Giáo sư Vũ Hà Văn (ĐH Yale - Mỹ, chuyên gia hàng đầu thế giới về toán rời rạc) không chỉ trăn trở về việc đào tạo thế hệ kế cận của nền toán học Việt Nam, mà còn thử giải bài toán lương cho giáo viên, nguồn thu cho truờng học...
GS Vũ Hà Văn |
Phá cách để đãi ngộ người giỏi
Thưa giáo sư, nguồn để tạo nên đội ngũ làm toán kế cận cũng không hẳn là thiếu, vấn đề là nhiều tiến sĩ toán của ta được đào tạo ở nước ngoài, nhưng khi về nước làm việc, họ không có thời gian nghiên cứu mà phải đi dạy thêm, đi luyện thi ĐH...
Thực trạng này là do chế độ trả lương của chúng ta. Lương chính thức của giáo sư ở các trường ĐH công rất thấp. Không hiểu ngân sách thiếu thôn đến mức không thể trả được lương đủ sống cho các giáo sư hay phân bổ tiền không khoa học? Trong khi đó, một số trường tư lại trả được mức lương khá cao cho người giảng dạy.
Nhiều ngưòi cho rằng để tăng nguồn lực trả lương cho giảng viên các trường ĐH nên nỗ lực khai thác ở những kênh khác, chẳng hạn thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng. Giáo sư nghĩ sao?
Nếu làm được như vậy cũng rất hay. Nhưng ta cũng cần đề phòng. Vấn đề là sản phẩm làm ra có phải lúc nào cũng là thành quả khoa học mới không, hay chỉ là ứng dụng công nghệ? Về lâu về dài, vẫn rất cần đầu tư dài hơi từ Chính phủ hay các công ty lớn cho các ngành nghiên cứu cơ bản. Ở Mỹ chẳng hạn, kinh phí cho hệ thống ĐH công chủ yếu dựa vào chính phủ liên bang và bang. Công bằng mà nói, lương trung bình của giáo sư ở các nuớc phương Tây cũng không cao, so với mức sống ở nước sở tại. Lương khởi điểm của một kỹ sư làm cho một hãng tên tuổi có thể gấp đôi lương của một giảng viên mới có bằng tiến sĩ. Nhưng quan trọng là dù không cao, mức lương đó đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Với những người nghiệp nghiên cứu thì bắt đầu như vậy là đủ.
Một trong nhiều nguyên nhân khiến lương giáo viên thấp là do nguồn ngân sách hạn hẹp. Giáo sư thử vận dụng các công cụ toán ứng dụng của mình để giúp Chính phủ làm một bài toán về lương, vừa phù hợp quỹ lương của nhà nước, vừa thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm?
Đây là một câu hỏi lớn và rất khó có câu trả lời ngắn gọn. Lương là một bài toán chung của cả xã hội, chứ không riêng gì ngành sư phạm hay khoa học. Sự vô lý trong hệ thống lương ở nước ta dẫn đến nhiều bất cập. Chảng hạn, bổng nhiều hơn lương. Nhưng một khi bổng nhiều hơn lương thì thu nhập không phụ thuộc nhiều vào mức cống hiến nữa, mà vào nhiều yếu tố khác. Bổng lộc đi liền với chức vụ, không khó gì để suy ra những tiêu cực có thể xảy ra từ đó.
Nếu một trường ĐH có được sự độc lập về tài chính, thì bằng mọi cách, kể cả dùng những đãi ngộ rất đặc biệt, họ sẽ tìm cách mời các nhà chuyên môn giỏi về với mình, vì chỉ có những người đó mới có thể giúp cho ngôi trường tồn tại và phát triển. Đó là động lực tạo ra sự cạnh tranh về tay nghề, kiến thức giữa các cá nhân, và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường học. Nước Mỹ, với cách làm đó, đã và đang thu hút được chất xám từ khắp noi trên thế giới. Nếu nhiều nước trả lương theo thâm niên hay học hàm thì ĐH Mỹ trả lương theo năng lực.
Cần phân chia tiền hợp lý
Chi phí cho giáo dục của mỗi người dân hiện nay rất lớn, trong khi học phí rất thấp, đặc biệt là bậc phổ thông. Chẳng hạn, việc học sinh Hà Nội phải đi học thêm là phổ biến mà phí học thêm không hề rẻ. Tiền học thêm một buổi (90 phút) của một học sinh phổ thông thường gấp đôi tiền học phí một tháng mà em đó phải đóng cho trường phổ thông công lập. Đó là chưa kể những lớp học thêm đặc biệt mà học phí mỗi buổi của mỗi học sinh là hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng. Giáo sư nghĩ sao về hiện tượng này?
