “quái hơn”, chúng bắt đầu thể hiện chính kiến, thái độ qua chào hỏi. Chẳng hạn, “mình” lớn tuổi hơn bố mẹ nó thì nó cứ táng: ‘chào chú’, để hạ thấp mình, do muốn nhạo, hoặc do muốn trừng phạt “mình” về một hành tung nào chúng cho rằng không xứng với tước hiệu “bác”, một tư cách được đặt cao hơn “bố”…
Còn các bé gái, khi chúng lớn lên thành thiếu nữ, chúng bắt đầu tìm cách lướt qua người quen biết nhiều tuổi hơn mà không chào, có phải do “ánh xạ buồn” của câu “ra ngõ gặp gái”.
Vừa thừa, vừa thiếu
Một vị tiến sĩ người Tiệp sống lâu năm ở Hà Nội, hay ra chợ thời bao cấp, rất ấn tượng về sự phong phú trong văn hóa chào của người Việt, thể hiện trong một trạng từ khó dịch sang tiếng nước ngoài: “đon đả”.
Nhưng ông cũng nhận thấy có hôm, ông không mua gì ở hàng quen, thì tiếng chào từ phía ấy, hoặc gượng ép, hoặc không nghe rõ…
Ngược lại, người Việt sau khi mua bán xong cũng ít chào nhau, cho dù văn hóa “hàng cá hàng tôm”, “chợ búa” không phải là một đặc thù của các chợ, nay hầu như thành “chợ cóc’, cạnh các khu dân cư.
Người Pháp với vốn văn hóa Việt tích từ nhiều thế kỷ, giải thích kỹ càng vì sao “ăn cơm chửa” cũng thành một câu chào. Đó là vì người Việt xưa thường dạy sớm từ canh bốn, canh năm, nấu cơm ăn bữa chính rồi đi làm đồng; bữa trưa ngoài ruộng thường chỉ có củ khoại củ sắn thay cơm…
Vì vậy, câu chào nói về bữa trưa đàng hoàng, thật ra không có kia, thể hiện thiện chí mong ước nhau làm ăn sung túc, để cuộc sống, quan hệ đồng nghĩa với “như bát cơm đầy”…
Thật vậy, các hình thái chào hỏi của người Việt thật đa dạng, tạo thuận tiện cho một cộng đồng kính nhường lẫn nhau. Bâng quơ kiểu “Bác (đi) đâu đấy?”, cũng là câu chào mà không nhất thiết nhận được thông tin chính xác về hướng đích của người được chào, nên nhận xét là người Việt tò mò, moi móc, như một tờ báo nào từng viết, e hơi quá lời.
Ngược lại, do đặc thù nói ở trên về sự rắc rối về nhân xưng trong quan hệ giữa người Việt với nhau, văn hóa chào bị hụt hẫng, gây khó khăn cả cho người muốn cất lời chào.
Một thời tôi phiên dịch trong một tập thể có chuyên gia nước ngoài tham gia. Có vị chuyên gia phàn nàn là những người trẻ tuổi, có cả nữ, khi bước vào xưởng, thường tỏ ra bẽn lẽn, nhưng không chào. Tôi giải thích, chẳng hạn, vì khi còn nhỏ, mỗi lần bước vào nhà ăn tập thể, bọn trẻ chúng tôi chào: “chúng cháu chào các ông các bà các bác các chú các cô các anh các chị các em …”.
Chúng tôi bị các vị bề trên nhạo là “chúng mày cứ cạc cạc như lũ vịt”, gây bức bối… Các chuyên gia cũng đưa ra nhận xét là họ, dù trẻ, chào tập thể người Việt là “chào các bạn” thì không sao, nhưng chỉ thấy các bậc cao tuổi ở Việt Nam là “có quyền” xúc tiến quan hệ trên một tư cách như vậy trong một cộng đồng nhiều lứa tuổi.
Cần giải pháp cấp thiết
Hôm nay, các cô gái hẳn là khó xử, khi những bậc gia trưởng ngay trong cơ quan cằn nhằn “loanh quanh lúc anh lúc chú”. Rồi, đôi khi những bà cụ già hàng rong gọi đàn ông U60 như tôi, cả U50 nữa là bác, thậm chí là ông, tự xưng là “cháu”!
Vậy chúng ta có nên đề xuất với các nhà văn hóa, cần trung tính hóa tiếng chào? Có nên xây dựng quy tắc ứng xử của công dân, bắt đầu từ chuẩn hóa cách chào hỏi?
Trước mặt, việc xây dựng tập quán chào hỏi trong thời buổi hội nhập đang trở nên cấp thiết, nếu không nói là sinh tử. Nếu các 9X, 10X… không được trang bị hệ thống tín hiệu đúng mực để xúc tiến giao thiệp với nhau, hoặc chỉ để chào hỏi lịch thiệp, xã giao, thì một tiếp cận thông thường có thể biến dạng va chạm, thậm chí xung đột.
Nếu không, chúng ta còn tiếp tục phải đọc những tin về các nam sinh, thậm chí nữ sinh, lấy mạng nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu” (?!).
- Lê Thành