- Nếu làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi (nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Quy định đưa ra tại dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT trình làng xin ý kiến.
Ảnh Lê Anh Dũng |
Theo dự thảo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng quyết định cho phép thành lập, quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động giảng dạy...
Mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân vi phạm dự kiến là 50 triệu đồng và với tổ
chức là 100 triệu đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp: Buộc giải thể
cơ sở giáo dục hoặc chấm dứt hoạt động giáo dục; Buộc hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc
chấm lại bài thi...
Dự thảo nghị định cũng đề xuất phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thi thay hoặc thi kèm; chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh đang dự thi hoặc làm bài; đánh tráo bài thi hoặc tiếp tay cho người khác đánh tráo bài thi hoặc làm lộ bí mật số phách bài thi; viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi của thí sinh trái quy định; mang các vật dụng không được phép vào khu vực thi, chấm thi.
Nếu làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi (nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Theo dự thảo, nếu cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng; tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định là 5-10 triệu đồng; dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng bị phạt đến 20 triệu đồng và 30 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền.
Việc mở lớp để giảng dạy chương trình giáo dục mầm non trái phép có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Mức phạt cho hành vi vi phạm này ở cấp phổ thông là 10-20 triệu đồng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đến 30 triệu đồng...
Dự thảo nâng mức phạt lên khá cao đối với một số hành vi vi phạm. Cụ thể, phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục. Mức xử phạt tối đa tăng lên gấp 4 lần so với quy định hiện hành.
Theo đánh giá của Ban soạn thảo, sau khi được ban hành, Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP đã tạo lập khung pháp lý quan trọng cho việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục góp phần răn đe, phòng ngừa sai phạm trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục. Mặc dù vậy qua thực tế triển khai Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Khung tiền phạt quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP đến nay quá thấp, không đủ sức răn đe.
- Nguyễn Hiền