Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ sau khi sai phạm của Trường ĐH KTQD được công bố, dư luận đang trông chờ một thái độ quyết liệt, nghiêm minh từ phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhằm siết chặt kỷ cương, làm trong sạch môi trường sư phạm vốn có bề dày truyền thống của một trường ĐH Anh hùng.

Các tin liên quan

ĐH Kinh tế Quốc dân lạm thu hơn 51 tỷ

Những sai phạm nghiêm trọng của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD) liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, thu chi tài chính và xây dựng cơ bản theo bản Kết luận thanh tra số 1255/KL-BGDĐT ngày 5/1/2012 của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề xử lý sai phạm sau thanh tra quá chậm trễ, khiến dư luận hoài nghi về tính nghiêm minh, kỷ cương phép nước của các đơn vị được giao trọng trách xử lý.

{keywords}
Xử lý nghiêm túc sai phạm, là lấy lại uy tín cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, Trường ĐH KTQD đã có sai sót trong việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ như: chưa thực hiện đánh giá cán bộ bằng văn bản và không lấy phiếu tín nhiệm với nguồn cán bộ tại chỗ. Việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, bất cập; đồng thời trường chưa thực hiện đủ quy trình và chưa kết hợp giữa biện pháp tổ chức hành chính với công tác tư tưởng trong công tác tổ chức cán bộ, xử lý cán bộ nóng vội, thiếu công bằng có biểu hiện thiếu dân chủ, gây bức xúc cho cán bộ, tạo dư luận không tốt và làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. Trường cũng không tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ liên quan mà thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị, nên một số sai phạm tiếp tục tái diễn. Trong công tác đào tạo cũng thể hiện sự sai phạm như việc để 54 sinh viên Trường ĐH Tây Bắc về học tại cơ sở đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội không phù hợp với Quy chế đào tạo đại học và các hợp đồng liên kết.

Ngoài ra, trường còn thực hiện việc chuyển ngành cho sinh viên một cách không công khai, minh bạch, gây dư luận xấu. Đặc biệt, Trường ĐH KTQD thực sự mất uy tín khi triển khai chương trình bồi dưỡng sau đại học và cấp chứng chỉ cho 787 người và sử dụng kết quả đó thay thế nội dung bổ sung kiến thức thi cao học cho 83 người không phù hợp Luật Giáo dục và Quy chế đào tạo thạc sỹ. Việc đào tạo một số học phần trong chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ cho ĐH Kinh tế Kỹ thuật Hải Dương tại Hải Dương là sai quy định tại Quy chế đào tạo thạc sỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo và uy tín của một cơ sở đào tạo quốc gia.

Trong công tác tài chính giai đoạn 2008-2012 của Trường ĐH KTQD mắc nhiều thiếu sót, sai phạm. Quy chế thu chi nội bộ của trường căn cứ vào một số văn bản đã hết hiệu lực thi hành, một số nội dung về mua sắm tài sản, đấu thầu và một số khoản thu chưa đúng với quy định hiện hành. Trường ĐH KTQD chưa đôn đốc, đối chiếu quyết toán học phí kịp thời với các đơn vị liên kết đào tạo; không có tài liệu kèm theo để kiểm soát tính đầy đủ khi phát sinh các khoản thu từ học viên dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nguồn thu.

Đáng chú ý, trong hoạt động thu, chi tài chính, Trường ĐH KTQD đã thực hiện thu vượt, thu sai quy định hơn 51 tỷ đồng (thu kinh phí đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ không có trong quy định, thu vượt quy định về học phí nâng điểm hệ chính quy, thu vượt quy định lệ phí tuyển sinh…). Trong xây dựng cơ bản, Trường ĐH KTQD cũng vi phạm quy định về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu tại một số công trình.

Từ năm 2008 đến nay, trường chưa giải ngân được nguồn kinh phí nào cho Nhà trung tâm trong khi kinh phí thu sự nghiệp của trường rất lớn, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư…

Thế nhưng, đến nay, tiến độ xử lý sau thanh tra đối với Trường ĐH KTQD quá chậm trễ. Theo tìm hiểu của PV, có nhiều phần việc Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam không thực hiện theo yêu cầu của kết luận thanh tra, cụ thể là không xử lý các cán bộ dưới quyền có sai phạm.

Bộ cũng đã có công văn yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ “hướng dẫn hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến những thiếu sót, sai phạm thuộc bốn nhóm vấn đề nêu trong kết luận thanh tra…”, nhưng theo nhiều cán bộ nhà trường cho biết, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam kiểm điểm thì ít mà “biện minh là chính”.

Dư luận còn đặt câu hỏi, với những sai phạm quá rõ ràng và nghiêm trọng như vậy, Bộ  không lập hội đồng xử lý kỷ luật trực tiếp mà lại giao trách nhiệm kiểm điểm cho Hiệu trưởng và các cá nhân liên quan “tự kiểm điểm mình”. Vậy có khác chi “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì liệu có khách quan, chí công vô tư?

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT thừa nhận việc xử lý cán bộ còn chậm trễ. Ông Bằng còn cho biết thêm, Trường ĐH KTQD đã tổ chức kiểm điểm các cán bộ thuộc quyền của Hiệu trưởng. Đối với Hiệu trưởng, Hiệu phó thì trường đã tổ chức kiểm điểm 2 lần, tuy nhiên khi gửi lên Bộ thì Bộ thấy chưa nghiêm túc cho nên yêu cầu kiểm điểm lại.

Trong buổi kiểm điểm gần đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có đến tham dự, đang lúc kiểm điểm, Thứ trưởng Ga thấy không nghiêm túc và đã yêu cầu kiểm điểm lại.

Theo Nghị định 34 của Chính phủ, nếu việc kiểm điểm cấp dưới mà không nghiêm túc thì Bộ  có thể không cần yêu cầu kiểm điểm lại mà có quyền thành lập Hội đồng kỷ luật để xử lý. Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ đang xúc tiến thành lập Hội đồng kỷ luật để xử lý mà không cần chờ kiểm điểm lại.

Trước câu hỏi, với sai phạm trên, vụ việc này có dấu hiệu hình sự hay không, Chánh Thanh tra Nguyễn Hữu Bằng cho hay, kết luận thanh tra đã làm rõ sai phạm, nhưng để kết luận có dấu hiệu hình sự hay không thì đòi hỏi phải làm rõ nhiều yếu tố cấu thành tội phạm…

Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ sau khi sai phạm của Trường ĐH KTQD được công bố, dư luận đang trông chờ một thái độ quyết liệt, nghiêm minh từ phía lãnh đạo Bộ, nhằm siết chặt kỷ cương, làm trong sạch môi trường sư phạm vốn có bề dày truyền thống của một trường ĐH Anh hùng.

Được biết, dự kiến trong tuần tới, Bộ sẽ họp bàn kiểm điểm về vụ việc trên và sẽ đề ra hình thức xử lý đối với từng cá nhân liên quan, trong đó có trách nhiệm của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam.

(Theo Công An Nhân Dân)