- Cách xử lý 2 nhà vệ sinh cùng xây dựng tại một trường gây lãng phí cũng khá “hài hước” là: Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo chia thành 1 nhà vệ sinh cho giáo viên, 1 nhà vệ sinh cho học sinh (?)

Chiều 13/6, Sở GD&ĐT tổ chức họp báo về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh có giá “khủng” tại các trường học trên địa bàn tỉnh do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư.

{keywords} 

Ông Đỗ Văn Phu- Phó GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ngãi trả lời báo chí

Về vấn đề mà báo chí quan tâm việc nhà vệ sinh của Trường THCS Long Hiệp (huyện Minh Long) có diện tích 29 m2 có giá gần 600 triệu đồng, ông Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, công trình nước sạch vệ sinh Trường THCS Long Hiệp có tổng mức đầu tư 593.013.000 đồng.

Trong đó, vốn đóng góp của nhà trường là 148.253.000 đồng (25%), còn lại là ngân sách cấp từ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.

Ban Quản lý các Dự án Đầu tư và xây dựng GD&ĐT thực hiện các công việc của dự án với giá trị 444,760 triệu đồng, trong đó, xây dựng nhà vệ sinh trị giá 236,456 triệu đồng và cấp nước sinh hoạt trị giá 95,421 triệu đồng, hệ thống điện bơm nước 46 triệu. chi phí khác 66,7 triệu đồng.

Như vậy, số tiền dùng để xây dựng riêng nhà vệ sinh 29,2 m2 nhà vệ sinh có hệ thống cấp thoát nước vệ sinh trong nhà giá trị 236,456 triệu đồng.

Ông Phu cũng cho biết, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra tất cả các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường do Sở GD-ĐT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, đặc biệt là hàng loạt công trình mà báo chí đã phản ánh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc 1m2 nhà vệ sinh trung bình có giá 8 triệu đồng, liệu có quá cao so với thực tế, thậm chí cao gấp 4 đến 5 lần? Ông Phu lý giải, việc thiết kế Nhà vệ sinh được áp dụng theo mẫu thiết kế do Bộ GD&ĐT ban hành thiết kế mẫu nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở áp dụng rộng rãi trong phạm vi trong toàn quốc.

Việc lập dự toán xây dựng công trình hoàn toàn phù hợp với các quy định, chế độ hiện hành, đơn giá xây dựng trên địa bàn tỉnh và thông báo giá tháng của Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho từng thời điểm.

Chủ đầu tư chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực để lập báo cáo kinh tế kỹ thuật cho từng dự án, đồng thời hợp đồng đơn vị tư vấn đôc lập khác làm công tác thẩm tra. Trên cơ sở của đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm tra, chủ đầu tư Sở KH&ĐT phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Tuy nhiên liên quan đến câu hỏi, ngoài công trình nhà vệ sinh Trường THCS Long Hiệp có giá 236 triệu đồng thì các hạng mục khác như cấp nước sinh hoạt, trị giá trên 95 triệu đồng, hệ thống bơm nước trị giá trên 46 triệu đồng và chi phí tư vần và chi phí khác là trên 66,7 triệu đồng có hợp lý không? Thì ông Phu không trả lời.

Về câu hỏi, lãnh đạo Trường THCS Long Sơn không đồng ý nhận công trình vì trường đã có công trình rồi? Ông Phu khẳng định, Sở có đủ bằng chứng để chứng minh lãnh đạo trường chấp nhận dự án vì trước đó, trường chỉ có 1 nhà vệ sinh đang sử dụng, nhưng đã xuống cấp.

{keywords} 

Nhà vệ sinh THCS Long Hiệp được xem là một trong những công trình có giá xây dựng cao gấp nhiều lần so với thực tế.

Sau khi công trình của Sở được đầu tư thì Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) tiếp tục đầu tư xây dựng công trình vệ sinh thứ 2 tại trường.

Phóng viên đề nghị Sở nêu cách xử lý 2 nhà vệ sinh cùng xây dựng tại một trường gây lãng phí này thì lãnh đạo Sở cho rằng, Nhà vệ sinh đã xây rồi, không thể di dời được, Sở sẽ chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Minh Long chia thành 1 nhà vệ sinh cho giáo viên, 1 nhà vệ sinh cho học sinh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị Sở lập đoàn kiểm tra, có khách quan hay không? Ông Phu khẳng định đó là nguyên tắc quản lý nhà nước của Sở. Lãnh đạo Sở nhận khuyết điểm về vấn đề này. Qua kiểm tra, thanh tra, phát hiện ra sai phạm, Sở sẽ xử lý cán bộ một cách khách quan và sẽ gửi thông tin đến cơ quan báo chí.

•    Minh Bảo