“Nổ” chơi cho vui (hay còn gọi là “chém gió”, “quăng bom”...) đang trở thành một thói quen phổ biến ở một bộ phận bạn trẻ hiện nay. Hầu hết đều cho rằng đây là thú vui vô thưởng vô phạt và không có gì đáng lo ngại.


“Ngồi trò chuyện với nhau mà không có màn “chém gió” thì đời còn gì vui. “Nổ” ở người trẻ giống như ăn cơm phải có hoa quả đi kèm ấy mà” - Hoàng Hiệp (24 tuổi, chuyên viên ngân hàng) phẩy tay, ví von.

"Về bản thân người “nổ”, “đã đâm lao sẽ phải theo lao”, càng “nổ” họ càng đánh mất sự tự tin vào chính mình. Và rốt cuộc những người nói xạo sớm muộn gì cũng bị mọi người xa lánh vì mất niềm tin, bởi “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chính vì thế, họ sẽ bỏ lỡ và đánh mất cơ hội có được tình bạn, sự hợp tác, cơ hội trong cuộc sống từ mọi người xung quanh"

ThS xã hội học Phạm Thị Thúy

"Bom tấn" loại nào cũng có


“Nhỏ Xuân là hoa khôi trường VL, vậy chứ đẹp trai con bà hai như tui cưa là đảm bảo “đổ” à nghen”, “Chán ghê, tối qua đi shopping lỡ hứng tay cà thẻ đi tong mấy chục triệu”... - đó là những câu “chém gió” mà bạn bè của Q.Phong (22 tuổi, Q.1) thường nghe anh nói mỗi khi mọi người có dịp hàn huyên cùng nhau. Đối với bạn bè thân, những câu nói trên của Q.Phong thường giúp không khí buổi gặp mặt thêm sôi nổi, gần gũi. Một số khác cho rằng ở một chừng mực nào đó, điều này cũng tạo nên nét duyên ngầm ở anh chàng. Ý thức được điều đó, Q.Phong ngày càng tự tin và lạm dụng khả năng này.

“Lương mấy công ty đó “bèo” quá nên tui chẳng dại đầu quân vào. Tui đang cân nhắc lời mời từ một số công ty khác”, “Mấy cái này dễ òm, tui làm một buổi là đảm bảo đâu vào đấy ngay”... - M.Hùng (25 tuổi, tốt nghiệp ngành thiết kế web) lại có thói quen tự “đánh bóng” bản thân trước bạn bè cũ. M.Hùng cũng từng khiến nhiều đồng nghiệp ganh tị vì anh sở hữu album hình chụp chung với rất nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng... kèm theo lời khẳng định chắc nịch: “Mấy người đó đều là họ hàng của tui hết!”.

Thời học đại học, Bùi Ly (25 tuổi, quê Bình Dương) từng khiến nhiều bạn bè kinh ngạc với lối ăn diện ngất trời, xài tiền hệt như tiểu thư con nhà giàu. Ly thường tự hào khoe gia đình làm nghề kinh doanh và hạnh phúc khi được gắn mác “nữ hoàng hàng hiệu”, “cô gái sexy”...

Mọi chuyện chỉ vỡ lỡ khi cha mẹ của Bùi Ly áo sờn vai, từ dưới quê đột ngột xuất hiện tại lễ tốt nghiệp của con gái (dù cô cố giấu tiệt người thân thông tin về ngày trọng đại này). Danh hiệu “nữ hoàng hàng hiệu” sau đó trở thành “nữ hoàng quăng bom”, một số bạn bè thậm chí cười khẩy: “Chắc là nó được “đại gia” nuôi!”.

“Nổ” quá sẽ có sát thương!

Tiếng xấu về chuyện “quăng bom” theo Bùi Ly từ lúc tốt nghiệp đến tận khi cô đã trở thành một nhân viên mẫn cán. Bùi Ly hiện luôn phiền muộn về lỗi lầm của quá khứ, bởi “Thời đó do quen “nổ” về bản thân nên tôi chẳng dám kết thân với ai. Chỉ được sống trong vỏ bọc hào nhoáng thời gian ngắn mà giờ nỗi dằn vặt cứ kéo dài mãi” - Bùi Ly rầu rĩ nói.

Tương tự, M.Hùng cũng nhanh chóng trở thành “siêu anh hùng chém gió” trong mắt người thân. “Lúc trước cứ ngỡ nói chơi cho vui chẳng có hậu quả nghiêm trọng gì, vậy mà...” - M.Hùng nhớ lại những lần bẽ mặt vì bị bạn bè vạch mặt do “nổ”. Năng lực ở mức trung bình khá nên M.Hùng phải rất vất vả để kiếm được những cơ hội làm việc trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Trái đất tròn, M.Hùng sau đó trở thành đồng nghiệp của một người quen nên năng lực, mức thu nhập thực tế cũng như mối quan hệ “ảo tung chảo” với giới showbiz đều bị bóc mẽ.

Không quá nghiêm trọng như trường hợp M.Hùng hay Bùi Ly, anh chàng Q.Phong chỉ rơi vào tình trạng mà như anh tả: “Mọi người hiện giờ chỉ tin khoảng 50% điều tôi nói”. Đã vài lần Q.Phong chạnh lòng khi bản thân có tâm sự và cập nhật tâm trạng thật trên Facebook, nhưng bạn bè ít ai quan tâm vì cho rằng anh chỉ cố tình làm quá cho vui.

Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, việc “nổ”, nói xạo - dù ở dạng vô hại hay dạng có thể gây nguy hại - đều xuất phát từ việc người nói hoặc muốn mua vui, muốn “tỏa sáng” hay vì mục đích riêng có lợi cho họ.

ThS Trang Nhung cho rằng trong cuộc sống đôi khi cũng cần có những câu nói quá... vì ở một chừng mực nào đó điều này sẽ giúp cuộc sống thêm thú vị, hài hước. Nhưng ngược lại, theo bà, khi “nổ” quá nhiều, người nói sẽ tạo cảm giác nghi ngờ cho những người xung quanh và có thể dẫn đến chuyện chẳng ai tin họ, kéo theo giá trị bản thân bị suy giảm.

Đồng tình với quan điểm của ThS Trang Nhung, ThS xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ sự nói quá, phóng đại nhằm mục đích “đánh bóng” bản thân của người “nổ” sớm muộn gì cũng sẽ lộ diện. Khi những giá trị “thật - giả” bị phơi bày, kéo theo đó sẽ là sự ê chề, xấu hổ.

Theo nhận định của ThS Thúy, việc “quăng bom”, nói quá “làm màu” là căn bệnh khá phổ biến hiện nay ở người trẻ. Nguồn gốc của căn bệnh là do nhận thức sai về giá trị bản thân. Họ thường có suy nghĩ nếu nói về bản thân, khoác lên mình những giá trị ảo như sự giàu có, sự quen thân VIP, làm nơi sang... là mình sẽ tăng giá trị trong mắt người khác, sẽ “oách” hơn. Nhưng thực chất họ chỉ “oách” hơn với những người cùng nhận thức sai như họ. Còn phần lớn mọi người đều biết giá trị thật của mỗi người là ở nhân cách, đạo đức, cá tính, tài năng, hành động...

(Theo Công Nhật - Bình Thanh/ Tuổi Trẻ)