- Thời tiết ở Sendai đang ngày một xấu khi mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Hơn 20 người Việt trong đó có nhiều du học sinh đang trong cảnh “cấm cửa”, không dám ra ngoài vì lo sợ nhiễm phóng xạ ngấm theo đường nước.

Khác với nhóm của Đỗ Quốc Việt, nhóm của Nguyễn Khắc Hương chọn nơi lánh nạn là khu trung tâm của Sendai, nơi người dân bản địa cũng đang ở đó.

Cũng không giống cách “liều” ra ngoài bắt xe bus như nhóm của Việt, hơn 20 người trong nhóm của Hương chọn cách ở yên tại chỗ, ngóng chờ tin tức từ phía Đại sứ quán VN.

Theo thông tin của một thành viên khác thuộc nhóm của Hương thì trong buổi chiều muộn sẽ có xe của Đại sứ quán tới đón, nhiều người đã chuẩn bị đồ đạc, sẵn sàng lên đường.

Cảnh hỏa hoạn ở Fukushima. Ảnh Getty Image
Tuy nhiên thông tin này cũng chưa rõ ràng, vì bản thân Hương cũng chưa chắc chắn chuyện này: “Nếu có xe đến thì đi mà không thì phải về nhà. Ở nhà thì không có ga, không có nước. Hiện trời mưa lớn nên lạnh lắm”.

Song điều lo lắng của các bạn đang ở lại Sendai chính là khả năng chất phóng xạ phát tán theo đường nước mưa. “Ra ngoài hiện nay rất nguy hiểm nên bọn em không thể liều được” – Hương phân trần.

Việc tự túc đi bắt xe bus theo Hương cũng khó có thể lên được hết nhiều người trong nhóm cùng lúc do xe rất đông người đợi, khả năng mất liên lạc rất dễ xảy ra.

Thông tin thêm từ một thành viên trong đoàn hiện đang làm việc tại Sendai cho hay: “Qua liên lạc, các lao động và du học sinh tại Fukushima đã được di chuyển tới nơi an toàn”.

Bằng nhiều cách khác nhau, phụ huynh và người thân của các DHS đang cố gắng liên hệ với con em thông qua điện thoại và các mạng xã hội...

Tuy nhiên hiện việc liên lạc qua điện thoại rất khó, mạng liên tục báo bận hoặc không thể liên lạc do mất sóng hoặc máy điện thoại của các bạn hết pin, không có điện sạc. Việc liên lạc qua mạng xã hội cũng thêm hạn chế do thiếu điện.

  • Văn Chung
Thông tin từ bạn đọc Tô Chinh, hiện nhiều gia đình muốn gửi tiền sang cho con em bên Nhật nhưng việc chuyển tiền cũng rất khó. Thêm nữa, các em cũng chỉ được rút khá ít tiền qua hệ thống ATM ở Nhật Bản.

Do chị Nguyễn Thị Thu Thà, phó chủ tịch HĐQT của Trường Kinh tế Ngoại giao Việt Nam (Vicefo College) tại Hà Nội, đang đi tu nghiệp và công tác tại Sendai- Nhật Bản cũng có một số tiền tại ngân hàng tại đây, thông qua độc giả Tô Chinh, phụ huynh đã gửi được tiền cho con em mình.


Để đảm bảo tính an toàn, hai bên có làm văn bản cụ thể,  ký kết, cam đoan và hoàn toàn không có chuyện tính phí. Khi thỏa thuận xong, các DHS có thể tới lấy tiền trực tiếp hoặc chị Thà tới đưa tiền cho các em.