- Trước số liệu vênh nhau về tỷ lệ sinh viên (SV) ra trường có việc làm và thực tế thất nghiệp gia tăng - khiến dư luận đặt dấu hỏi: Tin ai?
>> Top 3 ngành vẫn tăng lương trong năm 2013
>> Bằng ưu xin việc không lương cũng khó
Thống kê mới đây của Bộ GD-ĐT, khoảng 70% SV ra trường (đối với khối công lập) tìm được việc làm trong năm đầu tiên, con số này ở khối ngoài công lập còn thấp hơn. Tuy nhiên, số liệu SV có việc làm mà các trường đưa ra hầu hết đều cao chót vót, trên dưới 90%, thậm chí là 100% như ĐH Lạc Hồng, ĐH Y Hải Phòng công bố.
Học viện Ngoại giao có tỷ lệ SV có việc làm sau một năm ra trường là 97-98% đối với hệ ĐH, 95% đối với hệ CĐ.
Tương tự, số SV ra trường có việc làm được ĐHQG Hà Nội công bố từ 60-85%, ĐH Kinh tế Quốc dân 75%. Con số này ở Trường ĐH dân lập Hải Phòng là 81,9% và ĐH Luật TP.HCM (khóa 2007-2011) là 94,4%...
Tuy vậy, số liệu khác từ các đơn vị thuộc hệ thống đào tạo nguồn nhân lực lại đưa ra một con số thấp hơn nhiều. Theo nghiên cứu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện vào tháng 8/2012, chỉ có 50% SV mới ra trường tìm được việc làm trong năm đầu tiên. Cũng theo trung tâm này, 60% nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên, trong khi 70% số người tìm việc làm chưa có kinh nghiệm.
Từ những con số trên có thể đặt ra một câu hỏi rằng liệu các trường có đang cố tình “khai khống” số liệu nhằm thu hút SV theo học trong bối cảnh các trường đua nhau mọc lên như nấm. Thậm chí nhiều trường ngoài công lập đang phải đối mặt với nguy cơ giải thể vì không có SV?
Thanh Hóa dẫn đầu tỷ lệ thất nghiệpBáo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013,
toàn tỉnh có 24.956 HS-SV đã tốt nghiệp chưa có việc làm. Trong đó trình độ trên ĐH
có 45 học viên, ĐH có 5.674 SV, CĐ có 6.845 SV, trung cấp chuyên nghiệp có 6.003 SV.
Còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề.
Bảng thống kê mới nhất về số HS, SV thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ở Thanh Hóa. Ảnh: Dân Trí |
Tỷ lệ thất nghiệp ngành Sư phạm của tỉnh này đứng đầu với 3.762 SV, tiếp theo là
ngành Công nghệ thông tin với 3.650 SV, sau đó lần lượt là các ngành: kinh tế, quản
trị kinh doanh, nông lâm – ngư nghiệp… SV thất nghiệp chủ yếu thuộc các huyện nghèo
như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Sơn.
Theo thống kê, hàng năm Thanh Hóa có tới 20.000 thí sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ và
TCCN - nhưng hiện Thanh Hóa cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về số SV thất nghiệp sau
khi ra trường.
Lao động phổ thông đắt hàng
Theo tìm hiểu của báo Lao động, tại sàn giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai – nơi mà các doanh nghiệp đang “khát” lao động phổ thông, trong số hơn 1.124 cơ hội việc làm được đưa ra thì có tới 70% là nhu cầu tuyển lao động phổ thông và chỉ có 8% cần trình độ ĐH, CĐ. Tuy vậy, ở một số công việc chỉ cần ứng viên tốt nghiệp phổ thông thì có tới 50% hồ sơ nộp vào đạt trình độ ĐH, CĐ.
SV chen lấn tại một sàn giao dịch việc làm ở Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý I/2013 của các doanh nghiệp tại Đồng Nai khoảng 20.000 lao động, nhưng chỉ tuyển dụng 800 người có trình độ đại học, 62 người có trình độ trung cấp - CĐ. Chủ yếu các DN tuyển dụng lao động phổ thông (1.000 người), lao động cho các doanh nghiệp tự đào tạo (6.000 người) và trình độ sơ cấp (6.000 người).
Còn tại TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố này chiếm 57,7%, nhu cầu tuyển dụng trung cấp và sơ cấp chiếm 22,3%, còn lại các công việc cần người tốt nghiệp ĐH, CĐ chỉ chiếm 20%.
Tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, các ngành nghề kỹ thuật chiếm ưu thế hơn cả do đơn vị tuyển dụng chủ yếu là các doanh nghiệp may mặc, giày da, điện tử… Đối với các vị trí như Kỹ sư, quản lý phân xưởng…, người lao động có thể nhận mức lương cao gấp 2, 3 lần công nhân nhưng lại đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm 2, 3 năm. Chính vì thế, nhiều cử nhân mới ra trường chấp nhận tìm kiếm những công việc khác để tích lũy kinh nghiệm.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện có nhiều ngành nghề thị trường lao động rất cần nhân lực nhưng nguồn cung lại không đáp ứng đủ nhu cầu, như: Cơ khí – luyện kim, nhân viên kinh doanh, nhà hàng – khách sạn, tư vấn – bảo hiểm, dịch vụ - phục vụ, điện tử - viễn thông, điện - điện lạnh... |
- Nguyễn Thảo (Tổng hợp)