- Không chỉ cắt xén tiền thu hút ưu đãi của giáo viên, phòng Tài chính huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hóa) còn lập rất nhiều danh sách khống để trình báo lên sở Tài chính.
Các tin liên quan |
Hàng loạt danh sách khống
Từ câu chuyện một số cán bộ giáo viên muốn chuyển trường phải ký cam kết “không được nhận tiền thu hút ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn”. Lần theo những thông tin trên, chúng tôi đã có cuộc làm việc với bà Mai Thị Hà, Trưởng phòng Tài chính huyện Cẩm Thuỷ về vấn đề này.
Liên quan tới việc cấp kinh phí sai cho các giáo viên, bà Hà đã đưa ra cuốn sổ “Báo cáo nhu cầu kinh phí trợ cấp đối với cán bộ công chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo NĐ 116/2010/NĐ-CP” trình Sở Tài chính Thanh Hoá phê duyệt kinh phí.
Danh sách hồ sơ khống của Trường THCS Cẩm Giang |
Theo đó, Trường THCS Cẩm Giang, danh sách chế độ trợ cấp cho giáo viên đã bị khai khống thâm niên lên hàng loạt. Cụ thể, phụ cấp công tác lâu năm, hệ số phụ cấp được hưởng theo thời gian thực tế làm việc như hệ số 0,5 (thời gian làm việc từ đủ 5 năm đến 10 năm); 0,7 (thời gian làm việc từ 10 năm đến dưới 15 năm); 1,0 (thời gian làm việc từ đủ 15 năm trở lên) đều bị khai tăng so với thực tế.
Danh sách khống của 18 giáo viên trường THCS Cẩm Giang được lập ngày 28/3/2012, do Hiệu trưởng Trịnh Thị Diệp đóng dấu, ký tên.
Mang danh sách này đối chiếu với một số giáo viên như thầy Trịnh Tuấn, cô Thang Thị Dung, thì hai người này đều chưa đủ 5 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Như vậy đồng nghĩa với việc phòng tài chính đã sử dụng danh sách khống để xin phê duyệt kinh phí.
Nhưng khi chúng tôi đưa danh sách của phòng tài chính cung cấp để cho thầy Tuấn và cô Dung xem thì hai người này ngơ ngác, vì không hiểu tại sao họ lại có trong danh sách được hưởng phụ cấp công tác lâu năm. Tính đến thời điểm hiện tại thầy Tuấn chỉ mới dạy được 4 năm ở trường Cẩm Giang.
Theo đó, nếu cứ áp theo danh sách của phòng tài chính, thì với thâm niên 5 năm công tác khống này thầy Tuấn sẽ được hưởng phụ cấp theo hệ số 0,5 x với mức lương cơ bản 730 ngàn đồng x 20 tháng (theo danh sách của phòng tài chính lập) thì số tiền đó lên đến 8,3 triệu đồng. Tăng thêm so với thực tế 50%. Nhưng thực tế thầy Tuấn chưa nhận được đồng nào. Đối với những giáo viên được khai khống lên hệ số 1.0 thì số tiền tăng lên gấp đôi.
Danh sách của Trường THCS Cẩm Giang có 18 giáo viên. Trong đó chiếm 44,4% được hưởng hệ số 1,0; 16,7% được hưởng hệ số 0,7 và hệ số 0,5 là 38,9% thực tế đều là con số ảo. Gần một nửa số giáo viên Trường THCS Cẩm Giang đã được “phù phép” để đạt thâm niên trên 15 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn (hệ số 1,0). Nhưng trên thực tế, nhà trường chỉ có 1 giáo viên đạt hệ số 0,7.
Tại bảng truy lĩnh phụ cấp công tác lâu năm, phụ cấp thu hút Nghị định 116 của trường Cẩm Giang (lập ngày 9/7/2012), các giáo viên không hề được nhận số tiền trên.
Cô Trần Thị Thuỷ, năm 2010 đang dạy tại xã Cẩm Giang thì có quyết định điều động về dạy tại trường Tiểu học xã Cẩm Châu, nhưng cũng bị cắt chế độ thu hút một cách vô lý.
Đáng nói là tại danh sách trình Sở Tài chính xin cấp kinh phí 116 vẫn có tên cô Thuỷ với khoản phê duyệt lên tới 26 triệu đồng. Nhưng cô Thuỷ cho biết “Tôi chưa hề được nhận số tiền trên, ngoài mỗi khoản tiền thâm niên công tác ít ỏi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khai khống hồ sơ còn xảy ra tại nhiều xã khác...
Phòng tài chính ‘ém’ thông tin?
Cuốn sổ báo cáo của phòng tài chính |
Liên quan tới việc Phòng Tài chính huyện khai khống hồ sơ, chúng tôi đã đối chiếu thông tin tại Sở Tài chính Thanh Hóa để làm rõ.
Ông Lê Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Quản lý ngân sách huyện xã Sở Tài chính Thanh Hoá cho biết, sau khi tiếp nhận báo cáo của các đơn vị, dựa trên cơ sở đơn vị báo cáo lên để Sở cân đối cấp ngân sách trọn “gói” theo từng năm, chứ không cấp riêng từng đối tượng.
"Ngân sách khi đã phân về địa phương - phòng Tài chính huyện sẽ có trách nhiệm chi trả cho các đối tượng. Kinh phí sử dụng không hết sẽ để năm sau, thiếu thì để nghị bổ sung tiếp. Việc chi sai hay đúng, UBND huyện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm" - lời ông Hoàng.
Trước bản danh sách kê khai khống, bà Hà đều không đưa ra câu trả lời rõ ràng. |
Năm 2011 và 2012, Sở Tài chính Thanh Hóa đã cấp kinh phí 116 cho huyện Cẩm Thuỷ hơn 9,246 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hà khẳng định danh sách báo cáo trình lên Sở Tài chính là con số chính xác. Danh sách được lập bởi UBND xã, trường học. Phòng tài chính sẽ đối chiếu hồ sơ từ Phòng Nội vụ, duyệt chi tiết từng đối tượng, sau đó mới trình lên Sở. Khi nhận kinh phí, Phòng tài chính chỉ căn cứ duy nhất vào danh sách này để chi cho các giáo viên. “Quy trình chặt chẽ nên không thể sai sót”, bà Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi bản danh sách khống được đưa ra, bà Hà trả lời vòng vo rồi cho rằng: “đây chỉ là danh sách do các đơn vị trình lên”.
Khi chúng tôi yêu cầu danh sách chi trả chi tiết cho các đơn vị hằng năm và con số báo cáo tài chính trong năm đó thì bà Hà lại không đưa ra được với lý do “chưa thống kê xong”?
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ - Phạm Viết Hoài cho biết, ông cũng không hề biết thông tin này, cũng như chưa nhận được phản ánh của người dân. Khi tiếp nhận thông tin - ông Hoài cam kết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu phòng tài chính báo cáo rõ về vấn đề này. Quan điểm của huyện ai sai đâu xử lý đó.”
Lê Anh