Ba tuổi Teela Huff đã biết làm phép cộng, lên lớp 3 đã có thể dạy kèm các bạn cùng lớp. Theo lời ông Tom- bố cô bé, thì một người bạn của Teela nhận xét rằng, cô bé có khả năng làm “cô giáo” mà không khiến bạn bè cảm thấy mình kém cỏi.
Tuy nhiên, do trí óc phát triển quá nhanh nên Teela thường cảm thấy các buổi học tại trường tiểu học Silver Oak rất tẻ nhạt. Cô bé đang học lớp 5 nhưng đã có thể đọc sách của học sinh lớp 10. Cuối cùng Teela đã đăng ký một chương trình dành cho học sinh có năng khiếu, ở đó học sinh sẽ được thử sức với những câu đố toán học hóc búa hay những câu hỏi kích thích suy nghĩ như làm thế nào để tồn tại trên đảo hoang, vv… Và cô bé đã rất thích. Tuy nhiên, vào tháng 9, trường Evergreen đã cắt bỏ tất cả các chương trình dành cho 790 học sinh của trường và các chương trình cho học sinh năng khiếu mà Teela đang theo học. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm các chương trình giáo dục học sinh tài năng trong cả nước. Bố của Teela đang rất lo lắng về chuyện học hành của con gái. “Về lâu về dài, nếu các trường không thể đào tạo những em học sinh tài năng thì chính xã hội chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả. Chúng ta rất cần những bộ óc thông minh nhất”. Vấn đề ngân sách, cùng với các chính sách và chương trình cải thiện kết quả giáo dục tổng thể tại các trường công, là những nguyên nhân chính khiến các chương trình đào tạo học sinh tài năng bị xếp vào diện “có thể hy sinh”.
Trước đây, Teela Huff (bên phải) rất yêu trường tiểu học Silver Oak (San Jose) vì trường có mở các lớp “chọn” phù hợp với khả năng của mình.
Được sự cho phép từ Quốc hội, các trường địa phương đã rút khoản kinh phí của những chương trình này để bù trừ cho nguồn ngân sách bị thiếu. Lãnh đạo các trường cho biết, họ không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, chính những học sinh thông minh vượt trội như Teela lại đang phải chịu thiệt thòi.
Nước Mỹ nhận thức rõ rằng, họ phải đầu tư vào toán học, khoa học và giáo dục thì mới có khả năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cạnh tranh trong thời đại mới.
Kathy Gomez- trợ lý phòng dịch vụ giáo dục của trường Evergreen cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với thâm hụt ngân sách khổng lồ, do vậy phải dùng đến nguồn ngân sách cho giáo dục tài năng để bù cho các khoản chi khác như lương, bảo hiểm sức khỏe... Ước gì chúng ta không phải làm như thế”.
Trước khi xóa hẳn chương trình đào tạo này, Evergreen đã được Chính phủ rót xuống 97.300 đôla và chi thêm từ ngân sách chung của trường 123.000 đôla để trả lương cho giáo viên và mua học liệu.
Trong cả nước, mỗi bang có riêng hạn mức ngân sách cho các chương trình đào tạo tài năng. Niên học 2008-2009, con số này dao động từ 250.000 đôla ở Montana đến 91 triệu đôla ở Texas.
Các trường cũng có rất nhiều tiêu chuẩn đánh giá tài năng của học sinh, thường dựa trên các bài kiểm tra IQ hay điểm số trong các kỳ thi đã được chuẩn hóa. Các chương trình cũng có những khác biệt lớn về nhịp độ, chiều sâu và chiều rộng (số môn học có thể bao quát). Một số chương trình đào tạo chuyên sâu các môn học chính như môn đọc, số khác lại tập trung vào lý luận logic hay các phương cách giải quyết vấn đề sáng tạo.
Dù được đánh giá cao từ các bậc phụ huynh, nhưng đôi khi các chương trình đào tạo tài năng này bị chỉ trích là “chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu”, do chỉ có phần lớn con em những gia đình thu nhập cao mới có khả năng theo học. Những gia đình giàu có thường mong muốn tạo môi trường giáo dục hoàn hảo nhất cho con em họ.
Tuy nhiên, các nhà giáo dục cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh điều kiện kinh tế, tài năng sáng tạo còn được sinh ra từ thử thách. Teela Huff- đai nâu môn võ karate và muốn trở thành nhà thiết kế trò chơi trên máy tính, đã có những trải nghiệm quý báu từ chương trình đào tạo tài năng này.
“Chương trình đó giúp cháu hoàn thành chương trình lớp 4. Cháu luôn mong mỏi cho đến 8.30, khi lớp học tài năng bắt đầu”, Teela nhớ lại.
Trước khi chương trình bị cắt bỏ, Teela cùng các bạn học đã tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa bổ ích, không chỉ mang lại những khám phá mới mẻ mà còn truyền nguồn cảm hứng học tập cho các em.
Lơ Nguyễn (Theo NYT)