- Sự ra đi đột ngột của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội khiến những người dù chỉ một đôi lần gặp gỡ, quen biết đều bàng hoàng, xúc động.

Mất mát lớn cho ngành Sử

Anh Phạm Cao Quý, cán bộ Bộ Văn hóa-Thế thao-Du lịch, học trò khóa K43 khoa Lịch sử nghẹn ngào: “19h56 ngày 19/3 thầy ra đi. Thầy bị tai biến, chống chọi được hơn 10 ngày rồi đi. Mình và nhiều bạn cùng ở bên thầy những phút giây cuối của thầy”.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (Ảnh: facebook Đinh Việt Hải).

Nhiều người bạn, đồng nghiệp, học trò của thầy đều chung niềm xúc động không nói thành lời.

Sinh viên Trần Hoàng Hạnh chia sẻ: “Em được học với thầy 3 buổi. Đó là những buổi học lịch sử tuyệt với mà không bao giờ em quên được. Em cảm ơn thầy rất nhiều! Vĩnh biệt thầy - Người thầy em luôn kính trọng và yêu quý! Chúc thầy an giấc ngàn thu!”

Bạn Lệ Tuyết không khỏi xót xa: “Một mất mát lớn của ngành Sử Việt Nam”. “Thật xúc động, thật tiếc thương cho một một tấm gương sáng, một người thầy giáo mẫu mực đã dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, giảng dạy.

Tôi cũng là cựu sinh viên của Trường KHXHNV Hà Nội, mặc dù không học Khoa sử nhưng cũng được thầy lên lớp giảng 1 môn 3 trình. Xin được chia buồn cùng gia đình và những người thân của thầy. Em vĩnh biệt thầy, chúc thầy mãi yên giấc ngàn thu” – bạn Nguyễn Văn Khiên xúc động.

Thù lao quy thành bia và câu chuyện “còn dang dở”

Đạo diễn Trương Công Tú (VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam) nhớ lại: “Chưa bao giờ thầy nói không với những người làm chương trình Theo dòng lịch sử của VTV2. Có lẽ, như rất nhiều những giảng viên khoa sử khác, thầy hiểu tầm quan trọng của lịch sử và nhận thức rõ sự thờ ơ của mọi người.

Trong những cuộc thi Theo dòng Lịch sử năm cuối cùng, khán giả ngồi trong trường quay có khi vẻn vẹn chục người. Nhưng thầy vẫn quay xuống nói say mê, nói nhiều đến nỗi những người làm chương trình gặp khó khăn khi cắt để phát sóng.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (Ảnh: Facebook Lượm).

Thù lao đi làm với VTV quy thành... bia. Lần nào thầy cũng kéo cả nhóm ra quán, nhiều khi gọi cả sinh viên. Thầy nói rất nhiều, như dứt ruột ra.

Rồi anh Tú nhớ lại những lời khuyên chân tình, thẳng thắn của thầy. Một trưởng khoa Lịch sử lúc nào cũng giản dị chân thành như một người bạn tri kỷ. Dân dã - Thực tế.

Hơn 10 năm nay từ khi cộng tác với thầy, mình đã học được bài học lớn nhất về nghề mà cũng là về kinh doanh. Có thêm một khách hàng là có thêm 100 khách hàng. Có thêm một người yêu lịch sử, chia sẻ khát vọng là có thêm cơ hội lôi kéo biết bao người đi cùng hành trình tìm kiếm những bài học và giá trị từ quá khứ. Bởi vậy, dù thế nào cũng không được cho phép bản thân bỏ lỡ một cơ hội nhỏ! Thản nhiên chấp nhận nhiều người cười khi say mê nói về những bài học quá khứ.

Cuộc nói chuyện cuối cùng với thầy về việc đưa chương trình Văn hóa và Cuộc sống vào trường ĐH rồi xuống các trường... sao cho hợp lý. Nhưng đó mãi mãi là cuộc nói chuyện dở dang...

“Choáng” vì độ thẳng thắn của thầy

Trên Facebook cá nhân, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội - Phan Kiền chia sẻ câu chuyện của bản thân:

"Một lần gặp thầy giữa sân trường, chào thầy, thầy vẫy tay lại hỏi: "Ông có phải ông Kiền ở khoa Báo không"? "Dạ vâng, em đây ạ"! "Này, tôi bảo nhé, ông gửi cho tôi bài báo khoa học và bắt phản biện trong vòng 1 tuần thì tôi đọc thế nào được. Bảo mấy cái đứa hay đi xin xỏ để đăng bài ấy, lần sau muốn xin xỏ thì giao cho người khác nhé".

Mình choáng nặng vì độ thẳng thắn của thầy nhưng thấy hả hê trong lòng vô cùng vì vốn ghét mấy vị đi xin xỏ phản biện để được duyệt nhanh và đồng ý đăng bài trên tạp chí. Mới thấy thầy "nghênh ngang" giữa sân trường đó, hôm nay đã phải tiễn thầy về chín suối. Kính chúc thầy ngàn thu an giấc. Vĩnh biệt thầy, PGS. TSKH. Nguyễn Hải Kế.

Lời cuối....

Phó trưởng Phòng Đào tạo (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) Đinh Việt Hải chuyển cho tôi bài phát biểu của thầy Kế dịp khai giảng năm học 2012-2013.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (Ảnh: Facebook Lượm).

Có thể coi đó là lời tâm sự của thầy với SV và cũng là lời thầy muốn “nhắc mình và tâm sự với đồng nghiệp”. Đâu ngờ những lời chia sẻ ấy cũng là lần cuối thầy nói trước đông đảo SV, cán bộ của trường.

Thầy Kế viết: “Với đông đảo những người đầu tư vào việc đi học, đi thi, để chọn ngành chọn nghề, thì nghề làm thầy giáo là sự lựa chọn cuối cùng, chứ không phải đầu tiên trong điều tiết của xã hội Việt Nam.

Vì thế những ai, từ tuổi thanh xuân bước lên bục giảng cho đến khi được về nghỉ hưu, vẫn thuỷ chung với nghề dạy học đâu chỉ là an phận. Thuỷ chung với nghề thật kiên cường, bản lĩnh qua thẩm định tự thân để không chỉ khi thoái, lui mới quay ra làm thày, mà ngay khi “tiến” hay “đạt” cũng không bỏ đi, mà vẫn như nhất nghề làm Thầy, để cùng học và trồng người không mệt mỏi...”. (Trích phát biểu của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế).

Lễ viếng PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế sẽ được tổ chức vào thứ Hai, ngày 25/3, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Lê Thánh Tông từ 10h đến 11h30. Lễ an táng tại Nghĩa trang Thanh Liệt cùng ngày từ 13h đến 15h.

  • Văn Chung (ghi)