- Câu chuyện học sinh Nguyễn Văn Nam (lớp 12 T7 Trường THPT Đô Lương I, Nghệ An) hy sinh bản thân cứu bạn khiến học sinh xúc động khi được đưa vào đề thi Văn tốt nghiệp 2013 sáng nay.

{keywords}
Ảnh: Văn Chung

10h sáng 2/6, học sinh lớp 12 kết thúc bài thi môn Văn tốt nghiệp THPT.

Xã hội nhiều người ích kỷ, ít người như Nam...

Bước ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh gương mặt rạng rỡ cho biết đề thi năm nay khá cơ bản, bám sát thực tế. Các em đặc biệt thấy thú vị với câu hỏi nghị luận xã hội (3 điểm).

Trần Vũ Mỹ Linh, học sinh lớp 12 B10 Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Đề thi Văn khá sát chương trình em ôn nên em không bất ngờ với các câu hỏi đưa ra”.

Mỹ Linh chia sẻ: “Em rất xúc động khi đọc câu hỏi này. Hành động của bạn Nam cứu các em học sinh lớp dưới ở Nghệ An mới diễn ra gần đây khiến nhiều người như chúng em rơi nước mắt”.

Trong câu hỏi này, Mỹ Linh cho biết: “Em nêu suy nghĩ bản thân về hành động dũng cảm của Nam. Bản thân em thấy những hành động như bạn bây giờ ít người có tấm lòng cao cả như bạn.

"Bản thân em cũng phải nhìn lại mình đã làm được những gì tốt, chưa tốt. Những việc em nghĩ mình có thể làm đơn giản bắt đầu bằng giúp người ngoài đường khi họ gặp khó khăn hay giúp người bị tai nạn giao thông” - Linh trăn trở.

Trong câu hỏi 5 điểm, Mỹ Linh chọn câu hỏi về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ". Chọn câu này vì em ôn kĩ hơn, thích hơn. Nhưng em thấy thú vị ở câu hỏi nghị luận xã hội, sát đời sống bình thường.

{keywords}
Phần đề thi khiến thí sinh xúc động

Nguyễn Vũ Phương Lan, học sinh lớp 12 B10 Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: “Hành động của Nam đáng để mỗi học sinh chúng em học tập và xem lại bản thân. Em thấy xã hội giờ nhiều người ích kỉ, không biết nghĩ tới mọi người, ít người được như Nam lắm”.

Vũ Văn Hoàng, học cùng trường với Phương Lan chia sẻ: “Thật cảm động khi Nam cũng chỉ bằng tuổi chúng em hiện nay. Nam đã hy sinh bản thân để cứu các em bị đuối nước. Em đã suy nghĩ rất nhiều khi đặt bút viết những dòng suy nghĩ về hành động này của Nam”.

Trong phần câu hỏi tự chọn, đa phần học sinh khi được hỏi đều chọn câu hỏi theo chương trình chuẩn về tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" vì dễ viết hơn câu hỏi phân tích đoạn thơ trong bài "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm).

Đề dễ

"Đề thi Ngữ văn quá dễ, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên cũng có khả năng đạt 6-7 điểm" - đó là nhận nhận xét của thí sinh Vi Văn Quyết, thí sinh ra đầu tiên (9h10) tại Hội đồng thi THPT Gia Định- P17- Q. Bình Thạnh.

Quyết cho biết: Ở câu một tóm tắt truyện ngắn già và biển cả. hai điểm rất dễ ăn; câu nghị luận xã hội về lòng dũng cảm của con người trong xã hội tuy nhiên đã được làm quen nên cũng dễ. Ở câu hỏi 5 điểm: Phân tích hình tượng nhân vật người anh hùng Tnú trong truyện ngắn "Rừng Xà Nu" của tác giả Nguyễn Trung Thành đã được ôn kĩ lưỡng nên khả năng giành điểm là rất cao.

Thí sinh Trần Bảo Ngọc - Trung tâm giáo dục thường xuyên Gia Định cũng cho biết: đề thi đã được ôn “trúng tủ”, đặc biệt câu hỏi 5 điểm về phân tích hình tượng người anh hùng Tnú đã được ôn kĩ lưỡng. “Hơn nữa đây là tác phẩm văn học nổi tiếng nên đã được học kĩ”.

Nhận xét của trang, thí sinh Nguyễn Thúy Quỳnh Trang– Trung tâm giáo dục thường Xuyên Gia định, TP.HCM: đề thi Văn dễ. Trước khi thi em đã kịp học lại hai tác phẩm "Ông già và biển cả", "Rừng Xà Nu" nên việc giành 6 điểm ở hai câu này là có thể được.

{keywords}
Thí sinh thở phào với đề Văn không đánh đố (Ảnh: Lê Huyền)

Về câu hỏi nghị luận đây có thể là đề tài khó đối với nhiều thí sinh nếu như không thường xuyên tiếp xúc hoặc rèn kĩ đối với loại đề tài này. “ Đây là một đề mở, tuy có thể khó với rất nhiều bạn, nhưng bản thân em thấy bình thường”- Trang cho biết.

Em Nguyễn Thị Thúy Vy, học sinh Trung học phổ thông dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đề thi Văn (giáo dục thường xuyên) năm nay dễ hơn mọi năm. Tất cả có 3 câu hỏi và em làm được hết.

Em Nguyễn hoài Dung Tố, THPT Lê Quý Đôn cũng cho biết đề thi vừa sức, không đánh đố thí sinh. Nếu học bài nghiêm túc, theo sự hướng dẫn ôn tập của thầy cô sẽ dược điểm cao.

Giáo viên Hoàng Sĩ Hồng –  Giáo viên dạy văn THPT Phan Thúc Trực cho biết: Đề thi văn rất hay. Cái hay ở chỗ về lòng dũng cảm của con người trong xã hội thông qua nhân vật Nguyễn Văn Nam – Đô Lương- Nghệ An, qua đề tài này có giúp các em phát huy tốt khả năng làm văn nghị luận của mình. Bản thân nhân vật Nguyễn Văn Nam cũng là một tấm gương cho các em học sinh noi theo về lòng dũng cảm.

“Đề văn đã hướng các em đến với những sự việc, những tính cách thiết thực nhất trong đời sống, đó là sự dũng cảm”

Chiều nay, thí sinh tiếp tục thi môn Hóa học với thời gian làm bài 60 phút.

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong phần cuối truyện ngắn “Thuốc” của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì?

Câu 2 (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều ngày 30 -4 -2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 -5 -2013)

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chợ và bị trói trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam – 2012).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam – 2012, tr.115-116-117)

Văn Chung -Lê Huyền