GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận như vậy khi trao đổi với báo chí ngày 8/4 về clip học sinh xé đề cương môn Sử đang gây sốt trên các diễn đàn mạng.

{keywords}

"Việc học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Quận 11, TP.HCM) xé đề cương môn Sử khi biết môn học này không thi tốt nghiệp là một cách ứng xử bồng bột của học sinh, hoàn toàn không có ngụ ý gì sau hành động đó” – GS Đào Trọng Thi nhận xét.

Theo ông Thi, có hai lý do để những học sinh này xé đề cương môn Sử, rải khắp sân trường, đó là do các em không thích thi môn Sử, bây giờ khi nghe tin môn học này không phải thi tốt nghiệp thì học sinh vui. Thứ hai là đề cương không dùng nữa thì những học sinh này xé đi.

Tuy nhiên, cũng nên tiếp cận ở góc độ không gay gắt lắm. Đương nhiên, nếu các em được giáo dục tốt về ứng xử, đặc biệt là ứng xử văn hóa có sự tôn trọng nhà trường, tôn trọng chương trình học tập thì các em có thể có cách khác để bỏ đề cương không dùng đến, không nhất thiết phải làm một cách phản cảm như vậy.

Còn về cách tổ chức môn thi, việc Bộ GD-ĐT đợi đến thời điểm sát nút mới công bố các môn thi chính là để hạn chế kiều học tủ - đó là ý tốt. Nếu công bố sớm hơn thì có khi các em lại bỏ không học các môn không thi tốt nghiệp, như vậy thì lại càng nguy hiểm hơn....

Về lâu dài theo ông Thi, các môn học nên được đối xử công bằng với nhau, kể cả các môn không có trong kỳ thi. Ví như ngoài các môn bắt buộc thì nên có các môn lựa chọn, không nhất thiết bắt học sinh phải thi cùng nhau các môn thi.

“Chỉ nên xem kỳ thi tốt nghiệp là một kỳ kiểm tra. Đã là kiểm tra thì tôn trọng sự lựa chọn, sở thích của các em. Làm như vậy sẽ bớt đi các hiện tượng không hay như việc xé đề cương vừa rồi” - lời ông Thi.

Theo ông Thi, môn Sử là môn khó, các em ngán nhất....nên khi không phải thi tốt nghiệp thì các em vui mừng. Nhưng qua hiện tượng này, cũng phải thay đổi cách dạy và học môn Sử.

"Phải cung cấp kiến thức cho phù hợp với lối sống hiện đại. Cụ thể là không cần nhớ con số, ngày tháng năm, quan trọng là ý nghĩa, giá trị của vấn đề mà các em được học. Nên thiên về định tính hơn là định lượng thì sẽ tốt hơn” - ông Thi nhấn mạnh.

  • Tá Lâm (ghi)