- Tôi và chồng vừa từ nước ngoài về Việt Nam để tổ chức đám cưới. Chúng tôi quen nhau khi còn là du học sinh ở Mỹ. Tháng 6 năm ngoái chúng tôi làm lễ đính hôn dưới sự chứng kiến của bạn bè và thầy cô giáo tại TP Pittsburgh, thuộc bang Pennsylvania.

Ảnh minh họa

Nửa năm sau, chúng tôi về Việt Nam làm đám cưới....

Trong suy nghĩ của chúng tôi, đám cưới to hay nhỏ, hoành tráng hay đơn giản, không quan trọng bằng việc hai người có sống với nhau hạnh phúc hay không. Do đó, sau khi bàn bạc với nhau, chúng tôi viết thư về nói với bố mẹ chỉ cần làm một buổi tiệc nhỏ dành cho những người thân và họ hàng hai gia đình. Tính ra không quá ba chục người.

Ý kiến này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của bố mẹ tôi. Theo lời các cụ thì phải làm đám cưới thật to, mời thật nhiều người, tuyệt đối không có chuyện mời ít người. "Càng đông người đến thì càng tốt, càng may mắn con ạ" - mẹ tôi nói.

Không muốn bố mẹ phật ý, chúng tôi đồng ý sẽ làm đám cưới như bình thường. Mọi công việc ở nhà như chọn ngày giờ, tìm và đặt nhà hàng, mua hoa quả cau trầu lễ vật, thiết kế thiệp mời, lên danh sách khách mời... đều do bố mẹ ở nhà chuẩn bị.

Chúng tôi chỉ có việc lên máy bay, về nhà, mặc lên người bộ váy cưới và comple là xong nhiệm vụ.

Sau vài ngày đầu, bố mẹ bắt đầu nhắc chúng tôi đi thăm họ hàng, các cô dì chú bác, vừa là để chào hỏi nhân dịp về, vừa để đưa thiệp mời cưới luôn. Lâu lâu đến nhà người thân thì cũng vui, khổ nỗi khi tôi đến nhà họ hàng của chồng thì tôi chẳng biết ai, cũng chẳng có mối quan tâm nào chung, chẳng có kỷ niệm gì với nhau để kể lại.

Rốt cục, tôi chẳng tham gia được vào câu chuyện nào, hoặc tham gia một cách lấy lệ. Chồng tôi cũng vậy. Cứ đến nhà các bác tôi là lại ngồi im. Biết thế mỗi người tách ra đi riêng, vừa đi được nhiều nhà, vừa tiết kiệm thời gian lại thấy thoải mái hơn.

Lúc ở bên đấy chẳng biết bố mẹ ở nhà chuẩn bị như thế nào. Đến khi chúng tôi về thì bố mẹ chồng gọi tôi ra hỏi xem nhà tôi yêu cầu mấy phong bì làm lễ vật, mỗi phong bì bao nhiêu tiền là đủ....

Càng ở thêm mấy hôm, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn không khí đua tranh giữa hai nhà. Ví dụ hôm ăn hỏi, bà ngoại tôi đề nghị đặt nhà hàng nấu cỗ mang đến để khách khứa ở lại dùng bữa trưa. Tổng số là chín mâm. Chả lẽ nhà gái mời mà nhà trai lại không mời lại.

Không khí tranh đua giữa hai nhà còn thể hiện ở việc trang trí nhà cửa hôm ăn hỏi và đón dâu thế nào, thuê bàn ghế ấm chén ở đâu, đặt mâm ngũ quả ở đâu... cho thật hoành tráng.

Chưa kể lúc ăn hỏi và đón dâu, chúng tôi thì cứ mong bố mẹ sẽ nói những lời căn dặn tình cảm trong không khí ấm cúng của hai gia đình. Nào ngờ, các cụ lại dùng dịp này để chơi chữ, đối nhau choanh choách đến chóng cả mặt. Cứ đại diện nhà gái phát biểu xong là nhà trai lại đứng lên để chứng tỏ nhà mình cũng văn hay chữ tốt không kém cạnh gì. Toàn những câu hệt như trong nghị quyết lại toàn văn hoa mỹ từ. Chúng tôi - hai nhân vật chính đứng ngẩn tò te, thấy vai trò của mình thật mờ nhạt vì chẳng ai quan tâm đến mình.

Đúng là con gà tức nhau tiếng gáy. Cái văn hóa này đã ngấm vào máu của không ít người Việt. Cuộc sống có khá lên, kinh tế có cải thiện, mặt bằng văn hóa có tăng lên thế nào thì những thói quen làng xã ấy vẫn còn....

Đã quen với việc tổ chức tiệc đính hôn đơn giản với rất ít khách mời ở nước ngoài, chúng tôi thực sự choáng khi đám cưới của mình ở Việt Nam lên đến 400-500 con người. Trong số này bạn bè của chúng tôi rất ít, chủ yếu là bạn bè và đồng nghiệp của bố mẹ - những người chúng tôi chẳng biết là ai và cũng chưa gặp bao giờ.

Nên ở hội trường cầm ly rượu trong tay, chúng tôi bị dắt đến hết bàn này đến bàn khác để cụng ly với những người mà "đây là bác X, vụ trưởng chỗ bố. Đây là chú Y, trưởng phòng cơ quan mẹ."

Thật sự, chúng tôi chẳng quan tâm đến "vụ trưởng" hay "trưởng phòng". Cái chúng tôi quan tâm đến là trong số những người khách ngồi kia, bao nhiêu người thực sự muốn chúc phúc cho mình?

  • Huyền Trần