- Hoàn toàn tán thành về việc xây một nền giáo dục trung thực, song nhiều người trong cuộc lại cho rằng: để có giáo dục trung thực thì cả xã hội, các ngành nghề khác, mỗi người đều phải vào cuộc, tạo nên một sự thay đổi đồng bộ.
Các tin liên quan |
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Băn khoăn của người trong cuộc...
Trong khi nhiều người quy trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên thì tâm sự của chính những người đứng trên bục giảng lại cho thấy họ mới là những người trăn trở, băn khoăn nhiều nhất.
Nhiều giáo viên, đặc biệt là những nhà giáo trẻ chia sẻ cảm giác bất lực, muốn thay đổi nhưng lại phải chịu nhiều áp lực từ lãnh đạo, từ đồng nghiệp khiến những quyết tâm, những trăn trở của họ với nghề chỉ mang tới sự chán nản, thất vọng và bi quan.
Cô giáo Thu Anh chia sẻ, chị thực sự cảm thấy ‘hồ hởi trong lòng’ khi rộ lên tin đồn 3 môn thi tốt nghiệp là Thể dục, giáo dục công dân và công nghệ vì nghĩ rằng ‘đang có sự thay đổi’… “Tôi biết làm người quản lí rất khó nhưng không lẽ cái sai cứ để hoài trên giấy tờ sao, cứ mãi như vậy sao. Chương trình cũ không đổi mới, cái đổi mới mà ta vẫn nói thì càng nặng nề cứng nhắc hơn nữa.
Tôi là giáo viên, tôi đau lòng khi thấy cái áp lực vô hình đè nặng lên vai các em suốt 12 năm và thấy cả phản ứng đối phó của các em khi tới giờ lên lớp. Chúng tôi là giáo viên, chúng tôi phải có trách nhiệm. Điều đó đúng, nhưng chương trình, quy định không cho phép chúng tôi làm khác nhiều được”.
Một cô giáo khác cũng đồng cảm với tình cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’ này: “Tôi là một giáo viên tiểu học. Tôi rất bức xúc với những cái không thật trong ngành giáo dục hiện nay. Giáo viên muốn thật có khi cũng chẳng được, bởi điều đó ảnh hưởng tới những ‘người khác’”.
Là một giáo viên trẻ, tôi rất đồng lòng với tác giả bài viết "Nếu tôi là Bộ trưởng Giáo dục"của tác giả Phạm Xuân Anh! Thật tiếc, trong khi tôi và một vài giáo viên trẻ trong trường luôn cố gắng dạy học sinh làm một người trung thực thì một vài giáo viên có kinh nghiệm lại không làm như chúng tôi! Bạn nghĩ chúng tôi phải làm sao khi giáo viên cũ của mình đề nghị mình quan tâm vấn đề điểm của học sinh này, học sinh kia!
Thậm chí, có giáo viên còn nói thẳng: "Nó (HS) ở lại lớp 2 năm rồi, không lên lớp được đâu, cho nó lên lớp để xóa mù!" Thử hỏi cho nó lên lớp để xóa mù hay làm nó mù? Còn HS của tôi, thì hỏi điểm thấp sao thầy không cộng cho chúng em mỗi đứa 1 điểm. Lại đặt câu hỏi: từ đâu mà những HS đó có suy nghĩ như vậy?” – một thầy giáo trẻ chia sẻ những tâm sự rất thật về chuyện nghề của mình.
Cần chặn tham nhũng
Độc giả Trần Hữu Cường cho rằng để giáo dục trung thực trước hết cần ngăn chặn ngay hiện tượng tham nhũng trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách dành cho xây dựng cơ bản - hạ tầng phục vụ nhiệm vụ giáo dục. “Nếu cửa của trường học luôn là loại tốt nhất, gạch xây trường là chất lượng nhất, và tất cả các thứ khác trong nhà trường luôn là loại tốt nhất và đúng giá trị nhất, thì chắc chắn có giáo dục trung thực”.
“Để có một nền giáo dục tốt cần có: người thầy, cuốn sách và môi trường xã hội” là ý kiến của bạn đọc Lê Trí. Anh cho rằng muốn thay đổi cần làm từ những điều nhỏ nhất: thấy rác thì nhặt, làm sai phải biết xin lỗi, biết tự xấu hổ...
Độc giả Đinh Công Tiến đưa ý tưởng bên cạnh việc xây dựng một nền giáo dục trung thực, cần phải kêu gọi xã hội chấp nhận sự thật về nền giáo dục hiện tại để "xã hội đừng giật mình và bất ngờ về nền GD như tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007".
Cắt giảm chương trình học là ý kiến được nhắc đến nhiều. Thầy giáo về hưu Lê Hữu Tuấn cho rằng chương trình học hiện tại có quá nhiều nội dung không cần thiết, điển hình là việc tổ chức học nghề: “Thực chất chỉ là giả tạo để học sinh được cộng điểm, để cán bộ giáo viên lấy tiền…”
Một số độc giả đồng tình quan điểm ‘quét cầu thang phải quét từ trên xuống’, muốn giáo dục trung thực cần phải thay đổi từ các cấp lãnh đạo. Giáo dục sẽ trung thực thế nào khi mà đi thi cao học thì giám thị trong phòng quan sát giám thị hành lang, giám thị hành lang lại quan sát thanh tra như lời một độc giả phản ánh.
Độc giả Cương mạnh dạn hiến kế nên bắt chước y chang một mô hình giáo dục nào đó đã thành công. “Làm từng bước theo từng lớp, từ lớp 1 đến lớp 12. Sau 12 năm, thì hãy điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Tôi đề nghị lấy toàn bộ chương trình giáo dục của Singapore hoặc Nhật Bản. Hạn chế tối đa việc sửa chữa chủ quan. Và thi cử giống các nước đó…”
Nâng cao chất lượng giáo viên cũng là một ý kiến hợp lý của bạn đọc Nguyễn Trinh. Độc giả này cho rằng cả nước chỉ nên có khoảng 5 trường đào tạo giáo viên và mức điểm đầu vào tối thiểu là 25 điểm (3 môn). Sau khi học xong, các giáo viên trẻ sẽ được phân về các trường địa phương giảng dạy.
Theo bạn đọc Nguyễn Trinh, chất lượng giáo viên thấp cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến nền giáo dục ngày càng đi xuống.
Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng chúng ta mới chỉ đang hô khẩu hiệu chứ chưa nghĩ tới những khó khăn khi hiện thực hóa nó. “Để giáo dục phát triển cần có tài chính lớn để đầu tư cơ sở vật chất, lương giáo viên, giáo trình... Ban sẽ lấy ở đâu? Bạn phải có cơ chế, chính sách phục vụ cho sự nghiệp phát triển đó. Bạn thay đổi được không? Bạn phải có toàn quyền để đưa ra quyết sách làm thay đổi giáo dục.
Điều này hiện nay rất khó vì liên quan đế nhiều Bộ ngành, đia phương.... Bạn làm sao để thay đổi được. Bạn phải chọn, đào tạo và xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên giỏi? Làm sao để có được? – một cán bộ công tác trong ngành giáo dục phân tích và chia sẻ những khó khăn với các lãnh đạo ngành.
Phạm Trang (tổng hợp)