- Sau quyết định “cảnh cáo” công chức đối với Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội Nguyễn Văn Nam - nhiều cán bộ, giảng viên đã/đang công tác tại trường tỏ ra chán nản và thất vọng.
Các tin liên quan |
Quyết định hình thức xử lí “cảnh cáo” đối với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam cùng hình thức “phê bình nghiêm khắc” và “phê bình rút kinh nghiệm” với các hiệu phó đương nhiệm được Bộ GD-ĐT công bố ngày 4/4.
Sau hàng loạt sai phạm - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Văn Nam chỉ nhận hình thức "Cảnh cáo" |
Phản ứng sau quyết định này, nhiều cán bộ đã/đang công tác tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tỏ rõ chán nản và thất vọng.
Nguyên Hiệu trưởng Lê Du Phong cho rằng: “Quyết định của Bộ là nương nhẹ, bỏ qua nhiều sai phạm lớn của ông Nam. Đơn cử như việc thu chi tài chính, đấu thầu xây dựng, đào tạo sau đại học,…có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không được chuyển cho cơ quan điều tra."
Ông Phong dẫn dụ: "vừa qua, một số trường chỉ sai phạm trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh Bộ đã đề nghị xử lí cảnh cáo. Cái sai của ông Nam quá lớn nhưng vẫn chỉ nhận hình thức xử lí tương tự là chưa hợp lí”.
Trao đổi với VietNamNet, nhiều cán bộ nhà trường cho rằng hình thức xử lí trên “hoàn toàn chưa thỏa đáng”.
Một cán bộ (xin giấu tên) bức xúc: “3 vấn đề sai phạm rất nghiêm trọng của hiệu trưởng Nam trong quyết định của Bộ cũng không được đề cập là: Ký ban hành văn bản trái phép về việc cấp chứng chỉ sau đại học và cho phép sử dụng chứng chỉ này để thay thế các môn học bổ sung kiến thức dự thi cao học; Quản lý tài chính yếu kém mà điển hình là việc thu sai, thu vượt 51 tỷ đồng từ học viên và sinh viên; Sai phạm trong công tác xây dựng cơ bản”.
Trong lá thư gửi Ban Tổ chức TW, UB Kiểm tra TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, tập thể cán bộ giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng đã chỉ ra: “Việc thu sai 51 tỷ đồng của hiệu trưởng Nam có dấu hiệu “lạm dụng chức vụ, quyền hạn cưỡng đoạt tài sản” , “có tổ chức” được quy định tại điều 280 bộ luật tố tụng hình sự, vụ việc này phải chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo thẩm quyền”.
Và hàng loạt sai phạm khác như: Ký ban hành văn bản trái phép về việc cấp chứng chỉ sau đại học và cho phép sử dụng chứng chỉ này để thay thế các môn học bổ sung kiến thức dự thi cao học; Cho phép 83 người đã đỗ cao học và bảo vệ xong luận án thạc sỹ khi họ không đủ điều kiện dự thi. Điều này trái luật giáo dục, vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ...
Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh cáo” là quá nhẹ, khó có thể chấp nhận”.
- Văn Chung