Bài viết là những phân tích và quan điểm của phóng viên gốc Nhật Mariko Oi hiện đang làm việc cho BBC News.


Học sinh Nhật Bản hầu như không biết gì về sự kiện “phụ nữ giải khuây”

Người Nhật thường không hiểu tại sao các nước láng giềng lại hay hận thù những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong những năm 30 và 40. Nguyên nhân là do họ hiếm khi được học về lịch sử thế kỉ 20. Bản thân tôi chỉ biết được toàn bộ vấn đề khi ra khỏi nước Nhật và học tập ở Australia.

Từ thời người Homo erectus (người đứng thẳng) đến nay, 300.000 năm lịch sử chỉ được hệ thống giáo dục Nhật dạy trong một năm học. Năm 14 tuổi, lần đầu tiên tôi được học về mối quan hệ của Nhật Bản với thế giới bên ngoài.

3 tiếng mỗi tuần, 105 giờ một năm và chúng tôi học lịch sử thế kỷ 20 sau cùng.

Gần như không có gì ngạc nhiên khi các tiết học lịch sử ở một số trường không đề cập đến giai đoạn này và các giáo viên nói với học sinh rằng hãy đọc nốt cuốn sách nếu có thời gian rỗi.

Mới đây, khi trở về ngôi trường cũ – Sacred Heart ở Tokyo, các giáo viên nói với tôi rằng họ thường phải làm việc khẩn trương vào cuối năm học để đảm bảo có đủ thời gian dạy phần Thế chiến thứ 2.

“Khi tôi gia nhập trường Sacred Heart, cô hiệu trưởng yêu cầu tôi phải đảm bảo dạy hết mọi giai đoạn từ đầu đến lịch sử hiện đại” – cô giáo lịch sử lớp 8 của tôi nói.

“Chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với các trường anh em ở khu vực châu Á; vì thế, chúng ta muốn học sinh của mình hiểu về mối quan hệ lịch sử của Nhật Bản với các nước láng giềng”.

Tôi vẫn nhớ cách đây 17 năm, cô đã nói với cả lớp về tầm quan trọng của lịch sử chiến tranh Nhật Bản và khẳng định rằng nhiều căng thẳng về địa chính trị ngày nay cũng xuất phát từ những việc đã xảy ra trong quá khứ.

Tôi cũng nhớ mình đã từng tự hỏi tại sao chúng tôi không đi thẳng tới giai đoạn lịch sử này nếu như nó quan trọng, thay vì lãng phí thời gian vào kỷ nguyên Pleistocene.

Khi học tới giai đoạn đó thì chỉ có 19 trang trong tổng số 357 trang sách nói về các sự kiện từ năm 1931 tới 1945.

Có 1 trang nói về sự kiện Mukden (hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu Lý) mà lính Nhật đã cho nổ mìn một đường sắt ở Mãn Châu Lý năm 1931.

Có một trang dành để nói về những sự kiện dẫn đến chiến tranh Trung – Nhật năm 1937, trong đó có một dòng ở chú thích cuối trang nói về vụ thảm sát khi quân Nhật xâm chiếm Nam Kinh – hay còn gọi là “cuộc thảm sát Nam Kinh”.

Một câu khác nói về việc người Hàn và người Trung Quốc được đưa sang Nhật làm thợ mỏ trong chiến tranh. Một dòng khác cũng trong chú thích nói về những “phụ nữ giải khuây” – một lực lượng phụ nữ được tập hợp để phục vụ Quân đội Hoàng gia Nhật Bản.

Một câu khác nói về vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Tôi muốn biết nhiều thông tin hơn về những sự kiện này, nhưng lại không đủ nhiệt tình để đi sâu hơn vào từng chi tiết với quỹ thời gian rảnh rỗi của mình. Bởi dù sao tôi lúc đó vẫn đang là một cô gái trẻ, quan tâm nhiều hơn tới thời trang và các chàng trai.

Bạn bè tôi có cơ hội chọn môn Lịch sử thế giới khi lên lớp 11. Nhưng thời gian đó, tôi lại rời Nhật Bản sang sống ở Australia.

Sách giáo khoa Nhật Bản: Chỉ có một dòng chú thích về sự kiện Nam Kinh

Tôi nhớ là mình đã rất háo hức khi nhận ra rằng học Sử ở Australia - thay vì phải học toàn bộ các sự kiện theo thứ tự thời gian - chúng tôi chỉ tập trung vào một số ít các sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới.

