- Sáng 8/3, ĐHQG Hà Nội trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Annick  Suzor-Weiner, nguyên Phó Giám đốc ĐH Paris - Sud XI và GS.Ngô Bảo Châu, ĐH Chicago.

TIN LIÊN QUAN



GS Mai Trọng Nhuận trao bằng tiến sĩ danh dự cho GS Ngô Bảo Châu và GS Annick Suzor-Weiner. Ảnh: Bùi Tuấn

Danh hiệu này ghi nhận những thành tựu trong hoạt động khoa học và đóng góp của các cá nhân cho sự phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế của ĐHQG Hà Nội.

GS. Annick Suzor-Weiner đã nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Ecole Normale Supérieure năm 1979, bổ nhiệm GS tại ĐH Paris-Sud 11 năm 1988. Năm 2003, bà được bổ nhiệm chức vụ giáo sư cấp cao nhất của Pháp.

Trước khi làm cố vấn khoa học công nghệ của Đại sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ bà đã kinh qua chức vụ Phó Giám đốc phụ trách quan hệ hợp tác quốc tế.

GS. Annick Suzor-Weiner có nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi, kể cả việc vận động các tổ chức doanh nghiệp của Pháp hỗ trợ học bổng cho học viên, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ và thành công giữa ĐH Paris-Sud với Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Trung tâm ĐH Pháp tại Hà Nội.



GS Robert Zimmer
GS. Ngô Bảo Châu là cựu học sinh của ĐHQG Hà Nội,  hiện đang công tác tại ĐH Chicago. Lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của ông là Hình học đại số, lý thuyết theo nhóm, trình bày dạng cá thể.
Trước khi làm việc tại ĐH Chicago, GS.Ngô Bảo Châu đã làm GS toán học của ĐH Paris-Sud, làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (Institute for Advanced Study), và làm việc tại Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp.

GS.Ngô Bảo Châu đã xuất bản 14 công trình bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về chuyên môn liên quan như: Bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye, dưới dạng cân bằng, dưới dạng dương tính; Chùm tính chất, hình thái của sự thay đổi căn bản và bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye.

Cũng trong sáng nay, ban giám đốc ĐHQG Hà Nội đã có buổi làm việc với  GS Robert Zimmer, Hiệu trưởng Trường ĐH Chicago về việc hợp tác đào tạo.

ĐH hàng đầu của Mỹ này thành lập năm 1890, với các hướng nghiên cứu mạnh tập trung chủ yếu vào khoa học cơ bản, công nghệ, kinh tế, luật và các ngành khoa học khác.

ĐH Chicago có 85 nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel từng là sinh viên, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, trong đó 8 người vẫn đang công tác.

Hàng năm, Đại học Chicago dành khoảng 500 triệu USD cho các giải thưởng nghiên cứu khoa học và công nghệ.


  • Hạ Anh