Đúng là ở Việt Nam, số tiền xã hội và cá nhân đóng góp vào việc học ở phổ thông rất lớn, nếu tính theo phần trăm thu nhập của người dân. Trong trường phổ thông, do lương cơ bản thấp nên nói chung nhiều giáo viên phải dạy thêm. Thật ra, đây là một cách xã hội tự cân bằng. Xét về lợi ích của người đi học, việc học thêm không có ý nghĩa nhiều khi mà ai cũng đi học thêm giống nhau, về thực chất, nó giống như việc học sinh phải nộp thêm một khoản học phí khác, nhưng thay vì nộp cho nhà trường thì nộp trực tiếp cho giáo viên.
Nếu ta tạo được điều kiện cho sự tự cân bằng đó điền ra một cách qui củ hơn, thì sẽ có lợi cho cả người dạy và người học. Tiền sẽ được phân bổ đều hơn. Còn trẻ con đỡ được cái cảnh học thêm ngày đêm và bố mẹ suốt ngày phải chạy vạy đưa đón.
Người Mỹ có một cách tương đối hữu hiệu để vận hành các trường phổ thông. Để có nguồn kinh phí nuôi một ngôi trường, người ta thu thuế của những người sống trên địa bàn trường đóng. Nếu bạn có một ngôi nhà ở thị trấn X thì hằng năm bạn sẽ phải đóng một khoản thuế (khoảng 3% giá trị của ngôi nhà) cho chính quyền địa phương. Khoản này hoàn toàn riêng biệt với thuế thu nhập phải đóng cho chính quyền bang và liên hang. Số tiền thu được được chính quyền địa phương (cỡ tương đương một phường hay một xã ở Việt Nam) dùng cho mọi việc trong đó chủ yếu là chi phí giáo dục. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, chính quyền địa phương sẽ tìm mọi cách tiêu số tiền này một cách hữu hiệu nhất. Thuê các giáo viên giỏi, hay tu sửa trường lớp. Tiền thuế phải đóng cũng tăng, giảm tùy theo năm, theo mức chi phí.
Như vậy, người dân trực tiếp đóng góp cho việc học của con em mình, cũng như ở Việt Nam nhưng không phải trả trực tiếp cho giáo viên (thông qua đi học thêm) mà thông qua chính quyền địa phương. Được cái là cách vận hành của chính quyền của chính quyền địa phương của họ đơn giản và minh bạch, vì đây là cơ quan gần dân nhất. Tất cả các khoản thu – chi hằng năm, thậm chí hằng quý được gửi đến cho từng người dân để xem và cho ý kiến. Nếu công trình nào quá tốn kém, dân cả vùng sẽ đi họp và bỏ phiếu. Cơ quan địa phương làm việc có trách nhiệm, chi tiêu dè sẻn và không có tham nhũng.
Với chính sách thu thuế để đầu tư cho giáo dục như vậy thì một người có nhà trên địa bàn mà không có con cái trong độ tuổi học phổ thông vẫn phải đóng góp?
Đúng vậy. Rất nhiều gia đình khi con cái đã học xong phổ thông, bố mẹ sẽ chuyển đi nơi khác, tới một ngôi nhà nhỏ hơn với mức thuế thấp hơn. Vùng nào có nhà máy, có công ty lớn đóng thì những đơn vị đó phải đóng thuế tương đối nặng. Nhờ thế, người dân trong vùng đó được giảm thuế mà trường học vẫn tốt. Tất nhiên, với mô hình này, sự chênh lệch lớn giữa những thành phố nghèo và những thành phố giàu là điều không tránh khỏi. Ở những vùng mức sống còn thấp, kinh phí của chính phủ đóng vai trò chủ yếu.
Cảm ơn giáo sư
Khi đánh giá nền toán học Việt Nam, chuyện thứ hạng hay được nhắc đến. Thật ra, thứ hạng đó có ý nghĩa rất tương đối, ta không nên bận tâm nhiều. Cái mà chúng ta cần quan tâm nhất hiện nay là đào tạo thế hệ kế cận. Thế hệ các nhà toán học hàng đầu ở Việt Nam hiện nay như GS Ngô Việt Trung chỉ khoảng chục năm nữa là nghỉ hưu, trong khi thế hệ kế cận còn móng, chất lượng giảng viên toán còn khiêm tốn. |
(Theo Qúy Hiên/ Báo Xuân Tiền Phong)