Mỗi lần dắt con về chúc Tết bà con ở quê, anh chị tôi không khỏi xấu hổ vì mấy trò làm mình làm mẩy của bé Thư. Con bé được cô giáo dạy câu chúc Tết rất có vần điệu, khiến ai nghe xong cũng bật cười, khen ngợi.

Ảnh minh họa: Ngô Trường

Chúc xong, bé Thư liền hỏi: “Bao lì xì của con đâu?”. Nhà nào không chuẩn bị sẵn hoặc giả lơ, thế nào con bé cũng nhăn nhó, làu bàu, “chúc Tết rồi mà chẳng được gì hết”, khiến gia chủ sượng trân. Khi được lì xì, bé Thư liền mở bao ra. Mới ba tuổi, chưa nhận biết con số, nhưng bé biết tờ tiền nào lớn nhỏ. Nếu là tờ xanh (100 ngàn), nó thản nhiên cho vào bóp, vứt cái bao rỗng lên bàn. Nếu là tờ đỏ (50 ngàn), sẽ có màn giậm chân, bí xị. Ba mẹ nó phải rút ra “tờ xanh” để bù lỗ, con bé mới tươi trở lại.

Nhiều người ở quê thu nhập mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn, lì xì cho con cháu 10 ngàn đã là quý. Biết tính con, lần nào đi chúc Tết anh chị tôi cũng thủ sẵn vài phong bao để dòng họ lì xì lại cho con bé. Nhiều người gượng gạo vì cái trò lì xì giả, người thì giận vì tự ái. Đầu năm mà phải chứng kiến mấy cảnh khó coi, khiến chẳng ai muốn mở cửa đón tiếp vợ chồng anh. Biết con mình gây khó chịu cho người khác, nhưng anh chị tôi vẫn chưa có cách giải quyết hợp lý.

Tôi từng có lần rơi vào cảnh khó xử khi lì xì cho con của nhỏ bạn. Thằng bé nhận lì xì xong liền để lên bàn. Đến lúc ra về, nó liếc qua bao lì xì rồi đi thẳng ra cửa. Tôi nhắc thằng bé việc bỏ quên bao lì xì. Thằng bé bảo mẹ: “Mẹ cất đi, con cho mẹ đó”.

 Tôi cứ tưởng thằng nhỏ không biết xài tiền, ai dè mẹ nó bảo: “Tại cậu không biết đó thôi, ba nó mở tài khoản cho nó ở ngân hàng. Mỗi lần nộp vào vài triệu. Nó cần xài thì cứ lấy thẻ ra quầy ATM ở cổng trường rút tiền. Ba nó bảo đó là cách dạy con tự quản lý tiền bạc, tính toán thu chi. Thằng nhỏ học được gì không biết, cứ thấy ba nó phải nộp tiền vào tài khoản. Ba nó thì khoái lắm, bảo nó còn nhỏ xíu mà đã giống cha, rất có phong cách đại gia. Mấy bao lì xì này đời nào nó thèm lấy”…

Trước đây, người lớn lì xì cho trẻ con là để mừng trẻ được tuổi mới, mong cho trẻ mạnh khỏe, may mắn đầu năm. Số tiền lì xì cũng chỉ là tượng trưng. Giờ, tục lì xì đã và đang biến tướng rất tệ hại: nhân viên lì xì cho con sếp là để lấy lòng sếp, phụ huynh lấy lòng giáo viên…

Bao lì xì phải “chất lượng” thì mới có giá trị, công việc mới trôi chảy. Những đứa trẻ thay cha mẹ chúng nhận quà nên rất khoái. Nhiều đứa còn sành tới mức, mới cầm phong bì đã biết ngay nhiều hay ít. Thêm vào đó, trẻ thời nay được cha mẹ cho xài tiền rất sớm nên đã biết so sánh, đánh giá giá trị của phong bì. Tính cách và tâm hồn trẻ vì thế không tránh khỏi bị hoen ố và ảnh hưởng tiêu cực.

Bao lì xì chỉ nên đơn thuần là món quà mừng tuổi mới cho con trẻ, không nên nặng tính toán, dễ khiến những đứa trẻ bị lôi kéo vào những mưu toan của người lớn, đầu độc những tâm hồn ngây thơ.

Cha mẹ cũng nên giải thích ý nghĩa của việc chúc Tết và nhận bao lì xì, để trẻ hiểu rằng, nhận lì xì là nhận lời chúc may mắn, nhận tình thương yêu của người trao.

(Theo Thùy Nguyễn/ Phụ Nữ TP.HCM)