- Gặp ông vào chiều đầu xuân mưa giăng rét lạnh giữa chốn Đà Thành ồn ào náo nhiệt. Ở tuổi 82, nhưng ông vẫn còn minh mẫn... Ông là nhà giáo Doãn Mậu Hòe - người thầy từng dạy cho 6 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong ký ức, ông giáo già vẫn nhớ như in những tháng năm đứng trên bục giảng....

Chân dung người "lái đò"

Có lẽ ít ai biết được rằng, trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối con hẻm 98 đường Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng là nơi lưu dấu nhiều kỷ vật về các vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam (thời kỳ 1954 – 1970).

Chủ nhân của những “món bảo bối” ấy là ông Doãn Mậu Hòe (sinh năm 1932, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), người thầy giáo của sáu vị tướng lừng lẫy một thời gồm: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu và Thiếu tướng Phạm Kiệt.

Ông nguyên là hiệu trưởng Trường văn hóa Quân khu V, Hiệu phó Trường Quân sự quân khu V, hiện ông là Phó chủ tịch Hội khuyến học TP.Đà Nẵng.

Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời dạy học cho các vị Tướng vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí thầy giáo già. Với ông, đó là khoảng thời gian in đậm nhiều dấu ấn kỷ niệm trong sự nghiệp 40 năm trồng người.

Trong ký ức của mình ông vẫn còn nhớ như in ngày đầu ông nhận công việc của một thầy giáo đứng lớp dạy cho 6 vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.

Với gần 40 năm vừa làm người lính vừa làm người thầy, ông đã dạy cho hơn 2.000 lượt sỹ quan. Ông tự hào "Đến bây giờ ngoài 6 vị tướng tui dạy, còn có hơn 21 học trò đã trưởng thành và trở thành các vị tướng đóng góp nhiều cho quân đội."

Ông để lại trong tôi ấn tượng thật nhẹ nhàng về mẫu người thầy của thế kỷ trước với những chuẩn mực mô phạm đáng kính...

Làm thầy nhưng lại là học trò

Bên tách trà, kỷ niệm về những tháng năm đứng trên bục giảng với tư cách là người thầy của nhiều vị tướng lừng lẫy vẫn vẹn nguyên như mới.

Ông bảo: “Trên bục giảng tui là người thầy. Nhưng rời bục giảng tui là học trò của học trò tui dạy…”

"Lúc tui làm thầy đứng trên bục giảng mới 25 tuổi. Còn học trò tui dạy có người đã gần 40 tuổi, từ chiến trường ra. Trong những học trò tui dạy có 6 vị tướng và nhiều vị cấp tá. Họ rất thông minh và kinh nghiệm sống hơn hẳn tui. Nhưng vì điều kiện chiến tranh họ không học đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, tui luôn tâm niệm khi đứng trên bục giảng là người thầy. Nhưng rời bục giảng tui là học trò của học trò tui là vậy...” - ông nhớ lại.

“Những ngày dạy học đầu tiên ở Tổng cục Chính trị, tui là một trong hai người trong tổng số 40 giáo viên được chọn để trực tiếp dạy học cho 6 vị tướng học văn hóa ở nhiều cấp học khác nhau như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học Toán, Lý, Hóa cấp II; Thiếu tướng Phạm Kiệt học Văn, Toán cấp I; Đại tướng Hoàng Văn Thái; Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo và Trung tướng Phạm Ngọc Mậu học Hóa, Lý cấp III…”

Hỏi chuyện ngày đầu nhận dạy lớp học đặc biệt này, ông thấy có lo không? Một chút đăm chiêu ẩn chứa vẻ khiêm nhường, ông nói: Lo chứ, dạy mấy vị tướng sao không lo, cả đêm mất ngủ đấy chứ. Nhưng rồi cái lo cũng qua nhanh. Bởi tui xác định đây là nhiệm vụ được giao nên phải hoàn thành.

Nhớ lại buổi đứng lớp đầu tiên khi trực tiếp dạy tướng Nguyễn Chí Thanh, ông dè dặt: Lúc đó tui mới 25 tuổi, còn tướng Nguyễn Chí Thanh đã hơn 38 tuổi rồi. Nhưng giây phút hồi hộp của thầy và trò cũng qua nhanh khi tướng Nguyễn Chí Thanh có ý kiến: "Ở lớp anh em gọi bằng thầy, còn khi hết học thì gọi nhau bằng anh em…”

Chuyện học của các vị tướng

Những lớp học của các vị tướng cứ thế trôi qua với người thầy ít tuổi hơn mình rất nhiều. Tôi hỏi 6 vị tướng có học chung 1 lớp? - ông cho biết: “Sáu vị tướng không học chung một lớp mà học riêng theo giờ qui định.”

“Tướng Nguyễn Chí Thanh một mình đến cơ quan để học từ cấp 2 lên; ông Hoàng Văn Thái, Phạm Ngọc Mậu ở cùng nhà, học chung chương trình; ông Song Hào và Lê Quang Đạo ở cùng nhà cũng học chung với nhau; Ông Phạm Kiệt thì lại học riêng một mình. 

Tùy tình hình cụ thể, tui xếp lịch học trong tuần, vừa đảm bảo công tác chung, vừa có thời gian học và làm bài của các thủ trưởng. Nói là lớp, nhưng thực tế là học theo kiểu thầy kèm trò giống như kiểu thầy giáo làng. Nhưng mỗi buổi học tui chuẩn bị giáo án, giờ học, giờ nghĩ, giờ kiểm tra cụ thể…” - Nhà giáo già Doãn Mậu Hòe nhớ lại.

Buổi học đầu tiên diễn ra tại nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (số 116 phố Lý Nam Đế, TP. Hà Nội) đã không như những gì ông tưởng. “Tuy đã là tướng, là thủ trưởng, cấp trên nhưng khi bước vào giờ học, các vị ấy rất nghiêm túc, giữ đúng khuôn phép thầy – trò.

Có gì không hiểu, họ giơ tay phát biểu, hỏi ý kiến thầy chứ không hề e dè, ngại ngùng. Sáu người đều rất chăm chỉ học hành và có ý thức tìm tòi, không ngừng bổ sung nguồn kiến thức” – ông nhớ lại.

Phút chạnh lòng...

Sau những câu chuyện gần gũi nói về học trò "đặc biệt" của mình - bỗng ông thở dài: "Giờ về hưu nhưng đôi lúc cũng thấy chạnh buồn khi nhận được đâu đó thông tin trên báo chí trò đánh thầy, rồi thầy đánh trò. Chuyện dạy và học bây giờ đôi lúc thấy cảnh thầy không ra thầy, trò không ra trò…"

Nỗi buồn nhân thế mà như lời ông bảo là do ảnh hưởng của kinh tế thị trường. Rồi ông nói: Giáo dục ngày nay khác xưa nhiều lắm. Cái sự khác xưa như ông nói đó là nghiệp làm thầy ngày nay không còn sự trong sáng vô tư như cái thời ông đứng trên bục giảng?


  • Vũ Trung - (clip Xuân Quý)