- "Thay đổi chế độ tiền lương cho giáo viên, tăng học phí, bỏ thi ĐH..." là những
kiến giải đúc kết từ thực tế của giáo viên Vũ Hữu Huy (Trường THPT Ngọc Tảo – Hà
Nội). Nhà giáo này cho rằng, cần phải định vị lại giáo dục.
>> Có nên ngộ nhận học đến lớp 9 là đủ?
>> Học sinh chỉ cần học hết lớp 9?
>> 'Đừng tranh cãi học 9 hay 12 năm'
>> 'Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông'
>> Để cải cách giáo dục không 'cười ra nước mắt'
>> Thạc sĩ tranh luận với hiệu trưởng Lê Trường Tùng
Tôi không thể ở ẩn
Tôi có dịp dự diện kiến "Ông" - nhìn "Ông" buồn lắm và nói bây giờ cải cách giáo dục kiểu gì cũng không ổn: Tinh giảm biên chế ư? Không được, bởi làm thể sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều giáo viên chưa kể đến các sinh viên mới ra trường. Nâng lương ư? Cũng không được vì ngân quỹ nhà nước eo hẹp lắm mà số lượng giáo viên lại đông.
Ảnh minh họa |
Rồi ông nói đến chuyện thi tốt nghiệp nữa, bỏ thì thương vương thì tội mà làm nghiêm thì có lẽ trượt nửa số học sinh của cả nước. Rồi chuyện chất lượng của các trường ĐH, nơi thừa nơi thiếu, nơi tuyển sinh ồ ạt, nơi không có thí sinh học nên đề nghị hạ điểm sàn (13 điểm rồi còn hạ sao nữa). Rồi các vấn đề về cơ sở vật chất, tiêu cực trong thi cử, dạy thêm, học thêm tràn lan.
Chia tay ông ra về, lòng ngổn ngang bao điều, mình cũng là giáo viên, là một nhân tố trong ngành giáo dục mà lại không giúp gì được? Dù hơn một lần tôi đã quyết ẩn cư, chỉ lo dạy mặc cho thời cuộc xoay vần, cố gắng lo cơm áo gạo tiền cho gia đình.
Nhưng cái chí hướng của mình lớn quá nên tôi quyết định mạnh dạn đưa ra một vài ý kiến hy vọng có thể làm vơi đi nỗi sầu của "Ông Giáo dục":
Tăng lương, tăng học phí, bỏ thi ĐH....
Thay đổi chế độ tiền lương, đãi ngộ cho giáo viên. Chúng ta không thể áp dụng chính sách tiền lương của đời cụ kỵ cho con cháu được đó là sự lạc hậu. Làm được điều này chúng ta sẽ giải quyết được bài toán chất lượng dạy và học nhưng ngân quỹ nhà nước eo hẹp quá.
Tăng học phí. Điều này rất nhiều trường đã làm nhưng lảng tránh thuật ngữ học phí mà thay vào đó là khoản tiền thỏa thuận, tự nguyện của phụ huynh. Nhưng dân mình còn nghèo chắc không chấp nhận chuyện này đâu.
Tôi xin thưa rằng các bậc phụ huynh tiếc lợi ích nhỏ mà để tuột lợi ích lớn, các vị đầu tư cho con học thêm tràn lan mỗi tháng tốn hàng triệu đồng thì không tiếc. Vậy ở các khu vực nông thôn nghèo, miền núi vùng sâu vùng xa thì sao, đơn giản thôi áp dụng chính sách miễn giảm cho các đối tượng này. Nhưng nếu không học thêm sao con em chúng ta đỗ được đại học. Tôi biết chứ nên cần đến ngu kiến 3.
