- Gia đình cô tôi ở Đồng Nai có một con gái 11 tuổi nhưng, năm nay em học lớp 5. Suốt thời gian em gái họ tôi đi học, tôi thường xuyên từ thành phố Hồ Chí Minh về  thăm cô chú và kèm em học nên tôi hiểu rõ sức học của em.

Thú thực, em tôi học rất kém. Cô bé bị mắc một chứng bệnh về tinh thần khiến em tôi suy nghĩ rất chậm chạp, hay cáu gắt, hay giận dỗi. Ở nhà, bé nói rất nhiều, huyên thuyên đủ chuyện về “công chúa, hoàng tử” như một trẻ em học mẫu giáo (trong khi bé đã 11 tuổi!).

Lên lớp, em tôi lại không mở miệng một lời nào, kể cả khi bị bạn chọc ghẹo hay cô giáo gọi đứng dậy phát biểu. 11 tuổi nhưng việc tắm giặt, ăn uống vẫn phải có người lớn kèm cặp.

Tôi không “gọi tên” được căn bệnh đó vì chính cô chú tôi cũng giấu không nói và họ rất buồn rầu vì chuyện này. Lên lớp 5 nhưng em tôi vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, không biết đặt một câu văn miêu tả con mèo đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ.

Nhìn cô tôi buồn, tôi không dám nói ra những suy nghĩ của mình. Để em lên được lớp 5, cô đã “đầu tư” rất nhiều khoản cho thầy cô ở mỗi lớp em học: tiền học thêm ở nhà cô, tiền quà cáp mỗi khi lễ, tết, ngày 20-11…

Điều bất ngờ là hầu hết các học kì qua em đều được nhận giấy khen học sinh tiên tiến. Nhìn cô bé hớn hở khoe tấm giấy khen mà không hề biết bản chất của tờ giấy mình đang cầm là gì, tôi thấy nặng lòng.

Nhiều lần, tôi khuyên cô chú nên cho em vào học một trường đặc biệt cho trẻ em kém phát triển, ở đó vừa được học, vừa được “chữa bệnh”, em tôi sẽ đỡ căng thẳng hơn và sẽ tiến bộ hơn.

Nhưng vì thương con và điều kiện hiện nay không cho phép, cô chú tôi vẫn “cố đấm ăn xôi”.

Em tôi có thể qua cấp 1, nhưng lên cấp 2 cô bé sẽ học sao đây? Rồi cả một chặng đường dài tương lai phía trước?

Ai có lỗi trong chuyện này? Cô chú tôi? Những người cô, người thầy của em tôi? Hay ngành giáo dục của chúng ta đang chạy theo số lượng, theo những thành tích đẹp? Chúng ta đang cùng nhau tạo ra những mắt xích để “cho qua” mọi chuyện trong tầm với, nhưng không nhìn về tương lai xa. Chúng ta đang chạy theo điều gì?

  • Lê Tùng (TP.HCM)