- Được biết đến như là nữ beatboxer đầu tiên tại Việt Nam, cô bạn 9X Tâm Trang thấy vừa là niềm “tự hào nho nhỏ”, vừa là nỗi chạnh lòng vì “ mình được ưu tiên quá”.

TIN BÀI KHÁC

HH Thu Thuỷ: Để con ngủ trên ngực khi ốm

Trường ĐH cho phép nam nữ ở chung phòng


Beatboxer Trần Tâm Trang

Đam mê nghệ thuật và biểu đồ học hình “sin”


Cô bạn 9X này tên Trần Tâm Trang, sinh viên năm 2, ĐH Kinh tế-ĐGQGHN. Trang biết đến môn nghệ thuật dùng miệng để mô phỏng âm thanh từ năm lớp 10 khi nhìn một người bạn nam khóa dưới thể hiện một bài hát rất lạ bằng miệng.


Trích đoạn bài hát “A milli” do Lil Wayne thể hiện được Trang biểu diễn dưới dạng beatbox


Bố Trang là nghệ sĩ múa, chị là nghệ sĩ chơi piano, bố mẹ làm việc cho một nhà hát tại Hà Nội nên thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực khi con theo đường nghệ thuật nên phản đối gay gắt.
Trang cho biết: “Từ nhỏ bố mẹ đã hướng em theo học văn hóa. Những năm học phổ thông nhất là hồi cấp I, cấp II em rất thích múa và tích cực tham gia hoạt động văn nghệ của trường, lớp.

Mà đã tham gia là hết mình, hết sức nên nhiều khi “say” quá, xao nhãng chuyện học. Khi đó may mắn em lại được bố mẹ kịp thời “kéo về trạng thái bình thường”.

Vậy nên mới có chuyện thành tích học tập của Trang suốt 12 năm học cứ tuần hoàn lên xuống theo kiểu hình sin: từ giỏi lớp 1, 2, 3, khá lớp 4 rồi giỏi năm lớp 5; giỏi lớp 6,7, khá năm lớp 8 lại giỏi năm lớp 9. Và cũng tương tự khi ba năm cấp ba Trang giỏi hai năm đầu và cuối, khá năm lớp 11.

Học “mót”

Không thầy dạy, không sách vở, Trang cứ nghe các bài hát rồi mò mẫm tìm đường mà đi, nghe nhiều quen tai, sau đó tự tập lại. Không tiếp xúc nhiều với Internet ngay từ ban đầu cũng có cái lợi của nó.

Điều này giúp Trang có sự linh hoạt trong sáng tạo các ý tưởng về nhịp để phối cho bài hát mình thích ngay trong đầu. Trang thường "beatbox" những bài hát tiếng Anh mình yêu thích theo lối riêng của mình.

Nhiều lúc thấy bài nào trên truyền hình hay quá Trang lại muốn thử phối, thể hiện theo lối beatbox nên chẳng hiếm khi cô nàng nổi hứng “tự nhiên gào thét", khi đang rửa bát hay quét nhà.

Tất nhiên hồi đầu do bố mẹ chưa đồng ý nên bạn phải tập khi ở nhà một mình. Rồi bố mẹ cũng biết, phản ứng cũng “căng” lắm. Nhưng khi cô nàng khẳng định dù đam mê nghệ thuật bạn vẫn học tốt bằng việc thi đỗ ĐH bố mẹ cũng “xuôi dần”.

Theo đuổi beatbox giúp Trang lên sân khấu và trong cuộc sống được tự tin hơn, bớt run trước đám đông.

Thành công và những nỗi lòng khó nói

Trang bắt đầu biểu diễn từ năm lớp 11 khi có cuộc thi dành cho beatbox của nhóm Big Toe tổ chức. Gần 10 bạn đăng ký thì một mình Trang là nữ.

Nếu nói thực mình đi thi chắc chắn bố mẹ không cho đi nên bạn phải nhờ chị hàng xóm qua rủ đi chơi nhưng thực ra là hai chị em chốn đến địa điểm để tham gia thi.

Hình thức thi là đấu của cuộc thi là đấu 1-1, là bạn nữ nên Trang được đặc cách vào vòng trong rồi đạt giải Ba chung cuộc. Vừa rồi vì trường ĐH kinh tế nơi bạn theo học tổ chức cuộc thi tài năng, muốn góp vui nên Trang cũng tham gia và giành được giải Nhất.

Sau lần đầu thi đấu và được đặc cách, cô bạn tuổi này luôn canh cánh một nỗi buồn hay đúng là sự chạnh lòng.

Trang tâm sự: “Là con gái tập, chơi beatbox hiếm hoi ở Việt Nam nên em có đôi chút “tự hào nho nhỏ”. Nhưng lúc nào cũng thấy mình được ưu tiên quá, đôi khi diễn không hay bằng các bạn nhưng vẫn là người được ưu tiên, đặc cách.

Thế nên sau lần thi đấu đó Trang cũng “lui về”, ít tham gia các cuộc thi.

Yêu thích ngành học quản trị kinh doanh và đam mê beatbox, Trang chia sẻ mình sẽ theo đuổi cả hai “tình yêu” này đến khi nào không còn sức nữa.

Hiện Trang đang có ý tưởng cùng các bạn beatboxer khác tập hợp lại và cùng cover lại một bài hát nào đó hay thực hiện một clip bài hát hoàn chỉnh như những clip bài hát bình thường khác.

Mong ước sau này trên “bản đồ” của làng beatbox Việt Nam sẽ có thêm cái tên Trang Tooc (biệt danh của Trang) ngoài những cái tên quen thuộc như Minh Kiên, Tùng Con, Linh C nhưng như cô nàng chia sẻ: “Có thể mình ít xuất hiện trên sân khấu, biểu diễn ít nhưng cái mình muốn làm là có những sản phẩm chất lượng nhất gửi đến công chúng. Thà làm ít mà chất lượng hơn là làm nhiều mà nhạt, không đặc sắc”.

Văn Chung