Thay đổi hình thức thi cử - đây là vấn đề tôi cho rất quan trọng bởi nó sẽ chi phối nhiều. Chúng ta nên bỏ kì thi ĐH và lồng ghép nó vào kì thi tốt nghiệp, nghe có vẻ phi lý bởi dư luận bây giờ nói rất nhiều về chuyện nên bỏ thi tốt nghiệp nhưng nếu các bạn đọc tiếp sẽ thấy rất có lý bởi:
Thứ nhất, HS học chương trình của tất cả các môn đến hết năm lớp 10. Ở lớp 11 và lớp 12 các em được đăng kí học 5 môn ưa thích (gồm 3 môn do các trường ĐH yêu cầu và 2 môn nữa) trên tổng số 10 môn học: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Ngoại ngữ, Văn, Địa, Thể dục (hoặc GDCD), Nghệ thuật. Được như vậy các em sẽ tích cực hơn cho học tập và giảm gánh nặng kiến thức. Tôi dạy học nên tôi biết HS lớp 12 trong giờ học thường nói chuyện nhiều bởi nhiều em không thích học môn tôi. Các em ưa thích môn xã hội hơn...
Thứ hai, thi tốt nghiệp (cũng chính là thi ĐH): Thi 10 môn nhưng mỗi HS chỉ phải thi 5 môn đã đăng kí. Nghe có vẻ khó hiểu, tôi có thể giải thích như sau: Vẫn hội đồng như thế, vẫn danh sách số học sinh trong phòng thi đó nhưng các em chỉ phải thi môn đã đăng kí còn môn không đăng kí các em được nghỉ. Làm như vậy "Ông Giáo dục" chỉ phải tốn thêm 4 ngày nữa so với bây giờ nhưng nếu tính cả kì thi ĐH thì số ngày sẽ giảm mà chi phí lại đỡ tốn hơn.
Thứ ba, trong kì thi toàn bộ giáo viên cấp 3 và giáo viên ĐH sẽ cùng coi thi và giám sát nhau. Các giáo viên dạy hoặc cư trú (thường trú) trong huyện sẽ không được coi thi trong huyện đó.
Thứ tư, điểm thi tốt nghiệp được tính là 25 (trung bình mỗi môn 5 điểm), điểm thi ĐH được tính: 3 môn (do trường đại học yêu cầu) x hệ số 2 cộng với điểm 2 môn còn lại. Vấn đề nảy sinh trong sự thay đổi này sẽ là sự khủng hoảng thừa nhân lực và nội dung sách giáo khoa thay đổi.
Cuối cùng, cần nâng cao chất lượng giáo viên trong giảng dạy. Cụ thể, giảm số tiết từ 17 tiết/tuần cho một giáo viên xuống còn 14tiết/tuần.
Đồng thời, tăng số lượng trường học bằng cách giảm chỉ tiêu học sinh/lớp bằng 24 HS. Có người bảo tôi tiền đâu mà xây dựng thêm nhiều trường học thế, điều này tôi sẽ nói trong một buổi khác về ước mơ mở một trường học của tôi. Ở đây tôi xin bật mí là hãy tận dụng xã hội hóa trong giáo dục, mỗi trường học hãy có một ban quản trị.
Cải cách toàn bộ SGK hiện nay với phương châm: Kiến thức hãy là hành trang để học sinh lập nghiệp. Nội dung tập trung sát thực tế tránh đưa những bài học mang tính chất hàn lâm, không thực tế (có hôm tôi đọc được một bài của một học sinh nói rằng học thuyết lượng tử để làm gì khi không mắc nổi chiếc bóng đèn). Làm được điều này chúng ta sẽ chấm dứt được tình trạng học thêm dạy thêm vì nguyên nhân sâu xa của vấn đề này cũng chỉ ở chỗ nội dung thi ĐH ít hoặc không nằm trong chương trình dạy chính khóa hoặc trong SGK mà lại nằm trong chương trình dạy thêm của các giáo viên.
Các vị thử nghĩ xem nhiều trường hiện nay thi tuyển các môn họa, nhạc nhưng chương trình cấp 3 lại không có môn này thì tất nhiên các em phải đi học thêm chứ.
Thay lời kết tôi chúc "Ông Giáo dục" bình tâm suy xét để đặt lợi ích HS, giáo viên và lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Hãy vì lòng tự trọng dân tộc mà làm việc đừng để cái tôi lấn át bản thân.
Vũ Hữu Huy (Trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội)