- “Trong xã hội hiện đại dường như tính cạnh tranh lẫn nhau đang ngày càng phổ biến, phát triển. Điều đó thật nguy hiểm và là nền tảng của những khổ đau, bế tắc. Thay vì dạy trẻ tư tưởng đó hãy dạy trẻ biết quý trọng công ơn cha mẹ, cộng đồng để từ đó nỗ lực trở thành người tài giỏi, biết giúp đỡ” – Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa chia sẻ.

Các tin liên quan

Nên làm gì từ cuộc chơi ngộ nghĩnh của giới trẻ?

Giới trẻ hôm nay cần biết những gì?

Nhức mắt chuyện yêu trên mạng của giới trẻ

{keywords}
Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trong tọa đàm “Giới trẻ và lòng nhân ái vì xã hội không bạo lực” vừa diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung)

Sinh năm 1981, đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trứ danh với sở học và khả năng thuyết pháp uyên thâm song cũng vô cùng gần gũi, nhân văn. Ngài thường đi giảng pháp ở các trường trung học và đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tâm sự với các bạn trẻ trong tọa đàm “Tuổi trẻ - Sống nhân ái và hành động hướng thiện” vừa diễn ra tại Hà Nội - Ngài đã dành toàn bộ thời gian chia sẻ về nghệ thuật sống, cách trưởng dưỡng tình yêu thương.

Theo quan sát của Ngài: “Thanh thiếu niên đang đứng trước những khó khăn, áp lực trong học tập và đời sống như: phấn đấu vượt qua các kỳ thi, nỗ lực học tập để đạt điểm cao, đỗ vào các đại học danh tiếng, cám dỗ của vật chất bên ngoài….

Tất cả đẩy các bạn trẻ cuốn nhanh vào guồng quay cuộc sống, khiến họ ít nhiều quên đi những giá trị sống bình dị mà ý nghĩa: sự tri ân, lòng trắc ẩn, tình yêu thương,…”

Ngài Gyalwa Dokhampa, người Ấn Độ, là một vị Tulku, tức là một bậc hóa thân hay còn gọi là Phật sống. Theo các tài liệu của dòng truyền thừa Drukpa và Khamtrul, Ngài là một trong hai hóa thân đời thứ 9 đang tại thế của bậc giác ngộ Khamtrul Rinpoche.

“Có bạn hỏi tôi Internet, facebook là tốt hay xấu? Tôi nói điều đó phụ thuộc vào động cơ mỗi người. Sẽ là tốt nếu bạn biết dùng nó phục vụ lợi ích cộng đồng nhưng bạn sẽ góp phần phá vỡ nền tảng căn bản, giá trị đạo đức tốt nếu xuất phát từ mục đích hay động cơ xấu. Bạn có tri thức nhưng nhiều khi chưa biết mình là ai. Khổ đau ập tới khi bạn chưa học được cách sống, cách chia sẻ với mọi người và điều đó dẫn tới bế tắc” – Ngài tâm sự.

Hạnh phúc, theo Ngài: “Đến từ gia đình, xã hội và môi trường xung quanh chúng ta. Hạnh phúc không phải là bạn chỉ biết khư khư giữ cho riêng mình”.

Nhấn mạnh đến giáo dục ý thức “sống có trách nhiệm”, Ngài cho rằng: “Những thiên tai, bão lũ phần nhiều đến từ viêc các thế hệ trước chưa biết sống trân trọng, ý thức vì cộng đồng. Hậu quả cuối cùng lại là khổ đau thế hệ sau phải hứng chịu”.

{keywords}

Không phủ nhận mặt tốt của cạnh tranh nhưng theo Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa “Trong xã hội hiện đại dường như tính cạnh tranh lẫn nhau đang ngày càng phổ biến, phát triển. Điều đó thật nguy hiểm và là nền tảng của những khổ đau, bế tắc. Thay vì dạy trẻ tư tưởng đó hãy dạy trẻ biết quý trọng công ơn cha mẹ, cộng đồng để từ đó nỗ lực trở thành người tài giỏi, biết giúp đỡ”.

Trước thực tế nạn bạo lực trong giới trẻ và bạo lực học đường ở VN và một số nước có dấu hiệu gia tăng, Nhiếp Chính Vương cho hay: “Nhiều ông bố bà mẹ giáo dục con theo kiểu áp đặt, phải nghe lời khiến trẻ bị in hằn bởi những đòn roi, bạo lực.

Cha mẹ mải mê kiếm tiền mong sau gửi con đi du học ở Mỹ, Anh, những trường học tốt nhất,…nhưng lại ít dành thời gian quan tâm, chăm sóc và giáo dục con nền tảng đạo đức căn bản. Trẻ cứ lớn lên mà thiếu đi tình thương yêu. Ai dám chắc các em sẽ trở thành những người tốt nhất?”.

Nói đến vai trò nhà trường, Ngài kể chuyện ở Bhutan trẻ được dạy tập thiền, tập thở mỗi sáng và trước khi đi ngủ để tâm được tĩnh, trí nhớ minh mẫn. Trẻ cũng được thầy cô hướng dẫn và cho tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như thu gom, tái sử dụng rác thải,…

Trước nhiều bạn trẻ, Ngài đưa lời khuyên: “Không có công việc nào tốt và xấu. Điều đó phụ thuộc cách nhìn và quan điểm mỗi người và nền văn hóa. Ở Bhutan, nghề chạm khắc được cho là tầm thường nhưng ở Mỹ chẳng hạn, đó được coi như một nghệ thuật và có thu nhập cao cũng như được trọng vọng.

Anh có thể làm nhặt rác, ve chai hay người chạm khắc, bác sĩ, giáo viên,…Quan trọng là bạn dành trọn tập trung cho công việc ấy và biết rằng nó giúp ích được cho người khác”.

Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa đang có chuyến hoằng pháp, cầu nguyện quốc thái dân an tại Việt Nam cho đến cuối tháng 4. Theo ngài: “Khi còn bé, tôi được đọc những câu chuyện rất cảm động về nỗi đau của người dân Việt Nam, khiến tôi cảm thông và xót thương. Lúc bấy giờ và cả bây giờ tôi cũng không biết làm gì hơn là hồi hướng công đức cho đất nước và người dân Việt Nam. Qua tháng năm, nhân duyên đấy dẫn tôi đến với đất nước của các bạn”.

Văn Chung