- Nhận xét về đề thi Văn tốt nghiệp 2013, các giáo viên Văn một số trường THPT cho rằng đề thi năm nay khá cơ bản, vừa sức với học sinh đồng thời có điểm thú vị ở câu nghị luận xã hội.

{keywords}

Học sinh sau buổi thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2013.

Có ý nghĩa thời sự

Cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên Văn Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Cấu trúc đề thi vẫn là câu hai điểm tái hiện kiến thức văn học nước ngoài. Câu hỏi cũng không đơn thuần chỉ hỏi về tác giả tác phẩm mà xoáy vào các chi tiết hay của tác phẩm. Năm nay câu 1 hỏi về ý nghĩa chi tiết vòng hoa trên mộ của Hạ Du. Chi tiết này cũng nói lên tư tưởng chủ đề tác phẩm.

Về câu hỏi 3 điểm là dạng đề nghị luận xã hội vừa sức và phù hợp. Học sinh dễ viết. Câu hỏi có tác dụng giáo dục học sinh về lòng dũng cảm. Trường hợp em học sinh cứu bạn bị đuối nước làm rung động trái tim trẻ con.

Đặt vấn đề vào thời điểm mùa hè lại càng mang tính thời sự. Nó vừa tác động trái tim người viết vừa khiến chúng ta đau lòng khi năm nào cũng có nhiều em bị đuối nước. Hành động hi sinh của Nam khiến chúng ta không khỏi xót xa.

Với câu hỏi 5 điểm, đề thi cũng vừa sức. Ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), đề không hỏi vấn đề lớn là sức sống tiềm tàng của Mị vì sẽ rất nặng với học sinh. Hỏi về tâm trạng, hành động của Mị trong đêm tinh mùa xuân là phù hợp với thi tốt nghiệp.

Câu hỏi phân tích đoạn thơ trong bài Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) cũng khá cơ bản và trò đã được thầy cô giáo ôn kĩ.

Tóm lại, đề thi Văn năm nay khá hay vừa vừa sức, phù hợp với một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh khá giỏi có thể đạt được điểm 7 trở lên. Các em kém hơn có thể đạt điểm trung bình.

Tránh được cách viết sáo mòn

Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên dạy Văn Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cũng cho rằng: “Đề bài về cơ bản vừa sức với học trò, không có câu nào quá khó; đảm bảo sự cân đối giữa thơ và văn xuôi; kiến thức nghị luận xã hội và nghị luận văn học....

Câu hỏi về văn học nước ngoài không bất ngờ với học sinh khi yêu cầu nhận xét về một chi tiết quan trọng cuối truyện ngắn "Thuốc" của Lỗ Tấn. Tuy nhiên, có thể học trò sẽ quan tâm tới chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du mà không chú ý tái hiện những chi tiết thể hiện thái độ của bà mẹ.

Câu hỏi 2 thuộc dạng bài nghị luận về một hiện tượng xã hội. Đề bài đề cập tới một hiện tượng xã hội có thật, mới mẻ, một hiện tượng gây hiệu ứng mạnh về nỗi xúc động và niềm cảm phục với một thiếu niên dũng cảm, hi sinh thân mình cứu bạn.

“Tôi nghĩ đề bài sẽ chạm tới những xúc cảm chân thành của học trò, tránh được cách viết sáo mòn, sách vở” – cô Thu Tuyết chia sẻ.

Về câu hỏi 5 điểm, cô Thu Tuyết nhận định: “Phần nghị luận văn học là hai câu hỏi khá quen thuộc, yêu cầu " phân tích" một đơn vị kiến thức khá cụ thể trong truyện ngắn VCAP (câu 3a), trong đoạn trích Đất Nước (câu 3b).

Cả hai câu này đều không làm khó cho học trò, tuy nhiên tôi dự đoán phần nhiều các em sẽ chọn câu 3a bởi đây là đơn vị kiến thức rất điển hình trong tác phẩm, sự triển khai bài viết khá sáng rõ.

Câu 3b đòi hỏi các em phải có khả năng tư duy và cảm thụ thơ, từ một đoạn thơ ngắn, phân tích, khái quát tư tưởng lớn xuyên suốt đoạn trích, thậm chí là tư tưởng bao trùm cả giai đoạn văn học 1945-1975 tư tưởng" Đất Nước của Nhân Dân".

Câu hỏi 3a sẽ sáng hơn nếu diễn đạt gọn lại, ví dụ: "Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân", bởi yêu cầu " phân tích diễn biến tâm lí và hành động của Mị qua cảnh đêm mùa xuân Mị muốn đi chơi và bị trói..." ít nhiều sẽ hạn định nội dung kiến thức; nếu máy móc, học sinh có thể chỉ phân tích hai chi tiết Mị muốn đi chơi và bị trói...

Nếu thay yêu cầu phân tích đoạn thơ ở câu 3b bằng yêu cầu "cảm nhận đoạn thơ", đề bài sẽ không đơn điệu và phát huy nhiều hơn năng lực cảm thụ của các em.

Giáo viên dạy văn Nguyễn Đăng Ngọc, Trường THPT Nam Yên Thành (Nghệ An): "Đề thi tương đối hay, lạ..."

So với mọi năm đề thi năm nay không có gì đặc biệt. Nhưng có thể nói, hai câu đầu tương đối hay, đặc biệt là câu hỏi 3 điểm nghị luận về lòng dũng cảm được lấy từ một sự việc có thật trong đời sống xã hội. Đây tuy là một hiện tượng bình thường đã xảy ra trong xã hội, nhưng cái hay ở chỗ nó đã khơi dậy được tính chất thời sự của sự việc và được vận dụng trong giáo dục.

Bản thân em Nam trước khi mất cũng là một học sinh đang học lớp 12, đề bài là tiếng nói là suy nghĩ của những người cùng trang lứa...

Ở câu 1 - đây là lần đầu tiên đề thi tốt nghiệp THPT đề cập và ra chi tiết này, hình ảnh bà mẹ đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì?

Tôi nghĩ điều này làm cho con người liên tưởng đến lòng biết ơn.

Ý nghĩa xã hội của câu hỏi này là giáo dục, răn dạy con người tránh khỏi những cạm bẫy, thức tỉnh lòng u mê và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn. Đồng thời cũng khơi dậy lòng biết ơn của lớp trẻ hiện nay đối với những người đã ngã xuống.

  • Lê Huyền

Văn Chung