Số liệu của Phòng giáo dục huyện An Lão (Bình Định) cho thấy, cả huyện hiện có 78 học sinh tiểu học và trung học cơ sở "ngồi nhầm lớp".

Một lớp ghép ở An Lão vừa dạy chính tả, vừa dạy làm toán

Có 66 học sinh THCS (trong đó có cả học sinh lớp 9) chưa làm tốt các phép tính cộng, trừ, nhân, chia và 12 học sinh tiểu học (kể cả lớp 3) chưa đánh vần thành thạo.

Những học sinh này vẫn được lên lớp hằng năm. Học lớp 8, lớp 9, nhưng nhiều em vẫn phải đi học lại vào buổi chiều bằng vốn kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5.

Một thầy giáo chủ nhiệm cấp THCS cho biết trong lớp có một số học sinh nay đánh vần còn i…a, không phân biệt được tên hoa hay tên thường, không hoàn thành các phép tính đơn giản như cộng, trừ. Vì vậy, các em phải học lại buổi chiều với các lớp từ lớp 1 đến lớp 5, tùy mức độ.

Một số trường học ở An Lão chữa cháy bằng cách cho những học sinh cá biệt buổi sáng ngồi học lớp 3, lớp 4 hay lớp 8, lớp 9, nhưng buổi chiều lại học lớp 1, hay lớp 5 để củng cố kiến thức như đánh vần, tập làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện An Lão, nói: “Nói có hàng trăm học sinh trên địa bàn huyện ngồi nhầm lớp là hơi “nặng”, bởi do đặc thù huyện miền núi, học sinh dân tộc thiểu số chiếm phần nhiều, nên trình độ tiếp thu của các em có yếu. Nhận thấy tình trạng này, một số trường học đã tổ chức các lớp học phụ đạo nhằm củng cố kiến thức thiếu hụt cho các em”.

Theo ông Bình, tình trạng trên đã được ngành giáo dục xác định là do một số học sinh thiếu ý thức tự học, tự rèn, khả năng tiếp thu hạn chế; thiếu sự quan tâm của gia đình, còn khoán trắng cho nhà trường. Trong quá trình học, các em học sinh dân tộc thiểu số bắt nhịp chậm, phát âm không rõ tiếng Việt, viết sai chính tả…

Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số không qua mẫu giáo, nên việc đánh vần phải học lại từ đầu khi theo học lớp 1, trong khi đó, các bạn khác thành thạo nhờ quá trình rèn luyện ở trường mầm non. Quá trình chuyển, lớp từ bậc tiểu học lên trung học cơ sở khiến nhiều em bỡ ngỡ, nên bước đầu các em tiếp thu kiến thức chậm.

Ông Huỳnh Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn An Lão, giãi bày: “Việc học sinh yếu kém ở trong nhà trường là điều không tránh khỏi. Một trường học, một lớp học có hai đối tượng học sinh khác nhau, nên quá trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Các em học sinh dân tộc thiểu số khả năng tiếp thu bài chậm, phải mất thời gian rèn luyện tiếng Việt…, nên nhiều em học lực yếu. Những học sinh yếu quá, nhà trường luôn tạo điều kiện tổ chức phụ đạo riêng cho các em”.

Chị Lê Thị Mai, một phụ huynh ở An Tân, An Lão, tâm sự: “Ở đây, gia đình nào cũng lo cái ăn hằng ngày trên nương rẫy, nên việc học của con cái tối lại chỉ nhắc nhở giờ học tập, chứ mình biết chữ đâu mà kiểm tra tụi nó. Cứ thấy con đến trường và học lên lớp đều đặn là gia đình vui rồi”.

Không riêng An Lão, các huyện vùng núi như Vĩnh Thạnh, Hoài Ân cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy cho học sinh. Tình trạng học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu bài chậm, đánh vần chưa thành thục, viết sai lỗi chính tả thường xuyên xảy ra.

Nhiều em không hoàn thành các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Kỳ học kết thúc, một số trường chữa cháy bằng cách cho học lại cùng lớp với các em lớp dưới.

(Theo Việt Hương - Thu Dịu/ Tiền Phong)