Bỏ ra gần 6 năm làm nghiên cứu sinh rồi nhận tấm bằng tiến sĩ nhưng khi về nước chức vụ không thay đổi, đồng lương còm cõi khiến nhiều giảng viên trẻ không dám nghĩ tới việc lập gia đình. Có người phải ngậm ngùi chia tay vì vợ không chịu được cảnh chồng nghèo khó…

{keywords}
Ảnh minh họa. (Ảnh: Người lao động).

Những cuộc chia tay

Sinh ra ở vùng quê nghèo ở Cao Bằng, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Nam được nhà trường giữ lại làm giảng viên ngành cơ khí. Gia đình, bạn bè ai cũng mừng vui trước tin anh đã là “người nhà nước” lại công tác ở thủ đô.

Công việc tạm ổn, anh lập gia đình. Vợ anh yêu anh cũng một phần vì ngưỡng mộ và tự hào khi có chồng làm giảng viên đại học.

Nhưng vừa cưới được hai tháng anh được học bổng đi nghiên cứu sinh ở Trung Quốc. Đam mê khoa học, anh không muốn bỏ lỡ cơ hội. Anh đi rồi bỏ lại vợ lủi thủi trong căn nhà trọ chật hẹp, nắng như lò thiêu, mưa nước xối xả như ngoài trời.

Chút tiền giảng viên còn lại mỗi tháng ngót triệu bạc anh đưa cộng thêm tiền lương kế toán của vợ chỉ đủ cho chị chi tiêu hàng tháng, chẳng dư lấy một đồng.

Anh dự kiến chỉ đi 3-4 năm nhưng rồi phải về sớm để giải quyết chuyện ly hôn. Lý do thật cay đắng. Vì quá tủi thân và thời gian xa cách lâu khiến vợ anh quyết định nói lời chia tay để “tốt cho cả hai”.

Trở về nước sau hơn 4 năm, thay đổi lớn nhất chính là việc anh đã có học vị tiến sĩ. Sáng anh dậy sớm, dắt xe máy từ phòng trọ đi làm. Chiều về tự lo cơm nước rồi ngồi vào bàn giấy. Đồng lương vài ba triệu với chút phụ cấp xăng xe, thưởng tết gần chục năm vẫn chỉ quẩn quanh mức 1 triệu đồng. Anh ngậm ngùi: “Như thế thì vợ con làm gì nữa”.

Trường hợp của anh Hoàng, một giảng viên cơ khí khác cũng đau khổ không kém. Sau gần 5 năm công tác tại một trường đại học lớn, lương của anh chỉ quẩn quanh mức 3 triệu đồng. Vợ anh làm ở đại sứ quán nên thu nhập gấp anh vài lần.

Lấy nhau được 3 năm và đã có với nhau 1 đứa con nhưng rồi chị cũng không chịu được cảnh khốn khó khi vợ chồng phải chật vật thuê trọ. Và họ chia tay.

Những con người cùng cảnh ngộ vốn dễ hiểu nhau hơn. Giờ đây anh Hoàng và Nam đã là bạn thân. Cũng như anh Nam, anh Hoàng chỉ cười như mếu: “Quyết định ở vậy suốt đời thôi”.

Nhóm độc thân này hiện có thêm vài giảng viên tuổi ngoài 30. Họ là những người chưa trải qua chuyện hôn nhân nhưng thấy “gương” người đi trước nên ngậm ngùi gác lại ý định lập gia đình.

Phải nhún nhường vợ

Khá hơn cả là trường hợp của anh Tiến, hiện đang là một nghiên cứu sinh. Tốt nghiệp năm 2002 với tấm bằng giỏi nên anh được trường giữ lại. Khác với các đồng nghiệp đến từ các miền quê nghèo, anh có gia đình ở Hà Nội. Ở lại trường với anh hoàn toàn xuất phát từ tình yêu nghiên cứu khoa học, mong muốn truyền đạt kiến thức cho sinh viên.

