- Trước đề xuất "Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979
đã đủ độ chín để viết rõ trong sách giáo khoa (SGK)" - Nhà sử học Dương Trung
Quốc đã có trao đổi với độc giả VietNamNet.
Quên là đánh mất chính mình
- Nói cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979, GS.TS Đỗ Thanh Bình đến từ khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng “Cuộc chiến bảo vệ biên giới nay đã được hơn 30 năm, đã đủ chín muồi để đưa vào SGK dạy cho học trò biết”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Quá khứ là điều không thể thay đổi. Đó là tồn tại khách quan. Nhưng tương lai có thể thay đổi được. Nhận thức quá khứ để phục vụ cho tương lai. Có một cách là ta quên nó (quá khứ-PV) đi, cố tình quên đi.
Ông Dương Trung Quốc |
Nhưng lịch sử là cái khách quan, không thể quên được....
Vậy nhìn quá khứ ấy bằng con mắt nào là quan trọng, để tìm được những bài học tốt, có ích cho tương lai để tạo dựng cho tương lai? Chúng ta phải chứng minh dân tộc mình là dân tộc rất muốn hòa hiếu với rất nhiều câu chuyện như Lê Lợi trả gươm, Thánh Gióng đánh xong giặc bay lên trời,…
Có hiện thực rồi, vấn đề chỉ là thái độ chúng ta đề cập như thế nào.
- Hội sử học Việt Nam đã bao giờ đề cập đến việc viết lịch sử cuộc chiến biên giới vào trong SGK dạy cho học trò chưa, thưa ông?
Đây không phải vấn đề của riêng chúng ta mà là vấn đề của nhiều nền lịch sử và các quốc gia trên thế giới. Đơn giản vì những cuộc xung đột, chiến tranh là hiện tượng không phải chỉ riêng chúng ta mới có.
Cách đây 20 năm, Hội sử học với hội giảng dạy lịch sử và địa lí Pháp cũng đã có đề tài chung, cũng nhìn nhận lịch sử có những vấn đề như vậy. Nhưng thái độ của nhà lịch sử, người dạy sử như thế nào? Chúng tôi thống nhất phải nhắc đến hiện thực ấy.
Đừng biến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là đặc thù. Bởi vì chúng ta đã có những cuộc chiến tranh chống lại các thế lực đến từ phương Bắc từ lâu rồi.
Việc đề cập đến cuộc chiến biên giới 1979 vào SGK có đòi hỏi riêng, đặc biệt ở tính chính thống. Nhưng đề cập như thế nào là việc của những nhà làm giáo dục, nhà chính trị, nhà ngoại giao phải ngồi với nhau để bàn thảo.
Ai cũng biết việc viết sách là rất hệ trọng, không thể tùy tiện và cảm tính được. Song phải xác định rõ mục tiêu nói chuyện chiến tranh để hướng tới hòa bình.
Tôi cho rằng khẳng định không được quên nó. Quên nó tức là đánh mất chính mình. Điều đó không đúng với truyền thống dân tộc.
Câu chuyện phải bàn kĩ...
- Trước đây, SGK của chúng ta đã đề cập đến cuộc chiến này nhưng rất giản lược, gói gọn trong vài dòng. Lần đổi mới SGK sắp tới nội dung đề cập trong SGK có cần phải thay đổi không, thưa ông?
Cần phải có sự cân đối lại. Việc dài ngắn như thế nào như đã nói không thể cảm tính được. Bên cạnh dài ngắn thì quan trọng nội dung cần truyền tải gì? Lịch sử bên cạnh hiện thực là tính ngụ ngôn, rút ra bài học gì. Nhờ đó ta có thể phát triển được, tình hữu nghị và những điều không mong muốn xảy ra.
Đây là câu chuyện rất khoa học, rất chính trị và phải bàn kĩ. Nguyên tắc là không thể bỏ qua. Đề cập với lưu lượng, định lượng và nội dung như thế nào phải bàn bạc kĩ, không thể che giấu sự thật.
Cũng cần phải cân đối với những kiến thức lịch sử khác hay phương pháp làm sao để học sinh không học quá tải và vẫn đáp ứng được mong muốn truyền tải của người viết sách.
- Thực tế là người trẻ luôn quan tâm lịch sử dân tộc. Bằng cách này hay cách khác họ vẫn có thể tìm đến quá khứ, phải không thưa ông?
Đúng vậy. Ngày nay, các bạn trẻ muốn quan tâm có nhiều công cụ phương tiện tiếp cận, quan trọng phương pháp khai thác, xử lí lịch sử như thế nào.
Tôi lấy ví dụ như chuyện thời sự các bạn trẻ làm video clip giải thích lịch sử theo cách của các bạn. Những người làm lịch sử chúng tôi có thể thấy băn khoăn về kiến thức của các bạn có thể không đúng theo quan niệm chính thống của mình. Nhưng trước hết phải hoan nghênh vì các bạn quan tâm, tìm tòi. Quan trọng tạo ra môi trường các bạn tiếp cận chính xác hơn, có lợi hơn. Sự tự giác tiếp cận có tác dụng mạnh mẽ hơn nhiều việc áp đặt.
Lịch sử là không thể né tránh....
- Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung (thực hiện)