GS Nguyễn Tài Cẩn mất, học trò viết: "Bao giờ công trình của thầy cũng có tư liệu mới và thể hiện phương pháp tiếp cận mới. Thầy ghét nhất thói tư biện, lười biếng, qua loa". Nhà báo Hàm Châu gọi ông là "bất yếm, bất quyện" (học giả học không biết chán, dạy người không biết mỏi).

GS Nguyễn Tài Cẩn. Ảnh: Tuổi Trẻ
GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong những chuyên gia đầu ngành của Ngôn ngữ học Việt Nam.

Cùng với GS Hoàng Xuân Hãn và GS Đào Duy Anh, ông là một trong ba người đầu tiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Việt ngữ học.

Ông có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG Hà Nội.


GS.TS Phạm Đán Bình (sinh năm 1936, Ninh Bình), nguyên Trưởng Ban Việt Nam học, ĐH Paris 7 – Denis Diderot, đã từ trần tại Paris ngày 24-2 vì bệnh nặng. Ông định cư tại Pháp từ 1963, đã góp phần xây dựng ngành Việt Nam học, đào tạo nhiều SV về văn hóa và văn học Việt Nam tại đây. Ông đã công bố những công trình về Việt ngữ học và nhiều tiểu luận  về thơ lãng mạn Việt Nam.

(Người lao động)

Trong lĩnh vực nghiên cứu, GS Nguyễn Tài Cẩn là một chuyên gia Ngôn ngữ học am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Việt ngữ học và Hán-Nôm.

Ông là người thông thái các phương diện đồng đại và lịch đại trong nhiều địa hạt (ngữ pháp, ngữ âm, từ nguyên, văn tự) và đã dành nhiều thời gian để viết các giáo trình và chuyên khảo.


GS Nguyễn Tài Cẩn còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học xuất bản ở trong và ngoài nước, nhiều báo cáo khoa học ở các hội nghị khoa học quốc tế.


Trong những năm gần đây, GS đã sang Nga sinh sống với người bạn đời của mình, vốn có một thời gian rất dài làm dâu Việt Nam.

GS Nguyễn Tài Cẩn giảng dạy tại ĐH Paris. Ảnh: Bee

Trên số báo Lao Động ngày 8/9/2000, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao Xuân Hạo đã nhận xét về cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng, từ ghép, đoản ngữ) của Nguyễn Tài Cẩn (viết xong năm 1960 tại Leningrad, được xuất bản tại Hà Nội năm 1975):

“Cách đây 40 năm, bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô về lý thuyết âm tiết - hình vị. một lý thuyết có thể giải quyết những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, từ đó vạch ra con đường khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung” (coi châu Âu là trung tâm - europeocentrism). Tiếc rằng hồi đó không ai hiểu ông.”

GS Nguyễn Tài Cẩn đối chiếu một bản Truyện Kiều mới phát hiện  tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (đầu năm 2009) Ảnh: Văn hoá Nghệ An

Một công trình khác của Nguyễn Tài Cẩn gây tiếng vang trong giới ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài là cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt in năm 1979.

Những đóng góp lớn của GS Nguyễn Tài Cẩn với khoa học xã hội nước nhà được nhà báo Hàm Châu,  người chuyên dựng chân dung về các nhà khoa học, "tóm lược" với các dòng chữ: Đổi mới nhận thức của giới Việt ngữ học; Soi rọi ngọn nguồn của cách đọc Hán - Việt và nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt - Truyện Kiều.

GS Nguyễn Tài Cẩn là người Việt đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học tại Nga và là nhà ngôn ngữ học đầu tiên được Gi ải thưởng Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Nguyễn Tài Cẩn làm việc tại ĐH Tổng hợp Leningrad. Ảnh: Bee

Giải thích cách gọi "GS Nguyễn Tài Cẩn là một học giả bất yếm, bất quyện", trên báo Bee, nhà báo Hàm Châu viết:

"Năm 2000, ông được Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vào dịp ấy, ĐHQG Hà Nội tặng ông một chiếc đĩa sứ lớn phủ men trắng, trên mặt có in bốn chữ Hán viết tay bằng men lam: Bất yếm, bất quyện (rút ngắn lời Khổng Tử trong Luận Ngữ: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” - học không biết chán, dạy người không biết mỏi). Thật quá đúng tính cách thầy Cẩn!

"Thầy ghét nhất thói tư biện, lười biếng, qua loa"


"Nhiều năm làm việc với Thầy, tôi thấy dù là viết một quyển sách lớn hay một báo cáo để đọc trước cuộc sinh hoạt khoa học thường niên của bộ môn, bao giờ Thầy cũng hết sức nghiêm túc, chu toàn.

Bao giờ công trình của Thầy cũng có tư liệu mới và thể hiện phương pháp tiếp cận mới. Thầy ghét nhất thói tư biện, lười biếng, qua loa.

Chính vì vậy mà nhiều khoá luận của sinh viên có tư liệu mới, phát hiện mới cũng được Thầy quan tâm khảo cứu, thậm chí trích dẫn trong sách của mình.

Lúc còn ở Trường, đôi lúc nói chuyện với tôi, Thầy tỏ ý tiếc cho một số anh em đang có đà phát triển về khoa học hoặc đang làm những chuyên môn mà ngành rất cần, phải rẽ sang làm quản lý hay làm những công việc ở ngành nghề khác.

Tôi hiểu đằng sau lời phàn nàn đó là sự lo lắng về việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và về tương lai của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam mà Thầy là một trong số ít người đặt nền móng.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban - Văn hóa - Giáo dục và Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội.

Bài đầy đủ xem tại chuyên trang Tuần Việt Nam


GS Nguyễn Tài Cẩn nói chuyện tại Tạp chí Văn hóa Nghệ An đầu năm 2009. Ảnh: Văn hoá Nghệ An

GS Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 02/5/1926 tại Thanh Chương, Nghệ An.

Thuở nhỏ, ông tiếp thụ Hán học, sau đó theo học các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế.


Ông là Đảng viên từ năm 1949 và bắt đầu dạy học cùng năm.

Từ năm 1955 đến năm 1960 ông được cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô (Trường ĐH Tổng hợp Leningrad).


Từ năm 1961 đến năm 1971, ông làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.


Ông được mời thỉnh giảng tại Trường ĐH Tổng hợp Paris 7, Viện ĐH Cornell (Hoa Kì).


Năm 2000 GS Nguyễn Tài Cẩn đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình
Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt.

Năm 2008, GS được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân.

  • Nguyễn Hường

*******************
Quý vị chia buồn với gia đình GS Nguyễn Tài Cẩn theo email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc mẫu phản hồi dưới đây: