- Một số giáo viên dạy Văn nhiều kinh nghiệm cho rằng chỉ nên gợi mở, chứ không nên áp đặt, tuy nhiên việc định hướng để các em viết đúng không quá tự do trong tưởng tượng...


Ảnh minh họa: WebPhunu

Cô Ngô Thị Bích Thủy (Hiệu phó Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc): "GV cần kiên trì và tâm huyết"

Bản thân tôi luôn tâm niệm, người giáo viên sẽ thành công khi biết: "Lấy cái đã có để dạy cái chưa có".

Dạy HS lớp 2, 3, GV không nên quan niệm cứng nhắc là nhất thiết phải sử dụng hệ thống câu hỏi hay gợi ý của SGK mà nên dựa vào vốn hiểu biết thực tế của HS để từ đó giúp các em hướng tới mục tiêu cần đạt. Như vậy giờ học sẽ nhẹ nhàng hơn và bản thân học sinh cũng thấy tự tin hơn.

Đối với HS lớp lớn hơn, nên tập trung vào hướng dẫn các em cách dùng từ, đặt câu, liên kết câu… sao cho câu văn sinh động, gợi cảm. GV có thể lấy một câu văn hay của HS để làm ví dụ hay yêu cầu HS tìm những từ đồng nghĩa với nhau để HS mở rộng vốn từ….

Tôi luôn tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc và tư duy của HS, tuy nhiên việc định hướng đôi khi cũng rất cần thiết. Ví dụ khi gặp bài văn tả con mèo, HS so sánh "đầu con mèo nhà em to bằng đầu em bé mới sinh..." - GV có thể nói rằng trong thực tế có thể chi tiết đó đúng nhưng thông thường khi viết văn người ta không sánh như vậy. Và người GV phải gợi ý cho HS tìm một vật khác để so sánh.

Nếu trường hợp bài viết lệch trọng tâm, có những chi tiết khác lạ thì tôi tìm hiểu lý do thực chất là gì?. Có phải do các em chưa diễn tả được điều mong muốn diễn đạt hay chưa tìm được ngôn từ để diễn đạt... 

Văn là cuộc sống, nên cũng không thể lúc nào cũng toàn lời hay ý đẹp. Các con có thể viết về những cái chưa tốt, chưa đẹp nhưng GV nên định hướng để những chi tiết đó được diễn đạt một cách nhẹ nhàng nhất.

Để hiểu được suy nghĩ, tâm tư của các em, mỗi GV dạy văn còn rất cần tiếp xúc, quan tâm đến hoàn cảnh của các em. Ví dụ, tôi đã gặp trường hợp một em kể về gia đình mình nhưng không hề nói đến bố. Một đồng nghiệp không trực tiếp dạy HS này đã phê ‘thiếu chi tiết nói về bố’ nhưng do biết bố em đã mất nên tôi đề nghị cô giáo xem xét lại bài viết.

Theo tôi, để các em có được những bài văn hay, giàu cảm xúc mà vẫn chân thật, đúng với lứa tuổi của mình, điều đó phụ thuộc phần lớn vào người GV. Các cô phải thực sự kiên trì và chủ động trong việc khơi gợi, dẫn dắt, định hướng các em trong việc hoàn thiện bài viết.

Cô Nguyễn Thu Hương (Hà Nội): "Nên để HS viết đúng nhưng gì cảm nhận về cuộc sống"

Tôi rất ủng hộ quan điểm nên để HS viết văn đúng như những gì các em suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống. Tuy nhiên, người GV cũng không thể để cho học sinh tưởng tượng quá tự do, miêu tả lệch lạc, không đúng với thực tế. Bản thân GV phải định hướng không để HS tưởng tượng quá tự do, mà vẫn đúng là cảm xúc, phong cách riêng của các em.

Đó mới là định hướng đúng của một giáo viên dạy văn. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho HS phát triển tư duy một cách sáng tạo, GV chỉ nên đưa ra những dàn ý khái quát. Quan trọng là định hướng tư duy.

Tôi ủng hộ việc GV để HS viết thật theo cảm xúc, suy nghĩ của mình, đặc biệt là đối với GV tiểu học. Nhưng cũng nên định hướng về tư duy theo chiều hướng đúng, chứ không phải để HS tưởng tượng, miêu tả một cách lệch lạc. Ví dụ như HS tả cánh đồng có hoa sữa thì sai rồi!

Bản thân người GV không thể để HS viết sai thế được. Nếu các con chưa được tiếp xúc với những khung cảnh, sự vật như thế thì GV phải dùng tranh ảnh, máy chiếu… để HS có thể hiểu được bằng trực quan.

Chương trình, giáo án môn Văn của Bộ cũng không bắt buộc GV phải dạy theo ý này ý kia, mà người GV phải chủ động. Trong các đáp án môn Văn của quận, Sở bao giờ cũng khuyến khích sự sáng tạo trong khuôn khổ, có cơ sở, chứ không phải sáng tạo quá, khiến người đọc cảm giác như… bịa thì cũng không được điểm.

Theo tôi, giáo viên phải đầu tư sử dụng các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, tài liệu… nhiều hơn nữa để HS có vốn sống thực tế, để HS thành phố biết được nông thôn thế nào và ngược lại. Nhiều trẻ nông thôn nhìn thấy Hồ Tây, hét lên “Ôi… biển”. Rõ ràng là các con không được tiếp xúc thực tế. Vậy thì bản thân giáo viên phải là người hướng dẫn, định hướng.

Cô Trần Thị Bích Hà: "Nên tôn trọng dù sự thật còn ngây ngô"

Đằng sau câu chuyện dạy văn miêu tả ấy là dạy cách cảm nhận con người, cuộc sống, là bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách các em. Việc học trò làm theo mẫu cô yêu cầu làm méo mó cách nhìn của cách em, dạy các em thói giả dối ngay từ thơ bé. Có thể nói như thế là phản giáo dục, là có tội!

Là GV văn, tôi tôn trọng sự chân thật, có thể còn ngây ngô, vụng về của các em. Đọc bài học trò viết mà đều giống văn mẫu và giống như cô hướng dẫn cả thì chán lắm.

Có lần tôi đã quăng bút chấm bài vì đọc bài HS viết y như nhau. Nhưng có điều là các em viết chân thật thì HS và phụ huynh phải chấp nhận điểm không cao, GV dạy không giỏi, tỷ lệ HS khá giỏi thấp, thành tích của trường kém. Điều này lại không mấy ai chấp nhận. Nhưng như thế mới bền vững. HS sẽ tiến bộ dần qua các cấp học. Xã hội ta bây giờ, ai cũng muốn có thành tích nhanh, càng sớm càng tốt.

Để cải thiện điều này, từ cấp lãnh đạo phải quyết liệt chống "bệnh thành tích", phấn đấu thành tích thật.

  • Nguyễn Thảo (ghi)