Không muốn phụ thuộc vào bố mẹ, anh xin ra trọ ở ngoài nên thấu hiểu đời sống vất vả của các giảng viên tỉnh lẻ. Những năm đầu đi dạy anh nhớ có tuần chỉ còn đúng 4.000 đồng trong túi. “May mắn vì gạo vẫn lấy ở nhà. Thế là tới bữa rang cơm ăn với nước mắm, liền đến cả tháng” – anh nhớ lại.

4 năm sau anh lập gia đình với không một đồng tích cóp được. Xe Dream Thái cũ ngày xưa bố mẹ cho anh cũng bán để sửa sang nhà cửa, giường và bàn ghế anh tự đi mua gỗ thải về đóng lấy.

“Vất vả là thế nhưng vợ chồng mình may mắn mượn được nhà của một người họ hàng để ở. Như một số người bạn của mình cũng là giảng viên, gia đình 2 vợ chồng và 1 con vẫn thuê phòng hơn chục mét vuông để ở. Bữa nào bà xuống trông cháu giúp thì chồng nhường chỗ nằm, lấy tạm tấm ván gỗ chằng lên 2 hai xe máy dựng cạnh nhau mà ngủ” – anh tâm sự.

Đi nghiên cứu sinh, anh giao nhiệm vụ chăm sóc 2 con nhỏ cho vợ. Bố mẹ anh vẫn phụ giúp nhưng sức người già khi ốm đau nên chị từ sáng đến tối lúc nào cũng tất bật lo việc ở cơ quan rồi về lo cho các con.

Anh chia sẻ: “Mình xa vợ con cũng 3 năm rồi, mỗi năm chỉ được về nhà chục ngày. May nhờ có skype nên vợ chồng và các con xa nhau nhưng tối đến vẫn gặp mặt, trò chuyện qua mạng được.

Nhưng chỉ như vậy làm sao bù đắp được những thiếu thốn, vất vả khi cô ấy không có mình ở bên. Lắm khi chỉ một việc nhỏ cũng đủ khiến cô ấy cáu bẳn với mình hay các con. Biết vợ hi sinh nhiều vì chồng con nên mình đều nhún nhường, an ủi vợ”.

Nhìn SV “đi thầy cô” mà buồn cười

“Những ngành kinh tế, xã hội,…chuyện con ông cháu cha ở mình nhiều lắm. Có người đi dạy chỉ cần cái danh, tiền thì không thiếu. Việc sinh viên đi thầy cô cũng không ít. Nhưng riêng với ngành cơ khí hay kĩ thuật không giỏi không được. Con ông cháu cha thì mấy người theo cơ khí làm gì cho cực nhọc. Giảng viên phần nhiều là người tỉnh lẻ và họ thực rất giỏi” – anh Tiến khẳng định.

{keywords}
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuổi trẻ).

“Nhiều người vì khó khăn nên xoay đủ nghề kiếm sống. Bạn tôi có người mở quán photocopy, mở quán nước nho nhỏ kiếm sống hay như tôi cố gắng tìm việc làm thêm đúng ngành nghề để nuôi ước mơ giảng dạy.

Lên lớp nhìn hơn 100 sinh viên toàn nam, từ tỉnh lẻ về Hà Nội học. Em nào cũng tựa như nhau, nghèo khó và còn già hơn thầy dù tuổi đời ít hơn. Anh em giảng viên nói vui với nhau không lẽ lấy mấy trăm ngàn các em mang đến để 1 tuần chúng phải nhịn ăn” – anh tâm sự.

Rồi anh cười tếu táo: “Nhưng nghèo cũng có những niềm vui. Sinh viên của chúng tôi ra trường phần lớn có việc làm đúng ngành nghề và một mức thu nhập tốt. Làm giảng viên còn gì hạnh phúc hơn khi đào tạo ra những trò như thế”.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Văn Chung