- Người Việt ở thành phố Oxford (vương quốc Anh) là một cồng đồng rất nhỏ, chủ yếu
là sinh viên Việt Nam đang học tập tại Oxford. Tết Việt ở đây rất đa dạng với nhiều
hình thức tổ chức khác nhau mang đậm nét đặc trưng của những người con xa quê hương.
Tết Nguyên Đán là một thời điểm đặc biệt nhạy cảm, vô cùng dễ thổn thức đối với cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, những hình ảnh chuẩn bị Tết ở Việt Nam được chia sẻ nhanh chóng khiến những người con xa quê nguôi đi phần nào nỗi nhớ.
Hội HSSV ở Oxford đón Tết cùng bạn bè quốc tế |
Với các bạn sinh viên Việt Nam (khoảng 20 người) đang sống và học tập ở thành phố Oxford Vương quốc Anh, Tết là một dịp để tụ tập cùng nhau nấu xôi gấc, nấu miến, làm gà xé phay, trộn củ kiệu, bánh đậu xanh, cùng nhiều món ăn cổ truyền khác để mời các bạn sinh viên quốc tế đến tham dự.
Trước Tết vài tuần, các bạn sinh viên gửi cho nhau những tin nhắn qua Facebook để hẹn ngày giờ nấu nướng. Đây là phần vui nhất của bữa tiệc vì sinh viên có cả người Nam kẻ Bắc, mỗi người lại mang đến những món ăn đặc trưng Tết của từng vùng miền. Câu chuyện diễn ra rôm rả bên nồi miến nấu bốc khói thơm phưng phức... Hình thức này gọi là potluck - một bữa tiệc được tổ chức bởi sự đóng góp của mỗi khách tham dự.
Đại diện hội sinh viên Việt Nam ở Oxford (tên tiếng Anh viết tắt là VOX) đứng lên giới thiệu về ngày Tết, những món ăn đặt trên bàn, những phong tục và hoạt động thường diễn ra trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Những tiếng nói cười rôm rả, cùng những tiếng zô nâng ly chúc một năm mới may mắn hạnh phúc. Ngoài việc tổ chức Tết để giới thiệu văn hóa Việt Nam, thì tiền vé thu được từ bữa tiệc sẽ được dùng cho mục đích từ thiện để gửi về Việt Nam. Đây là một trong chuỗi các hoạt động gây quỹ của sinh viên Việt Nam ở Oxford. Các bạn sinh viên còn rất nhỏ tuổi (chủ yếu đang học Đại học) nhưng rất có ý thức trong việc tổ chức, tiết kiệm, không cầu kỳ, không lãng phí.
Người Việt cùng các bạn nước ngoài đón Tết tại nhà |
Còn những gia đình sống ở Oxford, Tết là dịp để tự tay làm các món ăn mang đậm hương vị cổ truyền. Nấu ăn là một cách hay để thấm thía công ơn cha mẹ đã tự tay chuẩn bị biết bao cái Tết từ khi ta còn thơ bé. Trong quá trình chuẩn bị không thể thiếu những câu chuyện về tuổi thơ ngồi quanh nồi bánh chưng, hay cùng nhau đi hái lộc đầu xuân. Gia đình anh Minh năm nay quyết định làm món giò thủ, nem rán và bò bắp luộc mắm...
Nhiều gia đình chọn tổ chức Tết là tự làm một số món ăn rồi mời vài người bạn thân đến nhà. Hình thức này khá giống ở Việt Nam khi chỉ có một vài người bạn thân cho không khí thân mật và ấm cúng. Những món ăn được bày ra, rượu sâm banh khui nổ báo hiệu một năm mới tốt lành, những câu chuyện về sự tích bánh chưng bánh dày, trời tròn đất vuông, ý nghĩa các món ăn, những phong tục cổ truyền như tục xông đất, khai chữ ngày xuân, lì xì cho trẻ nhỏ được chủ nhà nhiệt tình kể cho những người bạn nước ngoài để họ hiểu về Tết Việt Nam. Đây cũng là một dịp tốt để hiểu hơn về văn hóa vì mỗi nước có những cách riêng đón năm mới nhưng cũng có những điểm tương đồng.
Mâm cúng ngoài trời đơn giản đêm 30 Tết |
Ví dụ ở Việt Nam nhiều gia đình tự gói bánh chưng rồi quây quần bên bếp lửa nghe kể chuyện xưa. Ở Anh các gia đình cũng tụ tập làm bánh pudding (một loại bánh tráng miệng) và coi đó là cách để giao lưu trò chuyện với nhau...
Dù tổ chức dưới hình thức nào thì Tết cũng là một dịp đặc biệt để hướng về tổ tiên ông cha, về các giá trị văn hóa, cội nguồn dân tộc.
Tết Việt Nam ở nước ngoài cũng được tổ chức trên tinh thần nhỏ gọn, giản đơn, không cầu kỳ. Tết là một dịp về dặn lòng mình hướng về quê cha đất tổ, để nhắc mình dù đi đâu về đâu vẫn là người con đất Việt, vẫn thương vẫn nhớ quê hương đến khôn nguôi, vẫn se sắt lòng khi nghe bài hát "Xuân này con không về"....
Oxford, Tết Quý Tỵ
- Huyền Trần