- Với cháu tôi bây giờ, thầy của cháu là hiền, là dễ chịu, là thương học trò, là giúp đỡ học sinh trong các kỳ thi. Thật là tai hại khi mà trong suy nghĩ của những đứa trẻ đã có sự ỷ lại.

Các tin liên quan

Bố thất nghiệp dạy con đừng 'bán mình'

Chuyện dạy con ở nhà có hai bộ trưởng

Từ đồng tiền mừng tuổi đến việc dạy con tiêu tiền

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Tôi có đứa cháu gọi tôi bằng chú ruột nay đang học lớp 3 tại một trường Tiểu học ở Quy Nhơn. Vì ông bà nội cháu trước đây là giáo viên và cháu cùng ba mẹ sống với ông bà nên từ nhỏ cháu đã được ông bà “rèn” từ chuyện đi đứng, ăn nói, lễ phép cho đến học hành.

Tuy vậy, từ ngày vào lớp 1 cho đến cuối năm lớp 2, chưa bao giờ cháu được danh hiệu học sinh giỏi. Bản tính cháu hiếu động, ham chơi, thích chạy nhảy nên không những “học trước, quên sau” mà còn thường xuyên bị các giáo viên chủ nhiệm khiển trách. Mỗi lần đi họp phụ huynh học sinh về là ông bà buồn vì cháu đã phát triển không như ông bà mong muốn, nhất là trong học tập.

Cá nhân tôi lại mong muốn cháu phát triển toàn diện và cho dù có không đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc thì cũng không sao cả. Điều làm tôi bất ngờ là trong học kỳ 1 của lớp 3, tôi được báo tin là cháu đạt học sinh giỏi. Nhân dịp về nước, thăm gia đình, tôi mua thêm quà cho cháu, coi như chúc mừng thành tích cháu đạt được và cũng muốn hỏi xem cháu đã học tập, cố gắng như thế nào trong thời gian vừa qua.

Vì bản tính hiếu động, nhanh nhảu của cháu nên khi tôi chưa hỏi thì cháu đã nói rằng: “Thầy con hiền lắm!”. Rồi cháu kể thêm, nào là trong khi làm bài thi, thầy đứng trước lớp để hỏi cả lớp câu 1, câu 2 trong đề thi chọn đáp án nào (bài thi trắc nghiệm). Và cứ thế, thầy giải hết, cả lớp chép vào phần bài làm.

Cháu còn “tiếp” thêm là cháu không bị phạt khi có lỗi vì đã học thêm ở nhà thầy được hai buổi. Cũng câu chuyện ấy, cháu đã kể đi, kể lại không biết bao nhiều lần khi có ai nhắc đến chuyện học hành hoặc không muốn cháu đi học thêm vì không thấy cần thiết.

Thật sự những hành động, những lời nói, những việc làm của người thầy đã “ăn sâu” vào trong suy nghĩ của cháu tôi. Với cháu tôi bây giờ, thầy của cháu là hiền, là dễ chịu, là thương học trò, là giúp đỡ học sinh trong các kỳ thi.

Tổng kết học kỳ 1, lớp của cháu đã có 32 học sinh giỏi và 2 học sinh khá, học sinh trung bình không có. Bản thân cháu, trong lời nói, trong hành động cũng cho rằng mình sẽ đạt học sinh giỏi cho học kỳ tới khi mà cháu kể trong đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, thầy giáo lại giúp học sinh các đáp án của bài thi.

Thật là tai hại khi mà trong suy nghĩ của những đứa trẻ đã có sự ỷ lại và không thích những ai nghiêm khắc, không thích những thầy cô “thương cho roi, cho vọt”.

Tôi thật sự lo lắng không biết cháu tôi sẽ như thế nào khi sang năm học lớp 4 cũng gặp một giáo viên khác chủ nhiệm cũng....hiền như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và hành động của cháu.

Nguyễn Quốc Vỹ (Trần Phú, Quy Nhơn)