Vì thế, bất chấp sự phản đối của giáo viên về việc tôi sẽ gặp khó khăn với một lượng tài liệu lớn được viết bằng tiếng Anh – ngôn ngữ mà lúc đó bản thân mới chỉ có thể dùng để giao tiếp, tôi chọn Lịch sử là một trong số các môn học để thi lấy bằng tú tài quốc tế.

Bài luận đầu tiên của tôi bằng tiếng Anh là về “sự kiện Nam Kinh”. Có nhiều lập luận trái chiều về những gì đã xảy ra. Trong khi người Trung Quốc nói rằng đã có 300.000 người bị hại và nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp thì một số người Nhật không chấp nhận cáo buộc đó.

Ông Nobukatsu Fujioka là một trong số những tác giả có sách viết về sự kiện này. Ông thừa nhận đã có nhiều người chết nhưng đó là chuyện đương nhiên phải xảy ra trên chiến trường, người Nhật không cố ý làm vậy. Tác giả theo chủ nghĩa dân tộc này cũng cho rằng những bằng chứng mà phía Trung Quốc đưa ra để chứng minh tội ác của người Nhật là chưa thực sự xác đáng.

Là một học sinh 17 tuổi, tôi không cố đưa ra một khẳng định chắc chắn nào về những gì đã xảy ra, nhưng việc đọc hàng chục cuốn sách về vụ việc này ít nhất giúp tôi hiểu tại sao nhiều người Trung Quốc vẫn cảm thấy oán hận về những việc làm của quân đội Nhật.

Trong khi học sinh Nhật Bản có thể chỉ được đọc một dòng về cuộc thảm sát này thì những đứa trẻ ở Trung Quốc được dạy từng chi tiết, mặc dù những thông tin này đôi khi bị chỉ trích là chống Nhật thái quá.

Vấn đề này cũng tương tự như khi nói về Hàn Quốc – quốc gia có hệ thống giáo dục tập trung nhiều vào lịch sử hiện đại của chúng tôi. Điều này dẫn tới việc nhận thức rất khác nhau về cùng một sự kiện ở các quốc gia chỉ cách nhau một giờ bay.

Một trong số những chủ đề gây tranh cãi nhất ở Hàn Quốc lại là vấn đề “phụ nữ giải khuây”.

Ông Fujioka tin rằng họ được trả tiền. Nhưng những người hàng xóm của Nhật Bản như Hàn Quốc và Đài Loan lại cho rằng những phụ nữ này bị ép buộc làm việc như những nô lệ tình dục cho quân đội Nhật.

Nếu không biết về những tranh cãi này, sẽ rất khó để hiểu tại sao một số tranh chấp lãnh thổ gần đây của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc lại dẫn đến những phản ứng gay gắt từ phía các quốc gia láng giềng của chúng ta.

Tương tự thế, người Nhật thường thấy khó hiểu khi các chính trị gia tới thăm ngôi đền gây nhiều tranh cãi Yasukuni – nơi vinh danh cả những tội phạm chiến tranh trong số các binh sĩ khác của Nhật Bản.

Tôi đã hỏi con cái của một vài người bạn và đồng nghiệp rằng chúng được học những gì trong suốt những năm phổ thông.

Cô sinh viên 20 tuổi Nami Yoshida và cô em gái Mai – cả hai đều là sinh viên ngành Khoa học – nói rằng chúng chưa từng nghe nói đến “phụ nữ giải khuây”.

“Cháu từng nghe nói về vụ thảm sát Nam Kinh nhưng không biết nó là gì” – 2 cô bé đều trả lời như vậy.

“Ở trường, chúng cháu học nhiều về những gì đã xảy ra từ rất lâu như thời kỳ samurai” – Nami nói thêm.

Cậu bé Yuki Tsukamoto, 17 tuổi thì nói rằng sự kiện Mukden và cuộc xâm chiếm của Nhật Bản vào bán đảo Triều Tiên cuối thế kỉ 16 đã giải thích tại sao Nhật Bản không gây được thiện cảm với các quốc gia trong khu vực.

“Cháu nghĩ việc một số người tức giận là có thể hiểu được vì không ai muốn đất nước mình bị xâm lược cả” – cậu nói.

Tuy nhiên, Yuki cũng không biết gì về “phụ nữ giải khuây”.

(Còn nữa)

  • Nguyễn Thảo (lược dịch từ BBC)