Cách đây ít lâu, tôi có được xem một phóng sự về truyền thống và sự phát triển của Trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) phát trên VTV1.
Là học trò cũ nên tôi rất tự hào và xúc động với ngôi trường đã chắp cánh cho nhiều thế hệ học trò bay lên khẳng định bản thân và đóng góp tài năng cho đất nước.
Nhưng trong phóng sự ấy, khi đề cập đến sự thành đạt của các thế hệ học trò Lam Sơn, tôi chỉ nghe nhắc đến một vị tướng (cấp tỉnh) mà không nghe thấy nhắc đến những học trò thành đạt còn cao hơn vị tướng ở cấp tỉnh ấy rất nhiều lần như nhà chính khách Phan Diễn, nhà ngoại giao Nguyễn Dy Niên... Cũng không nhắc đến các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, ví như GS Sử học Trần Quốc Vượng...
Cũng không nghe nhắc đến các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng như nhà thơ Định Hải (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, tác giả bài hát “Bài ca trái đất” nổi tiếng) hay thi sĩ Nguyễn Duy... Chẳng lẽ trong cơ chế thị trường và hội nhập, không cần các chính khách lớn, các nhà khoa học cự phách và cũng không cần các văn nhân thi sĩ nổi tiếng?
Chưa hết. Mới tuần trước đây, tôi có dịp gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Quế - cựu giáo viên toán của Trường Lam Sơn, nghe thầy chia sẻ mà thấy ngạc nhiên, băn khoăn và thêm cả áy náy, lo lắng nữa.
Thầy Quế kể: Trong một cuộc gặp mặt nhân dịp khai giảng năm học mới và kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, có khá đông quan khách tham dự, trong đó có các bậc trưởng lão như thầy Vũ Lê Thống - cựu Hiệu trưởng, thầy Cao Hữu Nhu - cựu Hiệu phó nhà trường. Nhưng khi đọc diễn từ khai mạc buổi gặp mặt ấy, người đại diện cho nhà trường đã “kính thưa” đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh (là học trò cũ của Lam Sơn), rồi “kính thưa” đồng chí thiếu tướng (cũng là học trò cũ của Lam Sơn) trước, rồi sau đó mới đến “kính thưa” thầy Thống, thầy Nhu...
Chuyện nhỏ! Đúng là chuyện nhỏ thật! Song nghe chuyện, tôi chợt nhớ tới một câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Cái tế nhị ở đây là nhìn nhận đúng các giá trị, cái nào lớn, cái nào nhỏ. Có sự nhầm lẫn giữa lớn và nhỏ. Cái tưởng lớn hóa ra nhỏ, cái tưởng nhỏ lại là lớn...”.
Tại sao không phải là “kính thưa” thầy Thống, thầy Nhu trước, mà lại là ngược lại, lại “kính thưa” các thế hệ học trò trước (?!).
Những người làm nghề dạy người mà không “tôn sư, trọng đạo” thì làm sao dạy cho lũ học trò trong cơ chế thị trường này biết “trọng đạo, tôn sư”?
(Theo Minh Tâm/ Dân Việt)
Trong cuộc sống, có nhiều câu chuyện "nhỏ mà không nhỏ" thể hiện nhiều bài học. Mời các bạn tham gia chia sẻ các câu chuyện như vậy. Bài viết đăng tải hưởng nhuận bút theo chế độ của tòa soạn. Bài viết xin gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn. |