- Những quy định, thủ tục phiền hà, lạc hậu hay bộ máy hành chính lạm quyền, thiếu minh bạch, gây khó dễ cho người làm nghiên cứu khoa học? Vấn đề này lại thu hút được nhiều tranh cãi trái chiều.
Ảnh minh họa |
Giảng viên chỉ như công nhân
Ý kiến của nhiều độc giả là người trong cuộc, hiện đang công tác tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu cho thấy tình trạng mà Tiến sĩ Trần Thị Bích Liễu nêu ra hiện khá phổ biến, khiến nhiều giảng viên, cán bộ nghiên cứu phần nào giảm bớt đam mê với nghề.
Độc giả Trần Cương một lần nữa khẳng định những bất cập của thực tế này: “Tôi cũng làm việc trong một trường đại học. Thật sự hệ thống kế toán của chúng ta đang có vấn đề. Nhất là vấn đề nghiên cứu Khoa học như trên. Đến phòng Kế toán thì rất nhiều thủ tục phiền hà, rắc rối, thái độ làm việc khó chịu, gây ức chế cho người làm việc. Mà nguyên nhân chủ yếu là sự không công khai, hướng dẫn không cụ thể của đội ngũ kế toán về các giấy tờ cần thiết. Thiết nghĩ nếu có được hướng dẫn cụ thể của họ, thì chúng tôi đâu phải đi lại nhiều lần để sửa lại các thủ tục và sau đó là sự ách tắc trong quá trình quyết toán các đề tài...”
Độc giả Nguyệt Anh, Minh Đoàn cho rằng tình trạng này phổ biến ở hầu hết các cơ quan Nhà nước hiện nay, chứ không chỉ riêng hệ thống giáo dục. “Tôi có thể gặp những tình huống như thế ở nhiều trường học khác. Điều đáng buồn là đó chỉ là một mặt của cả hệ thống giáo dục công, thậm chí là của cả hệ thống cơ quan nhà nước hiện nay. Chỉ có người có quyền hiện nay mới có thể thay đổi được. Nhưng nhiều người (thậm chí là đa số) không muốn thay đổi. Vì minh bạch là kẻ thù của thu nhập không chính thống” – chị Nguyệt Anh thẳng thắn nêu ý kiến.
Là một người đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, anh Vũ Phong cũng đồng tình với quan điểm của TS Liễu. “Khối nhân viên các phòng ban chỉ là bộ phận giúp việc theo đúng nghĩa. Nhưng thực tế, những người trong đó toàn là con ông nọ, cháu bà kia. Điều này càng khẳng định vai trò lãnh đạo của người đứng đầu. Nếu không tập thể đó sẽ không thể phát triển vì nhân sự là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của tổ chức”.
Cùng chung hoàn cảnh, độc giả Thu Hương và Vũ Hùng đều cho rằng giảng viên và người làm khoa học hiện nay chỉ được coi như những “công cụ giảng dạy”, trong khi “nhân viên các phòng ban thì được các “sếp” coi trọng vì muốn không minh bạch phải có sự hỗ trợ của bộ phận này”.
Anh Vũ Hùng khẳng định nếu tình trạng này tiếp diễn thì việc các giảng viên giỏi bỏ nghề là tất yếu. “Trong môi trường đào tạo sẽ chỉ còn lại những giảng viên cơ hội, yếu kiến thức nhưng giỏi quan hệ, và theo thời gian họ sẽ được đôn lên làm quản lý, cuối cùng thì sẽ dột từ nóc!”
Tại kế toán hay tại quy định?
Độc giả Mai Phương phản biện lại việc TS Liễu cho rằng bộ phận kế toán yêu sách, quan liệu, lộng quyền và thiếu minh bạch. “Tôi là người làm công tác kế toán trong trường đại học. Thực tình mà nói, ở trường tôi cũng bị ca thán như bạn, riêng bản thân tôi luôn tìm mọi cách để giúp đỡ cho các chủ nhiệm đề tài nói riêng cũng như giảng viên, CBVC khác nói chung, sao cho nhanh chóng, dễ dàng. Nhưng những quy định, thủ tục do pháp luật nhà nước quy định đôi khi buộc chúng tôi phải làm theo nguyên tắc, không thể khác được. Mà những thủ tục lại gây cho bạn những khó khăn nhất định, tôi hiểu điều đó. Do vậy bạn nên có cái nhìn từ hai phía để thấy rõ được nỗi khó khăn của những người làm công tác này. Nói thật với bạn là chúng tôi rất khổ sở khi bị thanh tra, kiểm toán”.
Cùng chung ý kiến, bạn đọc Mai Sương cho rằng không nên đổ lỗi cho bộ phận kế toán hay hành chính của các trường vì họ cũng phải làm theo quy định của Nhà nước. “Các ngài lúc nào cũng nhăm nhăm thanh toán, nhưng thủ tục quy định theo luật thì không chịu làm, lại đổ cho người ta gây khó dễ”. Độc giả này cho rằng nếu vẫn để tình trạng những người không làm khoa học quyết định các định mức nghiên cứu thì câu chuyện này ngàn năm vẫn vậy.
Dù thừa nhận hiện tượng mà TS Liễu đưa ra là có thật, song độc giả Trịnh Dũng cho rằng không nên nhìn nhận những bộ phận hành chính, kế toán, nhân sự chỉ là đơn vị phục vụ. Theo độc giả này, các đơn vị trong cùng một tổ chức đều có vị thế như nhau. “Suy nghĩ mình lúc nào cũng hơn người khác, họ chỉ có trách nhiệm phục vụ mình là chưa thỏa đáng”.
Những tiến sĩ, giáo sư rất giỏi về chuyên môn thường có tâm lý người khác phải lắng nghe và làm theo ý mình. Theo anh Trịnh Dũng, tâm lý này là không nên, mà phải thử đặt mình vào địa vị người khác để thông cảm và tạo điều kiện cho công việc của nhau.
Nguyễn Thảo (tổng hợp)